https://gxdaminh.net/phuc-am-hoa-gia-dinh-theo-nho-giao/
* Gia đình là gì?
Gia là cái nhà. Tuy nhiên, chữ Gia trong từ kép “gia đình” không chỉ thị cái nhà cụ thể bằng vật chất (đá, gạch, gỗ hay tre lá, rơm rạ). Gia là “nhà” hiểu theo nghĩa siêu hình, là nơi an trú của con người trong đời sống trần gian. “Nhà” là tổ ấm cho một nhóm người bao gồm: ông bà, cha mẹ và con cái. Nhà chỉ là tổ ấm khi mọi người trong đó yêu thương lẫn nhau, an vui hòa chung. Vì thế, trong ngôn ngữ Việt Nam, khi vợ chồng yêu thương nhau, vợ chồng dùng tiếng “nhà tôi” để thân thưa cho người khác biết.
Đình là cái sân. Chữ Đình đi kèm chữ Gia chỉ thị cái không gian ấm cúng, an bình để cho con người được nghỉ ngơi sau khi tham gia công việc ngoài xã hội. Cái sân cũng là không gian thảnh thơi dành cho con cháu nô đùa trong sự bảo bọc của ông bà, cha mẹ.
Như vậy, nghĩa đúng của hai chữ “Gia đình” trong Nho giáo là cái không gian hiện thực tình yêu thương giữa chồng vợ, giữa ông bà, cha mẹ và con cháu, giữa anh chị em với nhau. Trong ý nghĩa đó, Nho giáo chính truyền từ thời thượng cổ đã nắm được thực tại tình yêu trong đời sống gia đình; nói theo ngôn ngữ Công giáo, gia đình theo quan niệm đúng đắn của Nho giáo – không phải Nho giáo hương nguyện – đã được Phúc Âm hóa, mặc dầu chưa được chính thức nghe lời Phúc Âm của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Tình yêu ấy đã biểu hiện như thế nào?
* Đạo Nghĩa tình
Ngoài đạo Hiếu kính của con người đối với Thượng Đế và tổ tiên, các tiên vương, tiên hiền trong Nho giáo còn dùng Lễ để duy trì các tình cảm tốt đẹp trong các tương quan giữa mọi bậc người trong xã hội. Theo Kinh Dịch: “Gia hội túc dĩ hợp Lễ: gom góp mọi điều tốt đẹp đủ để hợp với Lễ.” (Quẻ Thuần Kiền: Văn Ngôn). Lễ là đường lối của Trời (Thượng Đế); đó là sự kết hợp mọi điều tốt đẹp. Sách Lễ Ký viết: “Phụ từ, tử hiếu, huynh lương, đệ đễ, phu nghĩa, phụ thính, trưởng huệ, ấu thuận, quân nhân, thần trung.” (Lễ Ký: Thiên Lễ Vận). Theo sách Lễ Ký (một trong Ngũ Kinh của Nho giáo: Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân Thu), Lễ là sự hòa ái tốt đẹp trong tương giao giữa mọi người.
– Phụ từ: cha mẹ yêu thương con cái.– Tử hiếu: con cái làm vui lòng cha mẹ.
+ Huynh lương: anh chị cư xử tốt lành với các em.
+ Đệ đễ: các em mến yêu, tôn trọng anh chị.
– Phu nghĩa: chồng yêu quí vợ.
– Phụ thính: vợ nghe theo chồng.
+ Trưởng huệ: người trên (lớn, ông bà) ban ơn cho người dưới (con cháu).
+ Ấu thuận: người dưới (nhỏ, con cháu) vâng theo người trên (ông bà).
– Quân nhân: vua (người lãnh đạo đất nước) có lòng nhân từ với dân chúng.
Trong phạm vi quốc gia xã hội, đó là “Thập Nghĩa”, những điều kiện khiến cho xã hội thái bình, thịnh trị. Ở đây, “Trưởng” chỉ thị người cấp trên, lớn tuổi; “Ấu” chỉ thị người thừa hành, nhỏ tuổi. Trong phạm vi gia đình, đạo lý trên thu gom lại trong “Bát Nghĩa” (Phụ từ, tử hiếu, huynh lương, đệ đễ, phu nghĩa, phụ thính, trưởng huệ, ấu thuận). Trong phạm vi nhỏ này, “Trưởng” chỉ thị ông bà, “Ấu” chỉ thị các cháu.
Trong Bát Nghĩa (tám tương quan tốt đẹp), hai tương quan “Phụ từ” và “Tử hiếu” được chú trọng nhiều nhất. Thi hào Nguyễn Du đã nói về “Phụ từ” (cha mẹ thể hiện tình yêu thương với con cái) khi mô tả nỗi lòng của Thúy Kiều thương nhớ cha mẹ như sau:
“Nhớ ơn chín chữ cao sâu,
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.”
(Đoạn Trường Tân Thanh: câu 1253 – 1254).
“Chín chữ cao sâu” dịch từ bốn chữ “Cửu tự cù lao” trong Kinh Thi của đạo Nho. “Chín chữ cao sâu” gồm: sinh (đẻ), cúc (nâng đỡ), phủ (vuốt ve), súc (cho bú mớm), trưởng (nuôi lớn), dục (dạy dỗ), cố (trông nom), phục (xem tính mà dạy bảo), phúc (gìn giữ). Chín chữ trên thể hiện trọn vẹn tình yêu của cha mẹ đối với con cái.
Còn nói về “Tử hiếu” (con cái có hiếu với cha mẹ) thì sách Luận Ngữ nói đến rất nhiều; nhưng quan trọng hơn cả, “hiếu” là làm cho cha mẹ vui lòng. Sách Lễ Ký có câu: “Xuyết thúc, ẩm thủy, tận kỳ hoan, tư chi vị hiếu: ăn gạo xấu, uống nước lã mà làm cho (cha mẹ) thật vui vẻ, ấy gọi là hiếu.” (Lễ Ký: Đàn cung hạ).
Xét cho rốt ráo ý nghĩa sâu xa, Bát Nghĩa bao hàm tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. Nếu gia đình nào thành tựu được tình yêu thương này, đó là hiện thực “Phúc Âm hóa” trong đời sống gia đình. Đó là đạo Nghĩa tình trong cộng đồng bao gồm ông bà, cha mẹ, vợ chồng và con cái.
Bát nghĩa là những tương quan hai chiều đi với nhau từng cặp một. Sở dĩ trong suốt chiều dài lịch sử trên 2000 năm ở Viễn Đông, Bát Nghĩa chưa thành tựu ý nghĩa sâu xa; hay nói khác đi, đời sống gia đình ở Viễn Đông, trong đó có Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên chưa được “Phúc Âm hóa” vì những người giảng đạo lý và mọi người dân chỉ hiểu Bát Nghĩa theo tương quan một chiều. Người ta chỉ thường nói đến “Tử hiếu” mà bỏ quên “Phụ từ”; nói đến “Đệ đễ” mà bỏ quên “Huynh lương”; nói đến “Phụ thính” mà bỏ quên “Phu nghĩa”; nói đến “Ấu thuận”mà bỏ quên “Trưởng huệ”. Có nghĩa là người ta chỉ nhấn mạnh đến con phải “hiếu” với cha mẹ; em phải “đễ” với anh chị; vợ phải “thính” (vâng nghe) theo chồng; cháu phải “thuận” với ông bà mà thôi. Người ta đã quên hoặc ít nói đến cha mẹ phải “từ” với con cái; anh chị phải “lương” với các em; chồng phải “nghĩa” (yêu quí) với vợ; ông bà phải “huệ” với con cháu. Đó là cách giải thích theo Nho gia hương nguyện (nhà Nho đạo đức giả). Đức Khổng nói: “Hương nguyện, đức chi tặc dã: những kẻ đàn anh trong làng là kẻ làm hại đạo đức.” (Luận Ngữ: Dương Hóa: 13). Và cũng từ đó, đa số dân chúng ngày nay cho Nho giáo là đạo của giai cấp thống trị, áp bức, phong kiến! Lẽ ra, cần phải nói đến “Phụ từ, huynh lương phu nghĩa, trưởng huệ” trước, rồi mới nói đến “Tử hiếu, đệ đễ, phụ thính, ấu thuận” sau; bởi vì nếu người trên không nêu gương yêu thương, người dưới sao biết yêu thương?! Nếu chỉ có tương quan một chiều, mà lại ngược chiều từ dưới lên trên, Bát nghĩa sẽ bị hỏng mất. Bát nghĩa phải liên tục qua lại với nhau, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, mới là “Phúc Âm hóa”. Ví dụ, trong tương quan “Phụ từ, tử hiếu”, cha mẹ phải thương yêu con cái trước, thì con cái mới làm vui lòng cha mẹ được. Ở Do Thái ngày xưa, Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người đã yêu thương con người trước, rồi mới giảng về đạo yêu thương cho loài người. Tiến trình “Phúc Âm hóa” phải diễn ra như vậy; vì thế Đức Giêsu nói: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga: 15, 12).
No comments:
Post a Comment