Friday, September 30, 2022

MỘT THỜI QUỐC VĂN GIÁO KHOA THƯ

 https://www.facebook.com/binhloi.daykem.3/posts/pfbid0387HnCWt55WK1hutJoY5A8r3B1iWt9ijZZMiiE5E2xGnAu5vJEPnfeHV1PU1p5H1sl

Thời đó qua đi hơn 70 năm rồi, mà “kỷ niệm đầu đời” vẫn còn tươi mới trong ký ức của một gã đàn ông gần đất xa trời. Những hình ảnh, câu chuyện vẫn đeo đẳng kiếp người, và khi nhìn vào nền giáo dục thời nay, ký ức vẫn mang lại niềm tiếc nhớ khôn nguôi.

Kỷ niệm của những ngày 7- 8 tuổi ấy không bao giờ phai nhạt, đặc biệt với hai quyển Quốc văn Giáo khoa thư lớp Dự bị (cours préparatoire, sau là lớp Tư, nay là lớp Hai) và Quốc văn Giáo khoa thư lớp Sơ đẳng (cours élémentaire, sau là lớp Ba, nay cũng là lớp Ba). Ấn tượng về chúng mạnh mẽ đến nổi khi lớn lên, có những lúc, mình ngồi nhớ quay quắt từng hình ảnh, từng câu chuyện trong sách.

Cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, khi về địa phương làm một viên chức chính quyền cấp quận, rồi cấp tỉnh, “nỗi nhớ Quốc văn Giáo khoa thư” đã thúc đẩy mình “hối mại quyền thế”, mượn danh nghĩa cấp chỉ huy, nhờ hai ông cựu giáo chức đi tiếp xúc với các nhà giáo kỳ cựu, xin cho bằng được hai quyển sách giáo khoa đó về! Tất nhiên là các vị giáo chức ấy sẵn lòng thỏa mãn cái yêu cầu không giống ai của anh quan chức lập dị kia. Những quyển Quốc văn Giáo khoa thư đó đã gắn bó với mình nhiều năm, cho đến một ngày tháng 6, tháng 7.1975, chúng bịn rịn rời tủ sách thân yêu,về với bà bán ve chai, trong thân phân của một thứ “văn hóa phẩm đồi trụy”.

Từ thập niên 1980, sau khi trở về nhà, mình nhớ chúng, lùng kiếm chúng ở những quày sách cũ, nhưng bóng chim tăm cá, biết đâu mà tìm! May mà năm 2007, nhà xuất bản Trẻ đã làm một việc nhiều ý nghĩa là in lại các quyển Quốc văn Giáo khoa thư ấy, mang đến cho một thế hệ tuổi đã xế chiều chút niềm an ủi. Sách in trên giấy trắng, láng, hình ảnh không đậm nét như giấy xưa, đen và xốp, hút mực in nhiều, làm mất đi phần nào nét nguyên thủy của hồi ức cũ. Thôi thì có còn hơn không.

Chắc các bạn trẻ ngày nay thắc mắc là bộ sách Quốc văn Giáo khoa thư ngày xưa đã dạy thế hệ chúng tôi những gì? Xin thưa là chúng dạy chúng tôi nhiều lắm, nhiều bài học vẫn theo chúng tôi cho đến những ngày cuối đời.

Một trong những đề mục chúng tôi được dạy nhiều nhất là cách hành xử ở đời, theo cái cách mà các nhà giáo dục thời nay vẫn ra rả gọi là “mình vì mọi người”. Chuyện kể về một buổi trời nhá nhem tối, ông lão vô danh hì hục năm lần bảy lượt mới khuân được tảng đá từ giữa đường vào ven đường. Hỏi vì sao làm thế, lão trả lời rằng mình vừa vấp tảng đá này, cố khuân vào chỗ khuất để nhiều người khác không vấp như lão!

Từ Quốc văn Giáo khoa thư, chúng tôi học được tấm lòng khoan nhu của người trên đối với kẻ dưới. Ông Lưu Khoan mặc phẩm phục đại thần chuẩn bị vào triều, cô thị tì bưng bát cháo lên, lỡ tay đổ cháo vào áo, run lẩy bẩy, đợi chờ một cơn thịnh nộ, song vị quan họ Lưu vẫn không đổi sắc mặt, nhỏ nhẹ nói rằng “mày có bỏng tay không?”

Quốc văn Giáo khoa thư, đó là câu chuyện hiếu đễ của ông Tử Lộ, nhà nghèo, hàng bữa phải đi đội gạo thuê để lấy tiền nuôi cha mẹ già, là câu chuyện ông Lý Tích, làm quan to, bà chị bị bệnh, ông tự mình đi nấu cháo cho chị, lửa táp cháy cả bộ râu, chị hỏi rằng “nhà thiếu gì đầy tớ, sao em lại khổ thân như vậy?”, ông đáp rằng “ Nay chị đã già, mà em cũng đã già rồi, dẫu em muốn nấu cháo cho chị ăn mãi, phỏng đã dễ mà được hay sao?”. Tình nghĩa chị em thật cảm động!

Quốc văn Giáo khoa thư, đó là câu chuyện ba anh em họ Điền, cha mẹ chết cả, tài sản để lại họ giành nhau từng món một, đến cái cây cổ thụ trước nhà cũng muốn chẻ ba mà chia nốt. Buổi sáng chuẩn bị đốn cây thì cây đã chết tự bao giờ, người anh lớn ôm cây mà khóc, tình anh em rẽ chia nhau, đến thảo mộc cũng buồn mà chết. Hai em thấy thế cũng hồi tâm, từ đó ba anh em sống hòa thuận, thương yêu nhau như cũ.

Quốc văn Giáo khoa thư, đó là câu chuyện ta “không nên báo thù”. Kẻ ấy làm thợ, trong lúc xích mích bị ông chủ nhà giàu lấy hòn đá ném vào người, thế cô, nhà nghèo, anh ta cất kỹ hòn đá, đợi ngày báo thù. Nhiều năm sau, gia đình ông hào phú sa sút, phải đi ăn mày, đi ngang nhà người thợ, anh ta sực nhớ chuyện cũ, chạy vào nhà lấy hòn đá, định ném trả thù xưa, nhưng sau mấy giây suy nghĩ, anh ta tự nhủ rằng “Người ấy lúc còn giàu sang mà ta báo thù thì dại, bây giờ người ấy khổ sở mà ta báo thù thì hèn …” Rồi anh ta quẳng hòn đá xuống ao …

Mỗi câu chuyện trong Quốc văn Giáo khoa thư là một bài học lớn ăn sâu vào đầu óc của những cô cậu học trò nhỏ, góp phần làm nên nhân cách khi họ bước vào đời. Nền giáo dục đó, từ thập niên 1920 đến thập niên 1960, luôn giữ vững tính ổn định, có nhà người cha học rồi để dành sách cho con, anh để dành sách cho em. Những trang giấy ố vàng lấm tấm màu mực tím là hình ảnh sự kế thừa tốt đẹp trong học và dạy lúc bấy giờ.
Tại miền Nam, từ thập niên 1950 trở về sau, ở bậc trung học, khái niệm soạn thảo và kinh doanh sách giáo khoa hoàn toàn không có chỗ đứng trong giáo dục học đường. Khi các cô cậu học sinh bước lên bậc trung học, cơ quan quản lý giáo dục, tiêu biểu là Bộ Quốc gia Giáo dục và đơn vị trực thuộc là Nha Trung Tiểu học và Bình dân giáo dục, chỉ tập trung soạn thảo một chương trình học chi tiết cho từng lớp một, chương trình thi dựa hoàn toàn vào đó, các trường cũng dựa vào đó mà dạy sao cho học sinh trường mình học có kết quả cao nhất. Những cụm từ phổ biến ngày nay như “giáo trình” “giáo án”hoàn toàn xa lạ với lớp thầy cô thời đó. Họ hoàn toàn tự do trong việc giảng dạy và không bị chi phối bởi một thứ cơ chế giáo điều, cứng nhắc nào. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh thầy Nguyễn Văn Sáu, dạy Toán cho lớp Đệ Tứ (lớp 9) của tôi. Ông đi dạy với hai bàn tay trắng, cặp cũng không, sách cũng không, vào lớp chụp ngay viên phấn và lên bục giảng thao thao bất tuyệt.
Thời đó, khái niệm sách giáo khoa (cho bậc trung học) theo nghĩa sách do Bộ Giáo dục soạn thảo và phổ biến, cũng hoàn toàn xa lạ với lớp học sinh trung học. Sách Toán, sách Quốc văn, Ngoại ngữ ….do các giáo sư công hay tư soạn thảo với tư cách cá nhânvà lưu hành trên thị trường như những sách đọc thêm, không ai bắt học sinh phải mua đọc, em nào thấy sách viết hay, có lợi cho mình thì mua về luyện thêm. Sách Toán có Đinh Quy-Bùi Tấn, Bùi Hữu Đột, sách văn có Việt Nam thi văn giảng luận của Hà Như Chi, Việt Nam văn học sử yếu,Việt Nam Thi văn hợp tuyển của Dương Quảng Hàm, sách Lịch sử-Địa lý có ông bà Tăng Xuân An, Nguyễn Văn Mùi …., bộ Giáo dục không hề can thiệp vào quá trình soạn thảo hay lưu hành loại sách này, thầy cô giáo chỉ phải dành toàn thời gian cho việc giảng dạy.
Tại sao trong một chế độ thực dân mà chúng ta hằng lên án, người ta còn làm được những điều như thế, mà bây giờ, độc lập, tự chủ rồi, chúng ta cứ làm khó, làm khổ nhau thế? Trong kế hoạch dự định sử dụng 1.000 tiến sĩ để soạn sách giáo khoa, lương bổng, thù lao trả cho họ chắc không nhỏ, xuất phát từ những đồng tiền thuế của dân. Họ chưa động thủ, ta chưa thể biết họ sẽ làm những gì. Chỉ biết rằng khoản lương bổng, thù lao trả cho họ sẽ là những chi phí khổng lồ, lấy từ những đóng góp của người dân, và sẽ trở thành một phần rất lớn trong giá thành của sách giáo khoa bán lại cho các phụ huynh học sinh.

1.000 vị tiến sĩ này sẽ soạn thảo những gì trong tương lai, đó là câu hỏi lớn. Chỉ mong sao nhân vật của họ không còn ném lựu đạn giết chết Mỹ- Ngụy hay dùng thân mình lấp lỗ châu mai nữa, mà cố rèn luyện nhân cách để mai đây xã hội được cung cấp những con người có tri thức, có nhân cách, biết yêu thương, giúp đỡ mọi người. Soạn sách giáo khoa mà tiếp tục xem nhẹ các khái niệm nhân bản và khai phóng, tiếp tục khoét sâu mâu thuẫn địch - ta giữa các bộ phận của một dân tộc chung một dòng máu, chung một giống nòi, thì sẽ chỉ “xuất xưởng” những thế hệ ích kỷ, đối đãi với nhau bằng sự kỳ thị và hận thù.

Người dân chúng tôi đang phấp phỏng đợi chờ quý vị!
Lê Nguyễn
30.9.2022

No comments:

Post a Comment

lục ngôn - tứ ác

 https://www.facebook.com/huynhchuonghung/posts/pfbid0381D3bHDo4aiQyoCcNtMY1t6725kaZdvVAF1SgLVxucHARx1uFAzz59pbfzye7kKcl?__cft__[0]=AZVwouez...