Friday, September 30, 2022

MỘT THỜI QUỐC VĂN GIÁO KHOA THƯ

 https://www.facebook.com/binhloi.daykem.3/posts/pfbid0387HnCWt55WK1hutJoY5A8r3B1iWt9ijZZMiiE5E2xGnAu5vJEPnfeHV1PU1p5H1sl

Thời đó qua đi hơn 70 năm rồi, mà “kỷ niệm đầu đời” vẫn còn tươi mới trong ký ức của một gã đàn ông gần đất xa trời. Những hình ảnh, câu chuyện vẫn đeo đẳng kiếp người, và khi nhìn vào nền giáo dục thời nay, ký ức vẫn mang lại niềm tiếc nhớ khôn nguôi.

Kỷ niệm của những ngày 7- 8 tuổi ấy không bao giờ phai nhạt, đặc biệt với hai quyển Quốc văn Giáo khoa thư lớp Dự bị (cours préparatoire, sau là lớp Tư, nay là lớp Hai) và Quốc văn Giáo khoa thư lớp Sơ đẳng (cours élémentaire, sau là lớp Ba, nay cũng là lớp Ba). Ấn tượng về chúng mạnh mẽ đến nổi khi lớn lên, có những lúc, mình ngồi nhớ quay quắt từng hình ảnh, từng câu chuyện trong sách.

Cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, khi về địa phương làm một viên chức chính quyền cấp quận, rồi cấp tỉnh, “nỗi nhớ Quốc văn Giáo khoa thư” đã thúc đẩy mình “hối mại quyền thế”, mượn danh nghĩa cấp chỉ huy, nhờ hai ông cựu giáo chức đi tiếp xúc với các nhà giáo kỳ cựu, xin cho bằng được hai quyển sách giáo khoa đó về! Tất nhiên là các vị giáo chức ấy sẵn lòng thỏa mãn cái yêu cầu không giống ai của anh quan chức lập dị kia. Những quyển Quốc văn Giáo khoa thư đó đã gắn bó với mình nhiều năm, cho đến một ngày tháng 6, tháng 7.1975, chúng bịn rịn rời tủ sách thân yêu,về với bà bán ve chai, trong thân phân của một thứ “văn hóa phẩm đồi trụy”.

Từ thập niên 1980, sau khi trở về nhà, mình nhớ chúng, lùng kiếm chúng ở những quày sách cũ, nhưng bóng chim tăm cá, biết đâu mà tìm! May mà năm 2007, nhà xuất bản Trẻ đã làm một việc nhiều ý nghĩa là in lại các quyển Quốc văn Giáo khoa thư ấy, mang đến cho một thế hệ tuổi đã xế chiều chút niềm an ủi. Sách in trên giấy trắng, láng, hình ảnh không đậm nét như giấy xưa, đen và xốp, hút mực in nhiều, làm mất đi phần nào nét nguyên thủy của hồi ức cũ. Thôi thì có còn hơn không.

Chắc các bạn trẻ ngày nay thắc mắc là bộ sách Quốc văn Giáo khoa thư ngày xưa đã dạy thế hệ chúng tôi những gì? Xin thưa là chúng dạy chúng tôi nhiều lắm, nhiều bài học vẫn theo chúng tôi cho đến những ngày cuối đời.

Một trong những đề mục chúng tôi được dạy nhiều nhất là cách hành xử ở đời, theo cái cách mà các nhà giáo dục thời nay vẫn ra rả gọi là “mình vì mọi người”. Chuyện kể về một buổi trời nhá nhem tối, ông lão vô danh hì hục năm lần bảy lượt mới khuân được tảng đá từ giữa đường vào ven đường. Hỏi vì sao làm thế, lão trả lời rằng mình vừa vấp tảng đá này, cố khuân vào chỗ khuất để nhiều người khác không vấp như lão!

Từ Quốc văn Giáo khoa thư, chúng tôi học được tấm lòng khoan nhu của người trên đối với kẻ dưới. Ông Lưu Khoan mặc phẩm phục đại thần chuẩn bị vào triều, cô thị tì bưng bát cháo lên, lỡ tay đổ cháo vào áo, run lẩy bẩy, đợi chờ một cơn thịnh nộ, song vị quan họ Lưu vẫn không đổi sắc mặt, nhỏ nhẹ nói rằng “mày có bỏng tay không?”

Quốc văn Giáo khoa thư, đó là câu chuyện hiếu đễ của ông Tử Lộ, nhà nghèo, hàng bữa phải đi đội gạo thuê để lấy tiền nuôi cha mẹ già, là câu chuyện ông Lý Tích, làm quan to, bà chị bị bệnh, ông tự mình đi nấu cháo cho chị, lửa táp cháy cả bộ râu, chị hỏi rằng “nhà thiếu gì đầy tớ, sao em lại khổ thân như vậy?”, ông đáp rằng “ Nay chị đã già, mà em cũng đã già rồi, dẫu em muốn nấu cháo cho chị ăn mãi, phỏng đã dễ mà được hay sao?”. Tình nghĩa chị em thật cảm động!

Quốc văn Giáo khoa thư, đó là câu chuyện ba anh em họ Điền, cha mẹ chết cả, tài sản để lại họ giành nhau từng món một, đến cái cây cổ thụ trước nhà cũng muốn chẻ ba mà chia nốt. Buổi sáng chuẩn bị đốn cây thì cây đã chết tự bao giờ, người anh lớn ôm cây mà khóc, tình anh em rẽ chia nhau, đến thảo mộc cũng buồn mà chết. Hai em thấy thế cũng hồi tâm, từ đó ba anh em sống hòa thuận, thương yêu nhau như cũ.

Quốc văn Giáo khoa thư, đó là câu chuyện ta “không nên báo thù”. Kẻ ấy làm thợ, trong lúc xích mích bị ông chủ nhà giàu lấy hòn đá ném vào người, thế cô, nhà nghèo, anh ta cất kỹ hòn đá, đợi ngày báo thù. Nhiều năm sau, gia đình ông hào phú sa sút, phải đi ăn mày, đi ngang nhà người thợ, anh ta sực nhớ chuyện cũ, chạy vào nhà lấy hòn đá, định ném trả thù xưa, nhưng sau mấy giây suy nghĩ, anh ta tự nhủ rằng “Người ấy lúc còn giàu sang mà ta báo thù thì dại, bây giờ người ấy khổ sở mà ta báo thù thì hèn …” Rồi anh ta quẳng hòn đá xuống ao …

Mỗi câu chuyện trong Quốc văn Giáo khoa thư là một bài học lớn ăn sâu vào đầu óc của những cô cậu học trò nhỏ, góp phần làm nên nhân cách khi họ bước vào đời. Nền giáo dục đó, từ thập niên 1920 đến thập niên 1960, luôn giữ vững tính ổn định, có nhà người cha học rồi để dành sách cho con, anh để dành sách cho em. Những trang giấy ố vàng lấm tấm màu mực tím là hình ảnh sự kế thừa tốt đẹp trong học và dạy lúc bấy giờ.
Tại miền Nam, từ thập niên 1950 trở về sau, ở bậc trung học, khái niệm soạn thảo và kinh doanh sách giáo khoa hoàn toàn không có chỗ đứng trong giáo dục học đường. Khi các cô cậu học sinh bước lên bậc trung học, cơ quan quản lý giáo dục, tiêu biểu là Bộ Quốc gia Giáo dục và đơn vị trực thuộc là Nha Trung Tiểu học và Bình dân giáo dục, chỉ tập trung soạn thảo một chương trình học chi tiết cho từng lớp một, chương trình thi dựa hoàn toàn vào đó, các trường cũng dựa vào đó mà dạy sao cho học sinh trường mình học có kết quả cao nhất. Những cụm từ phổ biến ngày nay như “giáo trình” “giáo án”hoàn toàn xa lạ với lớp thầy cô thời đó. Họ hoàn toàn tự do trong việc giảng dạy và không bị chi phối bởi một thứ cơ chế giáo điều, cứng nhắc nào. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh thầy Nguyễn Văn Sáu, dạy Toán cho lớp Đệ Tứ (lớp 9) của tôi. Ông đi dạy với hai bàn tay trắng, cặp cũng không, sách cũng không, vào lớp chụp ngay viên phấn và lên bục giảng thao thao bất tuyệt.
Thời đó, khái niệm sách giáo khoa (cho bậc trung học) theo nghĩa sách do Bộ Giáo dục soạn thảo và phổ biến, cũng hoàn toàn xa lạ với lớp học sinh trung học. Sách Toán, sách Quốc văn, Ngoại ngữ ….do các giáo sư công hay tư soạn thảo với tư cách cá nhânvà lưu hành trên thị trường như những sách đọc thêm, không ai bắt học sinh phải mua đọc, em nào thấy sách viết hay, có lợi cho mình thì mua về luyện thêm. Sách Toán có Đinh Quy-Bùi Tấn, Bùi Hữu Đột, sách văn có Việt Nam thi văn giảng luận của Hà Như Chi, Việt Nam văn học sử yếu,Việt Nam Thi văn hợp tuyển của Dương Quảng Hàm, sách Lịch sử-Địa lý có ông bà Tăng Xuân An, Nguyễn Văn Mùi …., bộ Giáo dục không hề can thiệp vào quá trình soạn thảo hay lưu hành loại sách này, thầy cô giáo chỉ phải dành toàn thời gian cho việc giảng dạy.
Tại sao trong một chế độ thực dân mà chúng ta hằng lên án, người ta còn làm được những điều như thế, mà bây giờ, độc lập, tự chủ rồi, chúng ta cứ làm khó, làm khổ nhau thế? Trong kế hoạch dự định sử dụng 1.000 tiến sĩ để soạn sách giáo khoa, lương bổng, thù lao trả cho họ chắc không nhỏ, xuất phát từ những đồng tiền thuế của dân. Họ chưa động thủ, ta chưa thể biết họ sẽ làm những gì. Chỉ biết rằng khoản lương bổng, thù lao trả cho họ sẽ là những chi phí khổng lồ, lấy từ những đóng góp của người dân, và sẽ trở thành một phần rất lớn trong giá thành của sách giáo khoa bán lại cho các phụ huynh học sinh.

1.000 vị tiến sĩ này sẽ soạn thảo những gì trong tương lai, đó là câu hỏi lớn. Chỉ mong sao nhân vật của họ không còn ném lựu đạn giết chết Mỹ- Ngụy hay dùng thân mình lấp lỗ châu mai nữa, mà cố rèn luyện nhân cách để mai đây xã hội được cung cấp những con người có tri thức, có nhân cách, biết yêu thương, giúp đỡ mọi người. Soạn sách giáo khoa mà tiếp tục xem nhẹ các khái niệm nhân bản và khai phóng, tiếp tục khoét sâu mâu thuẫn địch - ta giữa các bộ phận của một dân tộc chung một dòng máu, chung một giống nòi, thì sẽ chỉ “xuất xưởng” những thế hệ ích kỷ, đối đãi với nhau bằng sự kỳ thị và hận thù.

Người dân chúng tôi đang phấp phỏng đợi chờ quý vị!
Lê Nguyễn
30.9.2022

Thursday, September 29, 2022

Why So Serious

 https://www.facebook.com/nguoibl/posts/pfbid02YEVQj5oewRJQDCmKKYiUb5U2LwsA71WaG7QG45qvqJrWM3inEKTsLwNSZterUp5xl?__cft__[0]=AZXIbu3UTyHXrNHOfLqFH8Dql32hAKN4qFAu6hPkf_PORLSjzpzqPMv7y61BxAzstSL-s846UwGlcPfJOYHSl7dkzZgenDgp-pOgWLNGDcjgizsMsM_Z4yZwbj7alUZIuYHjSshnpSeqRVzlLRpwh-_fJptEpxLlfH38C0c9-dqzUu_AJ1FxI-iEAT8d94llmxA&__tn__=%2CO%2CP-R

Chồng tôi bóp kem đánh răng ra khỏi tuýp như một đứa trẻ. Đó hẳn là một thói quen mà anh ấy không bao giờ bỏ được.
Còn tôi để cốc cà phê và cốc nước của mình khắp nhà như một cậu thiếu niên.
Đôi khi anh ấy nhổ kem đánh răng của mình lên gương trong phòng tắm.
Tôi cũng để tủ mở.
Anh ấy thực sự rất tệ trong việc gấp quần áo.
Tôi để lại sách và vở của tôi nằm ngổn ngang.
Nhưng sau mười ba năm chung sống, chúng tôi hiểu rằng những điều này không đáng để đối phương cằn nhằn. Chúng ta không cần phải đề cập đến điều đó hoặc gây ồn ào. Vì vậy, tôi rửa sạch kem đánh răng của anh ấy và anh ấy nhặt tất cả ly cốc của tôi và đem rửa.
Và chúng tôi cảm ơn nhau vì đã làm những điều đó vì nhau.
Giống như chồng tôi khóa cửa và tắt hết đèn mỗi tối trước khi đi ngủ.
Và anh ấy cảm ơn tôi (trước mặt bọn trẻ) vì đã nấu bữa tối hoặc đăng ký cho chúng tham gia các hoạt động, học tập trên lớp.
Trở thành một đồng đội tốt không có nghĩa là hoàn hảo. Nó có nghĩa là chấp nhận những sai sót của nhau bởi lẽ - con người là con người.
Con người cố gắng hết sức để yêu thương nhau.
Con người mắc sai lầm - hàng ngày.
Con người đôi lúc lộn xộn bừa bãi và sau đó dọn dẹp.
Điều tôi học được trong hôn nhân là một cuộc hôn nhân không hoàn hảo cũng có thể là một cuộc hôn nhân khá phi thường.
Cre: Why So Serious

Wednesday, September 28, 2022

Socrates và nghệ thuật đối thoại

 https://vusta.vn/socrates-va-nghe-thuat-doi-thoai-p88601.html

Ba trong một: trí thức, nhà nhân quyền, triết gia

Socrates (khoảng 470 – 399 trước Công nguyên) con nhà nghèo: cha làm đồ gốm, mẹ là bà mụ. Nghề của mẹ (và chắc cũng của cha nữa) thường được ví với phong cách sống của ông: làm người “đỡ đẻ” và hun đúc cho việc đi tìm chân lý. Học vấn uyên bác và đã từng là một chiến binh dũng cảm, nhưng rút cục ông thấy công việc “hộ sinh tinh thần” mới thực là sứ mệnh đáng cho ông dâng hiến trọn đời. Socrates không triết lý trong tháp ngà. Ông lang thang giữa chợ Athens (Hy Lạp) để bàn thảo, tranh luận với thanh niên, với những người “học thật” và “học… giả”.

Tới 50 tuổi mới cưới vợ: bà Xanthippe, nổi danh (và đồng nghĩa) với hình ảnh một bà vợ hung dữ, khó tính. Không phải không có lỗi của ông: chẳng mang được đồng xu nào về nhà! Khác với những biện sĩ đương thời bán trí khôn kiếm tiền, ông dứt khoát dạy miễn phí. Không rõ bà hay cãi cọ có phải vì ông cương quyết không chịu… thương mại hoá giáo dục hay không, nhưng “chân lý” sáng giá được ông khám phá là: “Nên lấy vợ! Gặp vợ hiền, bạn được hạnh phúc; gặp vợ dữ, bạn thành… triết gia; đàng nào cũng có lợi!”

Thử thách thực sự đến với Socrates vào năm 399 trước Công nguyên. Ông bị tố cáo tội “dụ dỗ thanh niên” và “báng bổ thánh thần”, bị kết án tử hình bằng cách uống thuốc độc. Người như ông mà không bị chụp mũ, tố cáo, lên án mới là chuyện lạ, nhưng thật ra, thời đó, án tử hình cũng hiếm và ông có thể dễ dàng thoát chết bằng hai cách: xin chừa hoặc bỏ trốn. Không thể được! Xin chừa là phản bội sứ mệnh bảo vệ chân lý. Bỏ trốn là phản bội trách nhiệm công dân. Vậy, chỉ có con đường chết: ung dung uống thuốc độc trước mặt bạn hữu và môn đệ, sau khi cùng họ… đàm luận triết học!

Platon, cao đồ của Socrates, đã tường thuật quang cảnh bi tráng này một cách thật cảm động và nhất là đã ghi lại lời tự biện hộ bất hủ của Socrates trước toà mà hậu thế xem “là bản tuyên ngôn đầu tiên của tri thức” ( Socrates tự biện , Nguyễn Văn Khoa dịch, NXB Tri Thức, 2006). Hãy nghe tóm tắt vài lời giới thiệu của dịch giả:

Tại sao lại bắt đầu với Socrates, người chưa từng tự tay viết một chữ nào để lại hậu thế? Vì tuy không viết chữ nào, nhưng như đức Phật, đức Khổng ở phương Đông, Socrates là triết gia gây ảnh hưởng sâu đậm nhất lên lịch sử tư tưởng Tây phương.

– Socrate là triết gia đầu tiên, vì “sống” đồng nghĩa với “triết lý”: “Thưa quý đồng hương,… khi nào còn chút hơi sức, tôi sẽ không ngừng sống đời triết gia, khuyên nhủ và khuyến cáo quý vị rằng phải tự xét mình và xét người, bởi vì sống mà không suy xét không đáng gọi là sống”.

– Socrates là nhà nhân quyền đầu tiên, vì ông xác lập tự do tư duy, tự do phát biểu, tự do sống cuộc đời mình chọn lựa, như một thứ quyền con người, cao hơn bất kỳ bộ luật của một cộng đồng người đặc thù nào: “Trước sự thể này, tôi chỉ cần thưa với quý vị: có trả tự do cho tôi hay không, không thành vấn đề; Socrates này sẽ chẳng bao giờ làm chuyện gì khác, dù phải bỏ mạng ngàn lần”.

– Socrates là người trí thức đầu tiên theo nghĩa hiện đại, vì dám tin vào một thứ chức năng thiên phú: phê phán không nhân nhượng xã hội ông đang sống: “Thật là sai lầm nếu quý vị nghĩ rằng chỉ cần giết người là trốn thoát lời chê trách sống không suy xét. Cách loại bỏ sự kiểm tra ấy vừa bất chính vừa bất khả thi, còn cách vừa chính đáng vừa dễ dàng là: thay vì tìm cách bịt miệng kẻ khác, hãy tự tu thân sửa tính” (sđd, tr. 35-36).

Người đỡ đẻ tinh thần

Ta thường biết đến câu nói nổi tiếng của Socrates: “Tôi biết rằng tôi không biết gì cả” và câu châm ngôn ông theo đuổi suốt đời – “Hãy biết chính mình!” Nhưng, cống hiến lớn nhất của ông là đã mang triết học từ trời xuống đất. Thay vì bàn chuyện vũ trụ cao xa như các bậc tiền bối, ông quan tâm đến những vấn đề của cuộc sống con người. Vì ông tin rằng mọi người ai ai cũng biết lẽ phải, sẵn sàng làm theo lẽ phải nếu được thức tỉnh.

Do đó, nhiệm vụ của ông không phải là rao giảng, thuyết phục, trái lại, bằng phương pháp và kỹ thuật đặt câu hỏi, giúp mọi người tự tìm thấy lẽ phải, chân lý vốn còn bị che phủ bởi sự mê muội. Dựa theo phương pháp hộ sinh của bà mẹ, Socrates tiến hành nghệ thuật đối thoại bằng bốn bước:

– Giả vờ không biết để nhờ người đối thoại giảng cho. Rồi bằng những câu hỏi trúng đích (có khi châm biếm, mỉa mai) chứng minh rằng người đối thoại thật ra chẳng biết gì!

Khôn ngoan là kẻ biết điều mình không biết!Không biết không đáng trách, đáng trách là không chịu học

Ông quan tâm đến những vấn đề của cuộc sống con người. Vì ông tin rằng mọi người ai ai cũng biết lẽ phải, sẵn sàng làm theo lẽ phải nếu được thức tỉnh.

– Tiếp theo là dùng phương pháp quy nạp để xây dựng từng bước cái biết vững chắc. Đó là phân tích chính xác những ví dụ cụ thể trong đời thường, từ đó rút ra những kết luận và định nghĩa tạm thời.

– Bằng phương pháp định nghĩa, làm cho những khẳng định

tạm thời ấy ngày càng tinh vi và chính xác hơn.

– Sau cùng, có được những định nghĩa rõ ràng, phổ quát về vấn đề đang bàn.

Phương pháp đối thoại ấy trở thành cơ sở cho sự phát triển triết học và khoa học của bao thế hệ về sau.

Ta học được gì từ Socrates? Bên cạnh tấm gương chính trực và dũng cảm mà mỗi khi nản lòng, ta hãy nhớ đến để còn vững tin vào giá trị của con người, còn có thể rút ra mấy kinh nghiệm hay:

– Biết nghe và biết hỏi là yếu tố cơ bản để thành công. Nhưng, hỏi không phải để truy bức, để bắt bí mà để người được hỏi có dịp suy nghĩ và tự trả lời: câu trả lời và giải pháp là do chính họ tìm ra.

– Kiểm tra có phê phán sự hiểu biết của chính mình.

– Nền móng của đối thoại là sự trung thực và minh bạch, là sự tin cậy lẫn nhau: “Quan toà phải có bốn đức tính: lắng nghe một cách lễ độ, trả lời một cách rõ ràng, cân nhắc một cách hợp lý, và quyết định một cách vô tư”.

– Tránh mọi sự cực đoan: “Sự cực đoan bao giờ cũng tạo ra sự cực đoan ngược lại. Thời tiết cũng thế, thân thể ta cũng thế, nhà nước, quốc gia đều thế cả”.

– Không cần sống khổ hạnh (“ăn và uống mới làm cho xác và hồn gặp nhau!”), nhưng nên bớt dục vọng và đừng thở than quá mức: “Dồn hết mọi nỗi bất hạnh trên đời này lại rồi chia đều cho mỗi người, chắc ai cũng xin rút phần của mình lại và vui vẻ bỏ đi”.

Socrates từ biệt chúng ta nhẹ nhàng: “Thôi, bây giờ đến lúc chia tay. Tôi chết đây, còn các bạn cứ sống. Nhưng ai sướng, ai khổ, chưa biết đâu đấy!” Socrates yêu quê hương, sẵn sàng chết chứ không nỡ bỏ đi, nhưng luôn giữ cái nhìn “toàn cầu”: “Tôi không phải là người Athens hay người Hy Lạp, tôi là công dân thế giới!”.

Wednesday, September 21, 2022

TỪ “PHONG”

 https://www.facebook.com/huynhchuonghung/posts/pfbid033HvfCWEU52rLyRsDxLSxtha5AvhkZU1ygNTbzJ3pGke6Je33HQ4gcftU6mFyRik2l

TỪ “PHONG”
封 phong (bộ thốn 寸): ban cho, cương giới, giới hạn, đậy lại
Phong tặng / phong cương (cương giới, bờ cõi) / phong toả / phong trữ (cất kín đi) / niêm phong
Khi sao phong gấm rủ là
(Truyện Kiều 1235)
Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày
(Truyện Kiều, 2750)
Hoa thơm phong nhị, trăng vòng tròn gương
(Truyện Kiều, 3094)
楓 phong (bộ mộc 木): cây phong, loài cây đến mùa thu thì lá chuyển sang màu đỏ
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
(Truyện Kiều, 1520)
烽 phong (bộ hoả 火): đốt lửa để báo tin có giặc ở biên giới
Phong yên (khói của lửa đốt trên đài báo)
Phong hoả ảnh chiếu Cam Tuyền vân
(Chinh Phụ Ngâm, 5)
風 phong (bộ phong 風): gió, phong tục, thói quen, sự giáo hoá dạy dỗ / cảnh tượng
Phong vân / phong tục / phong hoá (phong tục và giáo hoá) / phong nhã (trong “Kinh Thi” có phần “phong” và phần “nhã”, họp lại gọi là “phong nhã” về sau chỉ việc văn chương là phong nhã. Cũng có nghĩa lịch sự tao nhã) / phong độ (thái độ uy nghi. Cũng có nghĩa là những biểu hiện bên ngoài tạo nên tính cách riêng (thường là tốt) của con người) / phong nguyệt (gió trăng, tỉ dụ tình yêu) / phong ba (gió và sóng, tỉ dụ những biến cố dữ dội)
Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa
(Truyện Kiều, 152)
Góp lời phong nguyệt nặng nguyền non sông
(Truyện Kiều, 396)
Đá vàng cũng quyết phong ba cũng liều
(Truyện Kiều, 1366)
葑 phong (bộ thảo 艹): một loại rau
Thói nhà băng tuyết chất hằng phỉ phong
(Truyện Kiều, 332)
(Rau phỉ rau phong là loại rau củ mà nhà nghèo ăn cả lá, dùng để ví tính cần kiệm của người nghèo hoặc tính quê mùa mộc mạc.)
豐 phong (bộ đậu 豆): đầy, thịnh, được mùa, tươi tốt
Phong phú / phong đăng (được mùa), phong niên (năm được mùa)
蜂 phong (bộ trùng 虫) con ong
Phong tụ (tụ lại nhiều như ong) / phong vương (ong chúa) / phong khởi (nổi lên từng bầy như ong) / phong yêu (lưng nhỏ như lưng ong) phong xuất (ong ra khỏi tổ, ví đám đông hỗn loạn)
鋒 phong (bộ kim 金): mũi nhọn của vũ khí, đội quân đi đầu, khí thế mạnh mẽ
Tiên phong / tiền phong / phong nhuệ (nhọn và sắc) = phong lợi
峰 phong (bộ sơn 山): đỉnh núi
瘋 phong (bộ nạch 疒): một loại bệnh
Tranh 8
Không có mô tả ảnh.

Monday, September 19, 2022

BẤT PHỤ NHƯ LAI, BẤT PHỤ KHANH

https://www.facebook.com/kham.luu1/posts/pfbid0d5heptC5AkMMvrgM2nNHQR5Qx39K8NxmQ7Ruc8S88xuBdp9tRZxS8eC7Hg3Noyhxl 

BẤT PHỤ NHƯ LAI, BẤT PHỤ KHANH

Thương Ương Gia Thố
Tự khủng đa tình tổn phạm hành, 
Nhập sơn hựu phạ ngộ khuynh thành。 
Thế gian an đắc song toàn pháp, 
Bất phụ như lai bất phụ khanh。
不负如来不负卿 – 倉央嘉措
自 恐 多 情 損 梵 行, 
入 山 又 怕 誤 傾 城。 
世 間 安 得 雙 全 法, 
不 負 如 來 不 負 卿。
~ Dịch thơ:
Không phụ Như Lai, chẳng phụ Người – Thương Ương Gia Thố
Thẹn tình mình nhơ chốn nghiêm trang
Vào núi tu hành, bóng Người mang
Đời này cách nào trọn vẹn cả
Không phụ Như Lai, chẳng phụ nàng?

Thursday, September 15, 2022

Mượn ô

 Khổng Tử có một hôm phải ra ngoài trong khi trời thì sắp mưa. Thế nhưng ông lại chẳng có lấy một cái ô. Có đệ tử gợi ý nói: “Tử Hạ có, hay là thầy mượn Tử Hạ một lúc”.

Khổng Tử nghe xong liền nói: “Không được, Tử Hạ là người khá kẹt xỉ, ta có mượn thì cậu ta cũng không cho mượn, người khác thấy sẽ cho rằng cậu ta không tôn trọng thầy, mà cho ta mượn, cậu ta nhất định sẽ sót của”.
Lời bình: Trong mối quan hệ xã giao với người khác, cần phải biết được sở trường, sở đoản, ưu điểm, nhược điểm của họ để ứng xử sao cho đẹp cả đôi đường.
Đừng nên lấy sở đoản của người khác ra để gò ép họ và chính bản thân mình, nếu không tình bạn sẽ không được bền lâu.

Thân trăm năm nỡ bỏ liều thế ư

 https://www.chuonghung.com/2022/09/dich-thuat-than-tram-nam-no-bo-lieu-u.html

 

THÂN TRĂM NĂM NỠ BỎ LIỀU THẾ Ư (438)

          Trong Lễ kí – Khúc lễ thượng 禮記 - 曲禮上 có ghi:

          Nhân sinh thập niên viết ấu, học; nhị thập viết nhược, quán; tam thập viết tráng, hữu thất; tứ thập viết cường, nhi sĩ; ngũ thập viết ngãi, phục quan chính; lục thập viết kì, chỉ sử; thất thập viết lão, nhi truyền; bát thập cửu thập viết mạo, thất niên nhi điệu; điệu dữ mạo tuy hữu tội, bất gia hình yên. Bách niên vi kì, di.

          人生十歲曰幼, ; 二十曰弱, ; 三十曰壯, 有室; 四十曰強, 而仕; 五十曰艾, 服官政; 六十曰耆,指使; 七十曰老, 而傳; 八十九十曰耄;七年曰悼 悼與耄雖有罪, 不加刑焉. 百年為期, .

          (Nam nhân lúc 10 tuổi là “ấu”, chuyên tâm học tập. 20 tuổi là “nhược”, cử hành lễ “gia quan”, biểu thị thành nhân. 30 tuổi là “tráng”, kết hôn có gia thất. 40 tuổi là “cường”, ra làm quan. 50 tuổi là “ngải”, chủ quản sự vụ hành chính. 60 tuổi là “kì”, chỉ huy sai bảo người khác. 70 tuổi là “lão”, giao công việc cho người khác, giao việc nhà cho con cháu. 80 tuổi, 90 tuổi là “mạo”; lúc 7 tuổi là “điệu”.  Điệu và mạo cho dù có tội cũng không gia hình phạt. 100 tuổi là “kì”, được người khác chăm sóc nuôi dưỡng kĩ lưỡng)

          (Lễ kí dịch giải 禮記譯解: Vương Văn Cẩm 王文錦 dịch giải. Trung Hoa thư cục, 2007)

          Trần Hạo 陈浩đời Nguyên giải thích “Bách niên vi kì” là:

          Nhân thọ dĩ bách niên vi kì, cố viết kì.

          人寿以百年为期, 故曰期

          (Con người sống thọ lấy 100 tuổi làm hạn độ, cho nên gọi là “kì”)

http://ewenyan.com/articles/mj/mqsj/6.html

          “Thân trăm năm” ở câu 438 này ý nói đời người.

Rằng: Xin gửi một hai điều

Thân trăm năm nỡ bỏ liều thế ư

(Bích Câu kì ngộ: 437 - 438)

                                                                    Huỳnh Chương Hưng

                                                                     Quy Nhơn 15/9/2022

Wednesday, September 14, 2022

LẠI ĐIỂM 2

 "Bức tranh này được vẽ không phải dành cho trẻ em. Nó được vẽ để cho người lớn. Để cho họ nhìn thấy là không nên chào đón một đứa trẻ như cách của họ, mà hãy như chú chó đang chào đón cậu bé. Chú chó không quan tâm cậu bé về nhà với cái gì: về với điểm 2 (điểm thấp) hay về với điểm 5 (điểm cao) thì cậu vẫn là người bạn của nó. Đừng chào đón trẻ em theo điểm số. Điểm số cũng chỉ là điểm số. Biết đâu ngày mai đứa bé điểm 2 có thể làm thay đổi cả thế giới? Đứa bé điểm 3 có trở thành một nghị sĩ, hoặc một vị bộ trưởng, hoặc một bác sĩ giỏi? Không phải những con số mà chính là cách đối xử của chúng ta đối với đứa trẻ quyết định tương lai đó."


- Shalva Amonashvili, nhà sư phạm Liên Xô, người Gruzia.

♥️ Một chú chó sẽ CHẤP NHẬN bạn vì chính con người bạn, chứ không phải vì địa vị hay tài sản của bạn.



CÚNG DƯỜNG

https://www.facebook.com/phankhiem.nguyen/posts/pfbid0jyWz6g5UjUXGnFxcrYhfwgSj4mdkDYuBnSt3nUPjGnSWjsNUyLoqGwLh5wgm49Sml 

Trong một bài thuyết pháp về hạnh bố thí, Đức Phật nói:

"Sự cúng dường cho Phật và chư Tăng là công đức rất lớn, nhưng có công đức hơn nữa là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.
công đức hơn 3 quy y là tự mình giữ 5 giới.
Có công đức hơn giữ 5 giới là quán về lòng từ bi trong từng giây phút.
Nhưng có công đức hơn cả là phát triển tầm nhìn trí tuệ thấy được sự vật như thật và hiểu được tánh vô thường của sự vật"
(Tăng Chi IV, 264 - 265).
Qua đoạn kinh trên, có thể thấy điều Đức Phật coi trọng hơn cả đối với người xuất gia hay tại gia là phát triển trí tuệ, để nhìn thấy sự vật như thật, đúng bản chất của chúng là vô thường, vô ngã.
Tuy bố thí, cúng dường cũng là điều quan trọng, đối với người tại gia, nhưng tự mình tu tập, thực hành nếp sống đạo đức theo 5 giới, nuôi dưỡng lòng từ bi lại càng quan trọng hơn, nhưng quan trọng hơn cả là phát triển trí tuệ, để nhìn được sự vật như thật, nhờ đó mà không còn bị tham đắm, nội tâm được giải thoát, tự tại, trí tuệ được trong sáng.
(Theo Lịch sử Đức Phật Thích Ca của Hòa thượng Thích Minh Châu)
Lời bàn
Định chuyển đề tài kẻo bạn đọc ngán, do nói đến chùa, đến Phật nhiều rồi, nhưng vừa sáng ra lại có trao đổi về đề tài này, xem ra đây là mối quan tâm của nhiều người, vì vậy xin chép lại đoạn trên tôi vừa đọc hôm qua.
Hòa thượng Thích Minh Châu (1918-2012) sinh ra trong gia đình khoa bảng, cha, ông nội, cụ nội đều đỗ TS, bản thân cụ cũng đỗ TS Phật học tại Ấn Độ sau nhiều năm tu học tại Xri Lanca và Ấn Độ. Tôn cụ là Thánh tăng cũng thỏa đáng, vì vậy đọc sách của cụ rất thích.
(Hộ pháp chùa Bối Khê, Thanh Oai, HN)

Tuesday, September 13, 2022

Mỹ nhân tự cổ như danh tướng

Mỹ nhân tự cổ như danh tướng

Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.

(Người đẹp từ xưa như tướng giỏi
Không hứa với nhân gian thấy bạc đầu.)

Monday, September 12, 2022

Tám loài thành viên của họ Người

 https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%8D_Ng%C6%B0%E1%BB%9Di

https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%ADc_ph%C3%A2n_lo%E1%BA%A1i





Thursday, September 8, 2022

TÀI HOA QUỐC, SẮC KHUYNH THÀNH

 https://www.chuonghung.com/2022/09/dich-thuat-tai-hoa-quoc-sac-khuynh.html

TÀI HOA QUỐC, SẮC KHUYNH THÀNH (423)

         Hoa quốc 華國华国Làm cho đất nước tươi đẹp. “Tài hoa quốc” tức tài văn chương làm rạng danh đất nước, chỉ Tú Uyên.

          Khuynh thành 傾城 / 倾城: tức “khuynh thành khuynh quốc” 倾城倾国, hình dung phụ nữ cực kì xinh đẹp, chỉ Giáng Kiều.

          Bài Chiêm ngưỡng瞻卬  ở phần Đại nhã 大雅  trong Kinh Thi, châm biếm U Vương 幽王 vì say mê Bao Tự 褒姒 và tin dùng hoạn quan

mà khiến đất nước suy sụp. Bài thơ có câu:

Triết phu thành thành

Triết phụ khuynh thành

哲夫成城

哲婦傾城

(Đàn ông thông minh mưu trí thì dựng nên thành trì

Đàn bà thông minh mưu trí thì làm nghiêng đổ thành trì)

http://www.zwbk.org/MyLemmaShow.aspx?zh=zh-tw&lid=78800

          Thời Tây Hán, nhạc quan cung đình Lí Diên Niên 李延年 có bài thơ:

Bắc phương hữu giai nhân

Tuyệt thế nhi độc lập

Nhất cố khuynh nhân thành

Tái cố khuynh nhân quốc

Ninh bất tri khuynh thành dữ khuynh quốc

Giai nhân nan tái đắc

北方有佳人

绝世而独立

一顾倾人城

再顾倾人国

宁不知倾城与倾国

佳人难再得

(Phương bắc có một giai nhân

Dung mạo xinh đẹp tựa hồ trên đời không có người thứ hai

Lần đầu đưa mắt nhìn người giữ thành thì thành thất thủ

Đưa mắt nhìn quân vương lần nữa thì đất nước ngả nghiêng

Tuy biết là nghiêng thành nghiêng nước

Nhưng với giai nhân khó mà có cơ hội gặp lại được)

          Theo Hán thư – Ngoại thích truyện 汉书 - 外戚传, có một lần trong buổi yến tiệc ở cung đình, Lí Diên Niên李延年 khi dâng điệu múa đã hát bài thơ này. Hán Vũ Đế汉武帝nghe qua không ngăn được cảm thán: Trên đời làm gì có người nào đẹp như thế? Chị của Hán Vũ Đế là Bình Dương công chúa 平阳公主 tiến cử em gái của Lí Diên Niên. Hán Vũ Đế cho triệu kiến, quả nhiên nàng cực kì xinh đẹp. Từ đó, em gái của Lí Diên Niên trở thành Lí phu nhân李夫人sủng ái của Hán Vũ Đế.

Phân loại chủng ngọc

 https://www.facebook.com/reel/292106507291259