Monday, March 28, 2022

Phúc Âm hóa gia đình theo Nho giáo

 https://gxdaminh.net/phuc-am-hoa-gia-dinh-theo-nho-giao/

*  Gia đình là gì?

Gia là cái nhà. Tuy nhiên, chữ Gia trong từ kép “gia đình” không chỉ thị cái nhà cụ thể bằng vật chất (đá, gạch, gỗ hay tre lá, rơm rạ). Gia là “nhà” hiểu theo nghĩa siêu hình, là nơi an trú của con người trong đời sống trần gian. “Nhà” là tổ ấm cho một nhóm người bao gồm: ông bà, cha mẹ và con cái. Nhà chỉ là tổ ấm khi mọi người trong đó yêu thương lẫn nhau, an vui hòa chung. Vì thế, trong ngôn ngữ Việt Nam, khi vợ chồng yêu thương nhau, vợ chồng dùng tiếng “nhà tôi” để thân thưa cho người khác biết.

Đình là cái sân. Chữ Đình đi kèm chữ Gia chỉ thị cái không gian ấm cúng, an bình để cho con người được nghỉ ngơi sau khi tham gia công việc ngoài xã hội. Cái sân cũng là không gian thảnh thơi dành cho con cháu nô đùa trong sự bảo bọc của ông bà, cha mẹ.

Như vậy, nghĩa đúng của hai chữ “Gia đình” trong Nho giáo là cái không gian hiện thực tình yêu thương giữa chồng vợ, giữa ông bà, cha mẹ và con cháu, giữa anh chị em với nhau. Trong ý nghĩa đó, Nho giáo chính truyền từ thời thượng cổ đã nắm được thực tại tình yêu trong đời sống gia đình; nói theo ngôn ngữ Công giáo, gia đình theo quan niệm đúng đắn của Nho giáo – không phải Nho giáo hương nguyện – đã được Phúc Âm hóa, mặc dầu chưa được chính thức nghe lời Phúc Âm của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Tình yêu ấy đã biểu hiện như thế nào?

*  Đạo Nghĩa tình

Ngoài đạo Hiếu kính của con người đối với Thượng Đế và tổ tiên, các tiên vương, tiên hiền trong Nho giáo còn dùng Lễ để duy trì các tình cảm tốt đẹp trong các tương quan giữa mọi bậc người trong xã hội. Theo Kinh Dịch: “Gia hội túc dĩ hợp Lễgom góp mọi điều tốt đẹp đủ để hợp với Lễ.” (Quẻ Thuần Kiền: Văn Ngôn). Lễ là đường lối của Trời (Thượng Đế); đó là sự kết hợp mọi điều tốt đẹp. Sách Lễ Ký viết: “Phụ từ, tử hiếu, huynh lương, đệ đễ, phu nghĩa, phụ thính, trưởng huệ, ấu thuận, quân nhân, thần trung.” (Lễ Ký: Thiên Lễ Vận). Theo sách Lễ Ký (một trong Ngũ Kinh của Nho giáo: Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân Thu), Lễ là sự hòa ái tốt đẹp trong tương giao giữa mọi người.

– Phụ từ: cha mẹ yêu thương con cái.
 Tử hiếu: con cái làm vui lòng cha mẹ.

+ Huynh lương: anh chị cư xử tốt lành với các em.
+ Đệ đễ: các em mến yêu, tôn trọng anh chị.

 Phu nghĩa: chồng yêu quí vợ.
 Phụ thính: vợ nghe theo chồng.

+ Trưởng huệ: người trên (lớn, ông bà) ban ơn cho người dưới (con cháu).
+ Ấu thuận: người dưới (nhỏ, con cháu) vâng theo người trên (ông bà).

 Quân nhân: vua (người lãnh đạo đất nước) có lòng nhân từ với dân chúng.
 Thần trung: bề tôi (dân chúng, công chức) trung thành với người lãnh đạo đất nước.

Trong phạm vi quốc gia xã hội, đó là “Thập Nghĩa”, những điều kiện khiến cho xã hội thái bình, thịnh trị. Ở đây, “Trưởng” chỉ thị người cấp trên, lớn tuổi; “Ấu” chỉ thị người thừa hành, nhỏ tuổi. Trong phạm vi gia đình, đạo lý trên thu gom lại trong “Bát Nghĩa” (Phụ từ, tử hiếu, huynh lương, đệ đễ, phu nghĩa, phụ thính, trưởng huệ, ấu thuận). Trong phạm vi nhỏ này, “Trưởng” chỉ thị ông bà, “Ấu” chỉ thị các cháu.

Trong Bát Nghĩa (tám tương quan tốt đẹp), hai tương quan “Phụ từ” và “Tử hiếu” được chú trọng nhiều nhất. Thi hào Nguyễn Du đã nói về “Phụ từ” (cha mẹ thể hiện tình yêu thương với con cái) khi mô tả nỗi lòng của Thúy Kiều thương nhớ cha mẹ như sau:

Nhớ ơn chín chữ cao sâu,
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.
(Đoạn Trường Tân Thanh: câu 1253 – 1254).

Chín chữ cao sâu” dịch từ bốn chữ “Cửu tự cù lao” trong Kinh Thi của đạo Nho. “Chín chữ cao sâu” gồm: sinh (đẻ), cúc (nâng đỡ), phủ (vuốt ve), súc (cho bú mớm), trưởng (nuôi lớn), dục (dạy dỗ), cố (trông nom), phục (xem tính mà dạy bảo), phúc (gìn giữ). Chín chữ trên thể hiện trọn vẹn tình yêu của cha mẹ đối với con cái.

Còn nói về “Tử hiếu” (con cái có hiếu với cha mẹ) thì sách Luận Ngữ nói đến rất nhiều; nhưng quan trọng hơn cả, “hiếu” là làm cho cha mẹ vui lòng. Sách Lễ Ký có câu: “Xuyết thúc, ẩm thủy, tận kỳ hoan, tư chi vị hiếuăn gạo xấu, uống nước lã mà làm cho (cha mẹ) thật vui vẻ, ấy gọi là hiếu.” (Lễ Ký: Đàn cung hạ).

Xét cho rốt ráo ý nghĩa sâu xa, Bát Nghĩa bao hàm tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. Nếu gia đình nào thành tựu được tình yêu thương này, đó là hiện thực “Phúc Âm hóa” trong đời sống gia đình. Đó là đạo Nghĩa tình trong cộng đồng bao gồm ông bà, cha mẹ, vợ chồng và con cái.

Bát nghĩa là những tương quan hai chiều đi với nhau từng cặp một. Sở dĩ trong suốt chiều dài lịch sử trên 2000 năm ở Viễn Đông, Bát Nghĩa chưa thành tựu ý nghĩa sâu xa; hay nói khác đi, đời sống gia đình ở Viễn Đông, trong đó có Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên chưa được “Phúc Âm hóa” vì những người giảng đạo lý và mọi người dân chỉ hiểu Bát Nghĩa theo tương quan một chiều. Người ta chỉ thường nói đến “Tử hiếu” mà bỏ quên “Phụ từ”; nói đến “Đệ đễ” mà bỏ quên “Huynh lương”; nói đến “Phụ thính” mà bỏ quên “Phu nghĩa”; nói đến “Ấu thuận”mà bỏ quên “Trưởng huệ”. Có nghĩa là người ta chỉ nhấn mạnh đến con phải “hiếu” với cha mẹ; em phải “đễ” với anh chị; vợ phải “thính” (vâng nghe) theo chồng; cháu phải “thuận” với ông bà mà thôi. Người ta đã quên hoặc ít nói đến cha mẹ phải “từ” với con cái; anh chị phải “lương” với các em; chồng phải “nghĩa” (yêu quí) với vợ; ông bà phải “huệ” với con cháu. Đó là cách giải thích theo Nho gia hương nguyện (nhà Nho đạo đức giả). Đức Khổng nói: “Hương nguyện, đức chi tặc dãnhững kẻ đàn anh trong làng là kẻ làm hại đạo đức.” (Luận Ngữ: Dương Hóa: 13). Và cũng từ đó, đa số dân chúng ngày nay cho Nho giáo là đạo của giai cấp thống trị, áp bức, phong kiến! Lẽ ra, cần phải nói đến “Phụ từ, huynh lương phu nghĩa, trưởng huệ” trước, rồi mới nói đến “Tử hiếu, đệ đễ, phụ thính, ấu thuận” sau; bởi vì nếu người trên không nêu gương yêu thương, người dưới sao biết yêu thương?! Nếu chỉ có tương quan một chiều, mà lại ngược chiều từ dưới lên trên, Bát nghĩa sẽ bị hỏng mất. Bát nghĩa phải liên tục qua lại với nhau, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, mới là “Phúc Âm hóa”. Ví dụ, trong tương quan “Phụ từ, tử hiếu”, cha mẹ phải thương yêu con cái trước, thì con cái mới làm vui lòng cha mẹ được. Ở Do Thái ngày xưa, Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người đã yêu thương con người trước, rồi mới giảng về đạo yêu thương cho loài người. Tiến trình “Phúc Âm hóa” phải diễn ra như vậy; vì thế Đức Giêsu nói: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga: 15, 12).



Thursday, March 17, 2022

Đàn ông sợ vợ có 3 loại

 https://triethocdoisong.wordpress.com/2020/09/19/dan-ong-so-vo-co-3-loai/


Tiểu thuyết “Bát Động Thiên” 八洞天 đời Thanh tổng kết đàn ông sợ vợ trong thiên hạ có 3 loại :

Một là loại sợ Thế.

Hai là loại sợ Lý.

Ba là loại sợ Tình.

1 ) Loại sợ Thế, tức thế lực của chồng không bằng vợ nên người chồng sợ vợ. Loại sợ Thế cũng được chia làm 3 loại :

Loại sợ vợ do địa vị xã hội của gia đình nhà vợ cao, bản thân muốn nương nhờ thế lực của nhà vợ, do vậy nên sợ.

Loại sợ vợ do gia đình nhà vợ giàu có, bản thân nhận được sự giúp đỡ tiền bạc của nhà vợ, do vậy nên sợ.

Loại sợ vợ do tính cách của vợ quá hung hãn, tính cách người chồng nhu nhược, sợ sự đánh chửi của vợ.

2 ) Loại sợ Lý, tức người vợ luôn chiếm thế thượng phong về Lý, có câu “Lý trực Khí tráng”, chồng không thể không phục.

Loại sợ Lý cũng chia làm 3 loại :

Một là người vợ hết sức hiền thục đức hạnh, làm người chồng phát từ nội tâm sự kính bội vợ.

Hai là người vợ rất có tài hoa, người chồng khâm phục, tự than bản thân không bằng, do vậy nên sợ, như chồng của Lý Thanh Chiếu.

Ba là người vợ tần tảo vất vả vì gia đình, hy sinh rất nhiều cho chồng con gia đình, người chồng nghĩ đến cái khổ của vợ, do vậy nên sợ.

3 ) Loại sợ Tình, tức người chồng quá yêu người vợ, chỉ sợ người vợ không vui, lâu ngày chầy tháng do yêu mà sinh sợ, khúm núm dưới chân vợ.

Loại sợ Tình cũng chia làm 3 loại :

Loại yêu sắc đẹp của vợ, tình nguyện phụng sự sắc tướng của vợ, do vậy nên sợ.

Loại thương vợ trẻ. Chồng già vợ trẻ, người chồng luôn cảm giác tuổi tác của mình quá lớn, tự thẹn khuất trước thanh xuân của vợ, do vậy nên sợ.

Loại thương người vợ yếu đuối. Người vợ thân thể hoặc tính cách yếu đuối, người chồng sợ vợ bị tổn thương cho nên lúc nào nơi nào cũng nhường nhịn vợ, do vậy nên sợ.

Có loại đàn ông chỉ sợ Thế, có loại chỉ sợ Tình hoặc chỉ sợ Lý, có loại sợ 2 thứ, có loại sợ cả 3 …

Kinh Bảy Loại Vợ (Tăng Chi Bộ Kinh)

 https://triethocdoisong.wordpress.com/2020/09/22/dao-lam-vo-trong-phat-giao/

Trong tạng kinh Phật có nhiều bài Kinh với nội dung Đức Phật dạy cho hàng cư sĩ tại gia về đạo làm Vợ. Dưới đây xin được trích đăng bài Kinh “Bảy Loại Vợ” :

Kinh Bảy Loại Vợ (Tăng Chi Bộ Kinh)


Đức Thế Tôn nói như sau:

Ai có tâm hận thù, lạnh lùng và sắt đá,

Ai ham muốn thú vui xác thịt với người khác, và ai khinh khi ông chồng;

Ai đi tìm kiếm người đã mua mình, rồi giết hại –

Một bà vợ như thế, được gọi là “Kẻ Giết Người”.

Khi ông chồng trở nên giàu sang

Nhờ ông ta có bàn tay khéo léo, hoặc nhờ ông ta có nghề nghiệp hoặc nhờ ông ta làm nghề buôn bán, hoặc nhờ ông ta là một nông dân,

Người đàn bà mà cố ăn cắp một ít cho chính mình –

Một bà vợ như thế, được gọi là “Người Ăn Trộm”.

Ai tham ăn, làm biếng, và không chịu làm việc gì cả,

Ai nói ra những lời cay đắng, những câu tàn nhẫn, những lời khó chịu, và thô lỗ,

Người đàn bà mà bắt nạt người đã cấp dưỡng cho mình –

Một bà vợ như thế, được gọi là “Người Độc Tài”.

Ai luôn luôn giúp đỡ người khác và tốt bụng,

Ai che chở chồng mình, giống y hệt như một bà mẹ thương yêu, săn sóc đứa con trai,

Ai bảo vệ cẩn thận, sự giầu có của chồng –

Một bà vợ như thế, được gọi là “Bà Mẹ”.

Ai tôn trọng chồng mình

Giống như là cô em gái tôn trọng ông anh trai

Ai khiêm tốn, phục tùng theo ý muốn của chồng –

Một bà vợ như thế, được gọi là “Cô Em Gái”.

Ai hớn hở, và mừng rỡ khi nhìn thấy chồng

Giống y hệt như một người bạn, chào đón một người bạn thân,

Người đàn bà mà được nuôi nấng trong gia đình đaọ đức và trung thành –

Một bà vợ như thế, được gọi là “Người Bạn”.

Ai không giận dữ, và ai không sợ bị trừng phạt

Ai chịu thua thiệt với chồng, mà không có tâm oán ghét,

Ai khiêm tốn, phục tùng theo ý muốn của chồng –

Một bà vợ như thế, được gọi là “Người Hầu Hạ”.

Ta đã nói đến ba bà vợ sau đây: bà vợ giống như “Kẻ Giết Người”,

Bà vợ giống như “Người Ăn Trộm”, và bà vợ giống như “Người Độc Tài”,

Khi ba bà vợ nầy chết đi, họ sẽ bị đọa vào cõi địa ngục sâu thẳm, và tăm tối.

Nhưng ngược lại, bốn bà vợ sau đây: bà vợ giống như “Bà Mẹ”, bà vợ giống như “Cô Em Gái”, bà vợ giống như “Người Bạn”, và bà vợ giống như “Người Hầu Hạ”, bởi vì họ luôn luôn sống vững vàng, trong vòng đạo đức, nên bốn bà vợ nầy khi chết đi, họ sẽ được tái sinh vào cõi trời.


Trong 7 kiểu vợ mà ta vừa nói, 3 hạng đầu là vợ như Sát nhân, vợ như ăn trộm, vợ như chủ nhân đều là không tốt, con không nên giống, nỗ lực vượt qua. Những hạng vợ này do không đức hạnh, άс khẩu, vô lễ, sau khi qua đờı sinh vào cõi xấu.

4 kiểu vợ sau: vợ như người mẹ, vợ như em gái, vợ như bạn hiền, vợ như người hầu là đáng noi theo. Những hạng vợ này, lúc còn sống thì tạo ra hạnh phúc cho gia đình mình và cho con cái; khi qua đờı thì sinh vào cõi lành, do phước đã tạo.

Thái Căn Đàm – Khái luận

 https://triethocdoisong.wordpress.com/2018/02/28/thai-can-dam-doan-90/

Hậu đức dĩ tích phúc, dật tâm dĩ bổ lao, tu đạo dĩ giải ách.

Thiên bạc ngã dĩ phúc, ngô hậu ngô đức dĩ nhạ chi; thiên lao ngã dĩ hình, ngô bổ ngô tâm dĩ dật chi; thiên ách ngã dĩ ngộ, ngô hưởng ngô đạo dĩ thông chi; thiên thả nại ngã hà tai ?

Dịch :

Làm dày đức để tích phúc, dật tâm để bổ lao, tu đạo để giải ách.

Trời bạc cái phúc của ta, ta làm dày cái đức của ta để đón rước phúc đến; Trời làm lao nhọc hình hài của ta, ta làm an dật tâm ta để bù đắp cho hình hài lao nhọc ; Trời đẩy ta vào cảnh ngộ khốn khổ, ta thông đạt đạo lý để thấu qua cảnh ngộ. Trời lại còn làm gì được ta ?

Gia huấn Đế vương

 https://triethocdoisong.wordpress.com/2019/03/06/nen-mong-su-thinh-vuong-cua-trieu-duong/

Trẫm lên ngôi đã được 13 năm, bên ngoài cắt đứt khoái lạc rong chơi nhìn ngắm, bên trong khước từ cái vui thanh sắc. Bọn bây sinh nơi phú quý, lớn lên trong chốn thâm cung, phàm những kẻ là con cháu đế vương, trước phải khắc kỷ. Mỗi khi mặc áo, ắt phải thương những người phụ nữ trồng dâu nuôi tằm; mỗi khi ăn uống phải nhớ đến người cày ruộng. Cho đến trong sự nghe tâu và xét xử, chớ có vội khởi vui giận. Trẫm mỗi khi đích thân xử lý chính vụ, há e ngại phiền nhọc xem xét. Bọn bây chớ xem thường cái dở của người, chớ cậy cái hay của mình, mới có thể phú quý vĩnh cửu; để giữ lấy sự thuần chính tốt đẹp, bậc tiên hiền có dạy rằng : “Người nghịch ta là Thầy ta, kẻ thuận ta là kẻ giặc đối với ta”. Không thể không xét kỹ vậy.

15 câu tinh hoa trong “Vi Lư Dạ Thoại”

 https://triethocdoisong.wordpress.com/2020/01/22/15-cau-tinh-hoa-trong-vi-lu-da-thoai-luc-khon-cam-me-mang-hay-thuong-thuong-doc/

1 ) 士必以詩書為性命,人須從孝弟立根基。

Kẻ Sĩ ắt phải lấy thơ văn và sách vở làm tính mệnh, làm Người nên lấy Hiếu Đễ để lập gốc rễ nền tảng.

2 ) 但責己,不責人,此遠怨之道也。

Chỉ trách mình, không trách người, đây là Đạo xa rời oán ghét vậy.

3 ) 處世以忠厚人為法,傳家得勤儉意便佳。

Xử thế lấy việc trở thành con người trung hậu làm khuôn phép, truyền thừa gia nghiệp lấy việc có được tinh thần cần kiệm làm tốt đẹp.

4 ) 濫交朋友,不如終日讀書。

Bừa bãi phóng túng trong việc kết giao bạn bè, không bằng suốt ngày đọc sách.

5 ) 莫大之禍,起於須臾之不忍,不可不謹。

Tai họa không gì lớn bằng, là sinh khởi từ khoảnh khắc không Nhẫn được, không thể không cẩn thận.

6 )人品之不高,總為一利字看不破;學業之不進,總為一懶字丟不開。

Nhân phẩm không nâng cao lên được, luôn vì không nhìn thấu được một chữ “lợi”, sự nghiệp học hành không tiến lên được, luôn vì vứt không nổi một chữ “lười”.

7 )神人之言微, 聖人之言簡, 賢人之言明, 眾人之言多, 小人之言妄。

Lời nói của bậc Thần Nhân thì “Vi” (mầu nhiệm, vi diệu), lời nói của Thánh Nhân thì “Giản”, lời nói của Hiền Nhân thì “Minh”, lời nói của người tầm thường, bình phàm thì “Đa” (nhiều), lời nói của kẻ Tiểu Nhân thì “Vọng”.

8 )求備之心,可用之以修身,不可用之以接物;知足之心,可用之以處境,不可用之以讀書。

Cái tâm mong cầu toàn bị, có thể dùng để tu thân, không thể dùng để tiếp vật; cái tâm tri túc, có thể dùng nơi hoàn cảnh đang gặp, không thể dùng để đọc sách.

9 ) 忠有愚忠,孝有愚孝,可知忠孝二字,不是憐俐人做得來;仁有假仁,義有假義,可知仁義兩途,不無奸惡人藏其內。

Trung có ngu trung, Hiếu có ngu hiếu, nên biết hai chữ “Trung, Hiếu” không phải kẻ linh lợi làm được; Nhân có giả Nhân, Nghĩa có giả Nghĩa, nên biết hai phạm vi của Nhân Nghĩa không phải không có kẻ gian ác trốn nấp trong đó.

10 ) 貧無可奈惟求儉,拙亦何妨只要勤。

Bần cùng không biết làm sao chỉ cần cầu tiết kiệm, đần độn cũng chẳng ngại gì, chỉ cần siêng năng.

11 ) 教小兒宜嚴,嚴氣足以平躁氣;待小人宜敬,敬心可以化邪氣。

Dạy con trẻ nên nghiêm khắc, sự nghiêm khắc sẽ bình được sự xao động, nóng nảy, hấp tấp của chúng; đối đãi với kẻ tiểu nhân nên cung kính, tâm cung kính có thể hóa giải tà khí của họ.

12 ) 賢而多財,則損其志;愚而多財,則益其過。

Người Hiền mà có nhiều tiền của, sẽ tổn hại đến cái chí, kẻ Ngu mà nhiều tiền của, sẽ tăng trưởng lỗi lầm.

13 ) 古之能為文章者,真能陶冶萬物,雖取古人之言入於翰墨,如靈丹一粒,點鐵成金。

Đời xưa, người có thể làm văn hay, là người thật có thể đào dã (1) vạn vật, dù lấy lời của cổ nhân đưa vào văn chương của mình thì cũng như một viên Linh Đơn điểm Sắt thành Vàng.

14 ) 有不可及之志,必有不可及之功。有不忍言之心,必有不忍言之禍。

Có chí hướng vượt trội ắt có công lao không ai bằng. Có cái tâm không nhẫn được trong lời nói, ắt có cái họa do lời nói không nhẫn được.

15 ) 善謀生者,但令長幼內外,勤修恆業,而不必富其家

Kẻ khéo mưu sinh, chỉ cần khiến cho người lớn kẻ nhỏ trong gia tộc mỗi mỗi siêng năng tuân theo bổn phận, mà bất tất phải chú trọng làm giàu.

 

Biên dịch : Tùng Văn

Chú thích :

Vi Lư Dạ Thoại 圍爐夜話 là trước tác của nhà phê bình văn học nổi tiếng Vương Vĩnh Bân 王永彬 đời nhà Thanh. Vi Lư Dạ Thoại bàn về nhiều phương diện như đạo đức, tu thân, đọc sách, an bần lạc đạo, dạy con, trung hiếu, cần kiệm … nêu rõ hàm nghĩa sâu xa: lập đức, lập công, lập ngôn đều lấy “lập nghiệp” làm gốc. Vi lư dạ thoại 圍爐夜話 cùng với Thái căn đàm 菜根譚,  Tiểu song u kí 小窗幽記  được gọi chung là “xử thế tam đại kì thư”. ( http://www.chuonghung.com/2014/07/dich-thuat-vo-hoc-vi-ban-vo-si-vi-tien.html )

(1) Đào dã 陶冶 : nung đồ gốm, luyện Kim thuộc, tỉ dụ tiến hành bồi dưỡng đối với tư tưởng và tính cách của con người. https://www.hujiang.com/cidian/taoye_144868/

Wednesday, March 9, 2022

Minh đạo gia huấn Hán việt (dịch nghĩa)

 

MINH ĐẠO GIA HUẤN

TRÍ - ĐỨC
TÔNG – THƠ
………….......
7
Đoàn - Trung – Còn
Dịch
MINH ĐẠO GIA HUẤN

Tác giả  :  Trình Di
Dịch giả :  Đoàn Trung Còn
Lời Tựa của dịch giả :


Sách Minh Đạo gia huấn này do Trình Di tiên sanh ( 1.003 - 1.107 ) đời nhà Tống ( Trung Hoa ) biên soạn.
                        

Ông Trình Di người tỉnh Lạc Dương, tự là Chánh Thúc, em ruột ông Trình Hạo

( 1.032 - 1.085 ) thời nhà Tống ( 960 - 1279 ) do Triệu Quông Dẫn sáng lập.

Trình Hạo và Trình Di là hai anh em có danh nhất về Nho Giáo, có công lớn trong việc nghiên cứu, soạn tập, chú giải Ngũ Kinh và Tứ Thơ. Cho nên đời sưng chung hai anh em là : Trình - Tử.
Ông trình Hạo qua đời trước ông Trình Di 22 năm, Trình Di tiếp tục Nghiên cứu chú thích và truyền bá các kinh Thánh chuyện hiền của Nho Gia.
Bình sanh ông lấy đức thành để làm căn bổn tu thân, và lấy thuyết cùng lý để làm chủ đích học đạo.
Người cùng thời với ông tặng ông danh hiệu Y Xuyên.
Ông từng làm giáo sư ở Quốc Tử Giám, là trường do triều đình lập ra ở kinh đô để đào tạo nhân tài ra làm quan.Khi Trình Di mãn phần, ông được triều đình phong thụy hiệu là chánh công.
Sách Minh Đạo gia huấn này gồm 90 bài, toàn là những cách ngôn thâm thúy, khuyên bảo cho người trở nên đủ tư cách ở gia đình và xã hội, thấm nhuần về thanh cao về triết học, và tâm lý. Để dậy giảng cho con cháu trong nhà, thật là giá trị. Có thể dùng làm kim chỉ nam cho tất cả nhân dân ở các quốc gia Thọ hưởng nho giáo.
Dịch giả thiết tưởng, sách minh đạo gia huấn này, bộ ngành giáo dục của quốc gia – chánh phủ có thể dùng để dạy các học sinh sinh viên tại nhà trường, vừa có ích về phong…hóa, đạo đức, vừa để ngộ giải Hán văn và Việt văn.
Nay kính tựa,
Saì Gòn, mùa hạ 1971
Đoàn Trung Còn

01
Nhân sanh bá nghệ
Văn học vi tiên
Nho sĩ thị trân
Thi thơ thị bảo
Ý- NGHĨA :
Người đời làm cả trăm nghề
Văn học là nghề đứng đầu
Nho sĩ là người đáng trọng
Thi thơ là sách đáng quý
02
Cổ giả thánh hiền
Dịch tử nhi giáo
Đức hạnh thuần hòa
Trạch vi sư hữu
Ý- NGHĨA :
Các vị thánh hiền thủa xưa
Đổi con với nhau mà dạy
Những trang đức hạnh thuần hòa
Đáng chọn làm thầy và làm bạn
03
Dưỡng nhi bất giáo
Nai phụ chi quá
Giáo nhi bất nghiêm
Nãi sư chi đọa
Học vấn bất cần
Nai tử chi ác
Ý- NGHĨA :
Nuôi mà chẳng dậy
Là lỗi của cha
Dậy mà chẳng nghiêm
Là lỗi của thầy
Học hỏi chẳng cần
Là lỗi của con
04
Hậu tùng tiên giác
Giám cổ chi kim
   Ý- NGHĨA :
  Người hậu giác theo người tiên    giác
   Soi việc xưa mà biết việc nay
05
Học hữu tam tâm
Bất khả thất nhứt
Phụ mẫu hậu thực
Tử học cần mẫn
Nghiêm sư tác thành
   Ý- NGHĨA :
   Học giả có ba niềm
   Bỏ sót một chẳng được:
   Cha mẹ phúc - hậu thật
   Phận con học cần mẫn
   Thầy nghiêm chỉnh chỉ dạy
06
Nhân hữu tam tình
Khả sự như nhứt
Phi phụ bất sinh
Phi quân bất vinh
Phi sư bất thành
07
Hữu đạo đức giả
Tử tôn thông minh
Vô đạo đức giả
Tử tôn ngu muội


Ý- NGHĨA :
Người ta có ba ơn
Nên thờ trọng như một:
Không cha, mình chẳng sanh
Không vua, mình chẳng vinh
Không thầy, mình chẳng nên


Ý- NGHĨA :
Người có đạo đức
Con cháu thông minh
Kẻ không đạo đức
Con cháu ngu muội




08
Dưỡng nam bất giáo
Bất như dưỡng lư
Dưỡng nữ bất giáo
Bất như dưỡng trư
Ý- NGHĨA :
Nuôi con trai chẳng dạy
Chẳng bằng nuôi lừa
Nuôi con gái chẳng dạy
Chẳng bằng nuôi heo
09
Giáo huấn chi sơ
Tiên thủ lễ pháp
Bất chi vấn đáp
Thị vị ngu si
Ý- NGHĨA :
Việc giáo huấn sơ đẳng
Trước hết giữ lễ phép:
Kẻ chẳng biết thưa dạ
Gọi là đứa ngu si
10
Bất giáo nhi thiện
Phi thánh nhi hà ?
Giáo nhi hậu thiện
Phi hiền nhi hà ?
Giáo nhi bất thiện
Phi ngu nhi hà ?
Khốn nhi tri chi
Phi trí nhi hà ?
Ý- NGHĨA :
Chẳng học mà hay
Chẳng phải thánh sao ?
Có học mới hay
Chẳng phải hiền sao ?
Học mà không thông
Chẳng phải ngu sao ?
Chịu khó mới thông
Chẳng phải trí sao ?
11
Hữu điền bất canh
Thương lẫm không hư
Hữu thơ bất giáo
Tử tôn ngoan ngu
Thương lẫm không hề
Tuế thời phạp thực
Tử tôn ngu hề
Lễ nghĩa toàn vô
Ý- NGHĨA :
Có ruộng chẳng cầy
Kho lẫm trống rỗng
Có sách chẳng dạy
Con cháu ngu ngốc
Kho lẫm trống không
Năm tháng nghèo đói
Con cháu ngu ngốc
Lễ nghĩa chẳng thông
12
Phàm nhân bất học
Minh như dạ hành
Thinh thơ như tủng
Vọng tự như manh
Ý- NGHĨA :
Hễ người chẳng học
Mờ như đi đêm
Nghe sách như điếc
Trông chữ như đui
13
Ấu nhi cần học
Trưởng tắc thi hành
Tránh tâm tu thân
Tề gia trị quốc
Ý- NGHĨA :
Nhỏ thì siêng học,
Lớn thì thực hành.
Rèn lòng, sửa mình,
Yên nhà, trị nước.
14
Sĩ tu ư gia
Tự hương nhi quốc
Khoa mục triều tước
Hữu độc thơ nhân
Ý- NGHĨA :
Kẻ sĩ tu sửa việc nhà,
Việc làng rồi tới việc nước:
Những vị thi đậu làm quan,
Vốn là người đọc sách.
15
Bần nhi cần học
Khả dĩ lập thân
Phú quý cần học
Ích vinh kỳ danh
Khai quyển hữu ích
Chí giả cánh thành
Ý- NGHĨA :
Nghèo mà chăm học,
Nhờ đó lập thân - phận:
Dầu mà chăm học,
Nhờ đó danh - phận càng cao.
Dở quyển là có ích,
Có chí ắt thành công.
16
Bác học quảng văn
Khì trí ích minh
Bất sỉ hạ vấn
Nghĩa lý ích tinh
Độc học vô hữu
Cô lậu quả văn
Ý- NGHĨA :
Học vấn càng cao rộng,
Trí tuệ càng thông suốt.
Chẳng thẹn hỏi kẻ dưới,
Nghĩa lý càng tinh thông.
Học một mình không bạn,
Kiến - văn cạn và ít.

17
Nhân hữu ngũ luân
Cang thường vi thủ
Bất chi cang thường
Hà dị cầm thú ?
Phong nghỉ hữu chủ
Huống như nhân hồ ?
Tam cang cửu trù
Cổ kim bất dịch
Vi quân chỉ Kính
Vi thần chỉ chung
Vi phụ chỉ từ
Vi tử chỉ hiếu
Vi huynh chỉ ái
Vi đệ chỉ cung
Vi phu chỉ hòa
Vi phụ chỉ thuận
Bằng hữu chỉ tín
Trưởng ấu chỉ khiêm
Hương đảng chỉ hòa
Lân bằng chỉ nhượng
Ý- NGHĨA :
Người đời có lăm luân,
Với cang thường là trọng.
Nếu chẳng biết cang thường,
Có khác gì cầm thú ?
Ong, kiến còn có chúa,
Huống chi là loài người ?
Ba cang với chín trù,
Xưa nay chẳng dời đổi.
Làm vua đứng ở mức kính,
Làm tôi đứng ở mức trung.
Làm cha đứng ở mức từ,
Làm con đứng ở mức hiếu,
Làm anh đứng ở mức ái,
Làm em đứng ở mức cung,
Làm chồng đứng ở mức hòa,
Làm vợ đứng ở mức thuận,
Bầu bạn đứng ở mức tín,
Lớn nhỏ đứng ở mức khiêm,
Làng xóm đứng ở mức hòa,
Láng giềng đứng ở mức nhượng.
18
Hành giả nhượng lộ
Canh giả nhượng bạn
Quá khuyết tắc hạ
Quá miếu tắc xu
Ý- NGHĨA :
Đi đường nhường bước
Cày ruộng nhường bờ
Qua đình xuống ngựa
Qua miếu nhẹ chân
19
Xuất nhập khởi cư
Phi lễ bất chỉnh
Ngôn ngữ ẩm thực
Phi lễ bất túc
Ý- NGHĨA :
Khi ra vào, lúc đứng lúc ngồi,
Sái lễ - phép thì chẳng tề - chỉnh.
Khi nói năng, lúc ăn uống,
Sái lễ phép, chẳng nghiêm - trang.
20
Tu thân quả dục
Cần kiệm tề gia
Cấm chỉ xa hoa
Tu phòng hậu dụng
Ý- NGHĨA :
Sửa mình, ít dục,
Cần kiệm , tề gia,
Ngăn ngừa lãng-phí se-sua,
Dự phòng tiền của sắm mua lúc cần.
21
Đắc vinh tư nhục
Cư an tư nguy
Đạo cao đức trọng
Bất sỉ tệ y
Ý- NGHĨA :
Được vinh hiển, lo hờ lúc nhục,
Được ở yên, phòng bị cơn nguy.
Người đạo cao đức trọng,
Chẳng thẹn áo cũ rách.
22
Tích cốc phòng cơ
Tích y phòng hàn
Kiệm tắc thường túc
Tĩnh tắc thường an
Cần bị phòng gian
Dương tử phòng lao
Ý- NGHĨA :
Chứa lúa phòng khi đói,
Cất áo phòng cơn lạnh,
Kiệm-ước thường đủ dùng,
Bình-tĩnh thường yên-ổn,
Dè-dặt phòng kẻ gian,
Nuôi con phòng lúc già.
23
Sự thân ký hiếu
Tử diệc hiếu chi
Ý- NGHĨA :
Mình đã thảo với cha mẹ,
Con cũng sẽ thảo với mình.
24
Phụng đường lễ nghi
Mạc tỵ ô uế
Phụ mẫu thượng tại
Bất khả viễn du
Thân thể phát phu
Thọ chi phụ mẫu
Bất cảm hủy thương
Hiếu chi thủy giã
Lận thân hành đạo
Dương danh ư hậu
Dĩ hiển phụ mẫu
Hiếu chi chung giã
Ý- NGHĨA :
Phụng dưỡng đủ lễ-nghi,
Chớ tránh đồ dơ-dáy.
Cha mẹ còn hiện tại,
Chẳng nên đi chơi xa.
Mình, vóc, tóc, gia,
Thọ nơi cha mẹ.
Chẳng giám hủy hoại,
Là nết hiếu đầu.
Lập thân, hành đạo,
Rõ tiếng hậu lai.
Thơm lây cha mẹ,
Là nết hiếu sau.
25
Dục hòa thượng hạ
Nhẫn tự vi tiên
Quân thần nhẫn chi
Quốc thế bảo toàn
Phụ tử nhẫn chi
Tự toàn kỳ đạo
Phu phụ nhẫn chi
Linh tử bất cô
Huynh đệ nhẫn chi
Gia trung vô hại
Bằng hữu nhẫn chi
Kỳ tình bất sơ
Tự thân nhẫn chi
Nhơn nhơn ái lạc
Ý- NGHĨA :
Muốn cho trên dưới hòa,
Lấy chữ nhẫn làm đầu.
Vua với tôi nhẫn nhịn,
Thế nước được giữ yên.
Cha với con nhẫn nhịn,
Giữ vẹn được gia đạo.
Chồng với vợ nhẫn nhịn,
Con cái khỏi bơ vơ.
Anh với em nhẫn nhịn,
Gia đình khỏi hư hại.
Bầu bạn nhẫn nhịn nhau,
Tình bạn chẳng nhạt-phai.
Tự mình nhẫn nhìn được,
Ai nấy đều mến yêu.
26
Gia trung đổ bác
Nam nữ giai ác
Gia trung hữu cầm
Nữ tử bất dâm
Gia trung hữu kỳ
Nam tử tất suy
Gia trung hữu chế
Nam nữ thủ lễ
Ý- NGHĨA :
Trong nhà bài bạc,
Con cái đều hư.
Trong nhà đờn ca,
Con gái động tình.
Trong nhà mê cờ,
Con trai suy bại.
Trong nhà nề nếp,
Con cái giữ lễ.
27
Sự vô đại tiểu
Vô đắc tranh thành
Tài sản phân minh
Quân cấp quần chúng
Ý- NGHĨA :
Đừng ngại phần lớn nhỏ,
Không được tranh lấn nhau.
Tiền của phân rành rẽ,
Ai nấy được cấp-đều.
28
Mạc ái châu ngọc
Ái tử tôn hiền
Hòa mục vi tiên
Thành vi mỹ tục
Ý- NGHĨA :
Đừng ham châu ngọc,
Ham con cháu hiền.
Hòa-mục là đầu,
Nên phong- tục tốt.
29
Hôn nhân trạch phối
Tiên tề gia phong
Thanh khiết khuê phòng
Chủ quỹ tần tảo
Quả ngôn cần hậu
Chấp thuận xướng tùy
Đức hạnh biểu nghi
Bất tu nhan sắc
Tử tư mẫu đức
Nữ xuất cung phi
Tử hiếu tôn từ
Thê hiền tửi quý
Ý- NGHĨA :
Cưới vợ nên chọn kỷ,
Trước lo việc tề gia.
Khuê-phòng gìn tiết sạch,
Đơm-quải giữ siêng năng.
Nói ít và cẩn hậu,
Vui thuận ý-tứ chồng.
Đức hạnh khuôn-phép đủ,
Chẳng cần gương mặt đẹp.
Con trai nhờ đức mẹ,
Con gái lấy vua quan.
Nhà con thảo cháu lành,
Vợ hiền sinh con quý.
30
Nghiệt thê bại tự
Đố phụ loạn gia
Xảo quyệt thị tà
Kiêu ngoa thị trá
Phụ nhân nội trợ
Thạnh suy chi do
Ý- NGHĨA :
Vợ giữ không trai nối họ,
Gái gen gây rối nhà chồng.
Xảo-quyệt mới là tà vậy,
Kiêu-ngoa tức thị gạt lừa.
Đờn bà đỡ bớt bề trong,
Do đó nhà suy hoặc thạnh.
31
Hiền nữ kính phu
Sỹ nhân úy phụ
Ý- NGHĨA :
Gái hiền kính chồng
Trai ngu sợ vợ.
32
Bất chánh chi nữ
Tu dĩ vi thê
Bất trung chi nhơn
Tu dĩ vi thần
Ý- NGHĨA :
Gái bất chánh,
Khiến chồng xấu hổ.
Trai bất trung,
Khiến chúa thẹn-thùa.
33
Nữ chi thủ tiết
Do sĩ thủ thân
Hiền thê gia bảo
Hiền thần quốc trân
Ý- NGHĨA :
Làm gái giữ tròn tiết-hạnh,
Như sĩ phu gìn lấy thân-danh.
Vợ hiền là báu trong nhà,
Tôi hiền là báu của nước.
34
Nam quý trung cần
Nữ quý trinh thuận
Ý- NGHĨA :
Làm trai quý ở trung, cần,
Làm gái quý nơi trinh, thuận.
35
Giáo phụ sơ lai
Giáo tử anh hài
Ý- NGHĨA :
Dạy vợ khi mới về,
Dạy con lúc còn trẻ.
36
Dục bất khả túng
Dục túng thành tai
Lạc bất khả cực
Lạc cực sanh ai
Ý- NGHĨA :
Chẳng nên phóng túng ham dục,
Ham dục nhiều thì mang họa.
Chẳng nên vui sướng thái quá,
Vui quá sanh ra buồn khổ.
37
Nữ vật tham tài,
Nam vật tham sắc.
Sắc dị sát nhân,
Tài dị sát thân.
Ý- NGHĨA :
Gái đừng ham tiền của,
Trai đừng ham nhan sắc.
Nhan sức dễ giết người,
Tiền của dễ hại thân.
38
Thuật trá di chi,
Tử tôn giả vong.
Đạo đức di chi,
Tử tôn giả xương.
Bổn cố chi trường,
Lưu truyền vạn đại.
Ý- NGHĨA :
Gian trá để lại tiền của,
Con cháu ắt phải tiêu vong.
Chẳng bằng để lại đạo đức,
Cháu con sẽ được thành đạt.
Gốc có vững cành mới dài,
Nước nhà bền bỉ, muôn đời truyền lưu.
39
Bất hiếu giả tam,
Vô hậu vi đại.
Hữu thân bất ái,
Hữu huynh bất kính.
Cầu tha ái kính.
Khởi khả đắc hồ ?
Ý- NGHĨA :
Bất- hiếu có ba thứ tội,
Tuyệt tự là tội lớn nhất.
Có cha, chẳng yêu cha,
Có anh, chẳng yêu anh.
Mong con em yêu kính,
Hás mong cầu được sao ?


40
Tử quả hiền hỹ,
Kim tuy bần tiện,
Hậu tất phú quý,
Tử bất tiểu hỹ,
Kim tuy phú quý,
Hậu tất bần tiện.


Ý- NGHĨA :
Phận làm con hiền đức,
Tuy nay chịu nghèo hèn,
Sau ắt được giàu sang.
Kẻ làm con bất hiếu,
Tuy nay được giàu sang,
Sau trở nên nghèo hèn.
41
Cốt nhục bần giả,
Tình bất khả sơ.


Ý- NGHĨA :
Bà con thân-thích dẫu nghèo,
Tình nghĩa chẳng nên lợt lạt.






42
Tha nhân phú giả,
Tâm bất khả ố.


Ý- NGHĨA :
Đối kẻ khác giàu có,
Lòng chớ khá ghét ganh.
43
Thủ trọng ư nhơn,
Thị trọng kỳ thân.
Ý- NGHĨA :
Đem lòng kính trọng người ta,
Đó là mình trọng chính mình.
44
Mặc hiệu tiểu nhân,
ố nhân thắng kỷ.
khả hiệu quân tử,
thành nhân chi mỹ.
Ý- NGHĨA :
Đừng bắt trước phường tiểu-nhân,
Họ ghét những ai hơn họ.
Hãy bắt chước trang quân-tử,
Giúp người làm nên việc tốt.
45
Cầu vô dã nhân,
Mặc dưỡng quân tử.
Cầu vô quân tử,
Mặc thị dã nhân.
Ý- NGHĨA :
Nếu không có kẻ quê mùa,
Lấy ai nuôi người quân-tử ?
Nếu không có người quân-tử,
Lấy ai dạy kẻ quê mùa ?
46
Cự tất trạch lân,
Giao tất trạch hữu.
Hoạn nạn tương cửu,
Quá thất tương quy.
47
Dụng nhơn vật nghi,
Nghi nhơn vật dụng.
Dụng nhân bất cẩn,
Hại tùy nhi chí.
Tiểu nhân thất ý,
Khởi vi cửu-thù.
Ý- NGHĨA :
ở phải chọn xóm,
chơi phải chọn bạn.
hoạn-nạn cứu nhau,
lỗi-lầm khuyên nhau.
Ý- NGHĨA :
Dùng người đừng nghi,
Nghi ai đừng dùng.
Không cẩn thận dùng người,
ắt cáo hại về sau.
Kẻ tiểu-nhơn bất-mãn,
Họ trở nên cửu-thù.
48
Tiểu nhân tự-kiêu,
Thị tài căng kỷ.
Vô ố tiểu-nhơn,
Thị vi quân-tử.
Tài thượng phân-minh,
Thị vi trượng-phu.
Ý- NGHĨA :
Tiểu nhân tự-kiêu,
Ỷ tài khoe mình.
Chẳng ghét tiểu-nhân,
Mới là quân-tử.
Tiền-bạc rành-rẽ,
Mới đáng trượng-phu.


49
Bần nhi vô siểm,
Phú nhi vô kiêu.
Thanh bần tương lạc,
Trọc-phú đa ưu.
Vật thị phú quý,
Tự khinh kỳ bần.
Thị phú khinh bần,
Thủ tiền lỗ nhĩ !


Ý- NGHĨA :
Nghèo chẳng đua-bợ,
Giầu chẳng kiêu căng.
Thanh-bần thường vui,
Trọc-phú hay lo.
Chớ cậy giầu sang,
Mà khinh kẻ nghèo.
Cậy mình giầu mà khinh kẻ nghèo,
Chẳng qua mình là mọi, giữ tiền.
50
Cùng nhân vật mạ,
Cùng khấu vật truy.
Điểu cùng tắc phi,
Khuyển cùng tắc phệ.
Nhơn tham tài tử,
Điểu tham thực vong.
Cơ hàn thiết thân,
Bất cố liêm sỉ !
Ý- NGHĨA :
Người ham tiền thì chết,
Chim ham mồi thì nguy.
Đói lạnh đương bức thân,
Chẳng kể gì liêm sỉ !
51
Tự tiên trách kỷ,
Nhị hậu trách nhơn.
Hàm huyết phún nhân,
Tiên ô ngã khẩu.
Ý- NGHĨA :
Trước hãy trách mình,
Sau hãy trách người.
Ngậm máu phun người,
Trước dơ miệng mình.
52
Ác ngôn xuất khẩu,
Hung-thần giám lâm.
Thiện-niệm vu tâm,
Cát-thần tự hiện.
Ý- NGHĨA :
Lời dữ ra ngoài miệng,
Hung-thần liền soi tới.
Niệm lành khởi trong tâm,
Cát-thần tự-nhiên hiện.
53
Tích thiện phùng thiện,
Tích ác phùng ác.
Tử-tế tư lường,
Thiên địa bất thác.
Nhân-hậu ngộ hậu,
Xứu xứ tương phùng.
Mưu thâm họa thâm,
Oan oan tương báo.
Nhược trì bất báo,
Thời-thần vị đáo.
Chủng qua đắc qua,
Chủng đậu đắc đậu.
Thiên võng khôi-khôi,
Sơ nhi bất lậu.
Ý- NGHĨA :
Chứa lành gặp lành,
Chứa dữ gặp dữ.
Xét kỹ mà coi,
Trời đất chẳng lầm.
Nhân-hậu gặp nhân-hậu,
Chốn chốn thường gặp nhau.
Mưa sâu họa sâu,
Oán vay oán trả.
Chậm chạm chẳng trả,
Thời kỳ chưa tới.
Trồng dưa được dưa,
Trồng đậu được đậu.
Lưới trời lồng lộng,
Thưa mà chẳng lọt.
54
Hoàng thiên bất phụ,
Hữu độc thơ nhân.
Hoàng thiên bất phụ,
Hữu đạo tâm nhơn.
Hoàng thiên bất phụ,
Hữu hảo tâm nhơn.
Ý- NGHĨA :
Ông trời chẳng bỏ,
Những người đọc sách.
Ông trời chẳng bỏ,
Những người tâm đạo.
Ông trời chẳng bỏ,
Những người lòng tốt.
55
Thương nhân chi ngữ,
Phân thương kỳ thân.
Dụng tâm bất lương
Khởi vô quả-báo ?
Cha mẹ làm ác,
Để họa con cháu.
Ý- NGHĨA :
Lời nói hại người,
Trở lại hại mình.
Dụng tâm chẳng lành,
Há khỏi quả báo ?
Cha mẹ làm ác,
Để họa con cháu.


56
Họa phước vô môn,
Duy nhơn sở triệu.
Dục chi họa phước,
Tiên khán tử tôn :
Tự gia nhi tri,
Hà tất vấn thùy ?


Ý- NGHĨA :
Họa phước không nhà,
Tại người vời tới.
Muốn biết họa phước,
Trước xem con cháu :
Nhà mình mình biết,
Cần gì hỏi ai ?
57
Khắc thâm thái thậm,
Trầm bệnh nan y.
Mưu lự đa tư,
Tinh thần lao kiệt.
Âm mưu giá họa,
Âm mưu quỷ thần.
Ích kỷ hại nhơn,
Minh hữu vương hiển.
Nhân tâm như thiết,
Quan pháp như lô !
Văn pháp bất cô,
Sát nhân giả tử.
Ý- NGHĨA :
Người nào sâu-sắc nước đời,
Khi mang bệnh nặng, khó bài thuốc thang.
Người nào mưu tính nhiều bề,
Tinh thần hao-tổn, ê-chề, suy-vi.
Mưu thầm kín, gieo họa người,
Quỷ-thần âm-cảnh mười-mười chép rành.
Lợi mình mà hại người ta,
Phép đời luật nước trị là công-minh.
Lòng người như sắt khéo chui,
Phép công lò lửa đốt thui cũng xì !
Án văn chẳng có tư vì,
sát nhân, xử tử luật ghi rõ ràng.
58
Nhơn vô viễn lự,
Tất hữu cận ưu.
Ý- NGHĨA :
Kẻ không lo xa,
ắt có buồn gần.
59
Cẩn tắc vô ưu,
Nhẫn tắc vô nhục.
Ý- NGHĨA :
Cẩn-thận thì khỏi lo,
Nhẫn-nhịn thì khỏi nhục.
60
Nhơn gian tù ngục,
Hoàn thị vô lương.
Thiên-hạ công hầu,
Giai do hữu đức.
Ý- NGHĨA :
Những kẻ tù ngục ở nhân gian,
Đa số là người không lương thiện.
Những công-hầu trong thiên-hạ,
Đều là những vị có đức lành.
61
Cận chu giả xích,
Cận mặc giả hắc.
Hiền đức chi nhơn,
Thân nhi cận chi,
Chung tự hữu ích.
Hung ác chi nhơn,
Xích nhi viễn chi,
Tự miễn họa-hoạn.
Ái hiền như lan,
Úy ác như hổ.
Thành trung thất hỏa,
Họa cập trì ngư.
Ý- NGHĨA :
Gần son thì đỏ,
Gần mực thì đen.
Những người hiền đức,
Ta nên thân cận,
Có ích về sau.
Những kẻ hung ác,
Ta nên tránh xa,
Khỏi vướng tai họa.
Mến người hiền như hoa lan,
Sợ kẻ dữ như cọp hùm.
Hỏa hoạn sảy ra trong thành,
Họa lây tới cá dưới ao.
62
Nguy bang bất nhập,
Loạn bang bất cư.
Binh cách chi gian,
Thủ thân vi đại.
Ý- NGHĨA :
Nước nguy đừng vào,
Nước loạn đừng ở.
Trong cơn giặc giã,
Giữ mình làm trọng.
63
Tiểu lợi nhược tham,
Bất thành đại sự.
Tiểu sự bất nhẫn,
Tất loạn đại mưu.
Ý- NGHĨA :
Nếu ham lợi nhỏ,
Chuyện lớn chẳng thành.
Chẳng nhịn việc vặt,
Mưu to phải hỏng.
64
Lợi bất khả độc,
Lợi độc tắc ly.
Mưu bất khả chung,
Chúng mưu khắc tiết.
Ý- NGHĨA :
Lợi chẳng nên hưởng riêng,
Hưởng riêng thì ly tán.
Mưu chẳng khả bàn chung,
Bàn chung ắt tiết lộ.
65
Thành sự bất thuyết,
Ý mạc cượng cầu.
Nhơn vô vọng giao,
Túc vô vọng tẩu.
Thực vô cầu bão,
Cư vô cầu an.
Vô khởi tranh đoan,
Vô đấu khẩu thiệt.
Ý- NGHĨA :
Chuyện rồi đừng nói,
Ý chớ gượng cầu.
Người giữ đừng chơi,
Chân đừng chạy bậy.
Ăn chẳng cần món ngon,
Ở chẳng cần nhà đẹp.
Không tranh cạnh phải quấy,
Không đấu chiến miệng lưỡi.
66
Ư ngã thiện giả,
Ngã diệc thiện chi.
Ư ngã tác giả,
Ngã diệc thiện chi.
Ngã hữu thiện niệm,
Thiên tất tùy chi.
Bỉ ký vi ác,
Hữu ác nhơn trị.
Ý- NGHĨA :
Người tốt với mình,
Mình cũng tốt lại.
Người xấu với mình,
Mình cũng tốt lại.
Ta nghĩ điều lành,
Trời chiều ý ta.
Họ làm việc dữ,
Kẻ dữ trị họ.
67
Văn nhân chi ác,
Khẩu bất đắc ngôn.
Văn nhân chi báng,
Tâm bất túc nộ.
Ý- NGHĨA :
Nghe việc quấy của người,
Miệng mình đừng nói ra.
Nghe người phỉ báng mình,
Lòng đừng sanh nóng giận.
68
Ác nhân vật mạ,
Cùng nhơn vật ngôn.
Nhược khởi tranh đoan,
Thị vô trí lự.
Ý- NGHĨA :
Đừng mắng kẻ ác.
Đừng nhiếc kẻ cùng.
Nếu tranh phải quấy,
Là không trí lự.
69
Quân-tử cẩn ngôn,
Thận kỳ ngôn-ngữ.
Bất can kỷ sự,
Mặc khả đương đầu !
Vô ích chi ngôn,
Tự hưu trước khẩu.
Ý- NGHĨA :
Quân-tử thận trọng ngôn ngữ,
Khéo nói trong khi luận-đàm.
Chuyện không can dự đến mình,
Chẳng khá chống đối làm chi !
Lời nói xét ra vô ích,
Bỏ đi chẳng để dơ miệng.
70
Quả ngôn trạch giao,
Đa ngôn vật kết.
Đa ngôn thị nguyệt.
Quả ngôn thị trung.
Nhất ngôn bất tín,
Thiên ngôn vô dụng.
Sàm ngôn vật tín,
Phản gián vật hành.
Khứ thực khứ binh,
Tín bất khả khứ.


Ý- NGHĨA :
Người nói ít ta nên làm bạn,
Kẻ nói nhiều ta chớ kết giao.
Kẻ nói nhiều là phường xảo-quyệt,
Người nói ít là bực ngay-thật.
Một lời hứa mà bất tín,
Muôn lời cũng là vô dụng.
Kẻ sàm-nịnh chớ tin cậy,
Kẻ đâm-thọc đừng nghe theo.
Bỏ lương-thực bỏ quân-binh,
Niềm tin chẳng được bỏ mất.
71
Thính kỳ ngôn ngữ,
Quan kỳ mâu-tử.
Bạch nhãn giả hung,
Hắc nhãn giả thiện.
Hữu tâm vô tướng,
Tướng tự tâm sanh.
Hữu tướng vô tâm,
Tướng từng tâm diệt.
Thuận đức giả xương,
Nghịch đức giả vong.
Ý- NGHĨA :
Có tâm mà không tướng,
Tướng do tâm mà lộ.
Có tướng mà không tâm,
Tướng theo tâm mà lặn.
Thuận đức thì hưng thạnh,
Nghịch đức phải suy vong.
73
Quân-tử ngộ bần,
Thủ kỳ lễ nghĩa.
Tiểu-nhân sạ phú,
Tự vọng khinh nhơn.
Ý- NGHĨA :
Quân tử gặp lúc nghèo,
Vẫn giữ tròn lễ nghĩa.
Tiểu-nhơn mới làm giàu,
Ngạo-ngễ khinh-chê người.
74
Ẩm thực chi nhơn,
Nhơn giai tiện chi.
Hiếu lợi chi nhơn,
Nhơn giai ố chi.


Ý- NGHĨA :
Kẻ ham ăn uống,
Ai nấy đều chê.
Kẻ ham thủ lợi,
Ai nấy đều ghét.



75
Tân lai dị sơ,
Tọa cửu dị yếm.
Ý- NGHĨA :
Đến thường dễ sơ,
Ngồi dai dễ chán.
76
Dĩ tiểu-nhơn tâm,
Đạc quân-tử phục.
Quân-tử sở vi,
Tiểu-nhân bất thức.
Ý- NGHĨA :
Lấy lòng tiểu-nhân,
Độ bụng quân-tử.
Hành vi quân-tử,
Tiểu-nhân chẳng biết.
77
Thánh-nhơn tích đức,
Bất tích kỳ tài.
Quân tử mưu đạo,
Bất mưu kỳ thực.
Ý- NGHĨA :
Thánh nhơn chứa đức,
Chẳng chứa của tiền.
Quân-tử lo đạo,
Chẳng lo cơm gạo.
78
Phi kỷ chi sắc,
Quân-tử bất dâm.
Phi kỷ chi tài,
Quân-tử bất thủ.
Bất-nghĩa chi phú,
Thị như phù vân.
Ý- NGHĨA :
Chẳng phải vợ mình,
Quân-tử chẳng cần.
Chẳng phải của mình,
Quân-tử chẳng lấy.
Giầu-có bất-nghĩa,
Coi như mây rồi.
79
Cứu cấp trẩn bần,
Khoan tắc đắc chúng.
Ý- NGHĨA :
Cứu kẻ khổ, giúp người nghèo,
Lượng khoan hồng được lòng dân.
80
Bình thời giảng võ,
Loạn thế độc thơ.
Quân tử-kiến cơ,
Bất sĩ trung nhựt.
Ý- NGHĨA :
Thời bình tập võ,
Lúc loạn đọc sách.
Quân-tử nhắm dèo,
Chẳng đợi hết bữa.
81
Cùng tất hữu đạt,
Bỉ cực thái lai.
Đản hoạn vô tài,
Bất hoạn vô dụng.
Sự vô vọng động,
Tâm vô vọng tư.
Ý- NGHĨA :
Hết cùng tới đạt,
Hết bỉ tới thái.
Chỉ ngại không tài,
Chỉ lo vô dụng.
Tay không làm quấy,
Lòng không nghĩ bậy.
82
Quan bất tại ngu,
Phú bất tại lại.
Ý- NGHĨA :
Chẳng phải ngu dốt mà làm quan,
Chẳng phải lười biếng mà làm giầu.
83
Tự tri phận giả,
Bất khả vưu nhơn.
Tự tri mạng giả,
Bất khả oán thiên.
Ý- NGHĨA :
Tự biết phận mình,
Chẳng nên oán người.
Tự biết mạng mình,
Chớ khá trách trời.
84
Tri chỉ thường chỉ
Chung thân bất sỉ
Chi túc thường túc,
Trung thân bất nhục.
Ý- NGHĨA :
Biết nên thôi, cứ thôi,
Trọn đời Chẳng thẹn.
Biết là đủ, thường đủ,
Trọn đời chẳng nhục.
85
Minh minh hoàng-tổ,
Thùy huấn hữu ngũ.
Nội tác sắc hoang,
Ngoại tác cầm hoang.
Cam tửu, thị âm,
Tuấn vũ điêu lường.
Hữu nhứt vu thử,
Vị hoặc bất vong.
Ý- NGHĨA :
Vua văn-vương sáng suốt,
Để lại năm điều răn.
1- Trong đền ham sắc dục,
2- Ra ngoài thích săn bắn,
3- Mê rượu, 4- ưa âm nhạc,
5- Khoái nhà cao vách chạm.
Phạm một trong năm điều,
Chẳng khỏi mất nước nhà.
86
Huấn tử nghĩa-phương,
Thất hiếu giả bát :
Học vấn bất cần,
Đổ bác vong thân,
Tử sắc tranh đau,
Đạo thâu bôn tẩu,
Tranh tụng bại gia,
Tông tộc bất hòa,
Phụ mẫu bất ái.
Chi quá nhi cải,
Diệc khả vi hiền.
Hữu quá bất cải,
Thất hiếu vưu đại.
Ý- NGHĨA :
Dạy con đúng nghĩa-phương,
Thất hiếu có tám điều :
1- Học hỏi chẳng siêng năng,
2- Bài bạc làm hư thân,
3- Rượu gái với,
4- Đánh lộn,
5- Trộm cướp rồi chạy chốn,
6- Kiện tụng tan gia-sản,
7- Chẳng hòa với dòng họ,
8- Chẳng yêu mến cha mẹ.
Biết lỗi mà sửa đổi,
Cũng biết gọi là hiền.
Có lỗi mà chẳng sửa,
Thất hiếu càng nặng tội.
87
Giáo nữ chi pháp,
Tiên tránh kỳ thân :
Phụ nhơn nhâm thần,
Vật thực ác nhục,
Vật thính ai thinh,
Chánh đạo nhi hành,
Khẩu vô tà thuyết.
Ẩm thực thất tiết,
Cư sử thất thường,
Ngoại-cảm nội-thương,
Bệnh sanh đa trệ.
Ý- NGHĨA :
Phép dạy con gái,
Trước hãy sửa mình :
Đờn bà thai nghén,
Đừng ăn thịt độc,
Đừng nghe tiếng buồn,
Chơn đi đường thẳng,
Miệng tránh nói tà.
Ăn uống sái giờ,
Chỗ ở thất thường,
Ngoại-cảm nội-thương,
Bệnh-tình thêm nặng.
88
Nữ tử bất học,
Bất tri lễ nghi.
Nam tử bất học,
Bất đạt sự lý.
Ý- NGHĨA :
Con gái chẳng học,
Chẳng biết lễ nghi.
Nam tử bất học,
Chẳng thông sự lý.
89
Đọc thơ cầu lý,
Tạo chúc cầu minh.
Tử tôn tuy hiền,
Bất giáo bất minh.
Cung kiếm bất học,
Bất tri trương võ.
Văn tự bất học,
Bất tri thơ họa.
Dược tánh bất học,
Bất tri y-phương.
Lễ nhạc bất học,
Bất chi tế tự.
Ý- NGHĨA :
Đọc sách tìm lý,
Đốt đuốc soi sáng.
Con cháu tuy hiền,
Chẳng dạy chẳng biết.
Cung kiếm chẳng học,
Chẳng biết giương múa.
Văn tự chẳng học,
Chẳng biết viết vẽ.
Tính thuốc chẳng học,
Chẳng biết phương chữa.
Lễ nhạc chẳng học,
Chẳng biết cúng tế.
90
Vạn khoảnh lương điền,
Bất như bạc nghệ.
Thiên kim di tử,
Bất như nhứt kinh.
Ý- NGHĨA :
Muôn thủa ruộng nương tốt,
Chẳng bằng một nghề mọn.
Ngàn vàng để cho con,
Chẳng bằng một quyển sách.
PHẬT HỌC THƠ - XÃ
Chủ nhiệm : Đoàn Trung Còn
143,đường Đề Thám - Sài Gòn

Phân loại chủng ngọc

 https://www.facebook.com/reel/292106507291259