Tuesday, July 12, 2022

Câu Đối

 https://www.facebook.com/phankhiem.nguyen/posts/pfbid08rPJezn3HpRzY8P8pkbNZWztyFA8Q4CCPSWt4xpM6FdEh67yRgebNTGiHD7mTWe7l



NÉT VĂN HÓA ĐẶC SẮC
Dư âm bàn về câu đối viếng vẫn chưa hết, nên xin viết thêm một chút cho phong phú một chủ đề nhỏ.
Trước 1954, khi còn nhiều người biết chữ Nho thì phúng viếng đám tang bằng đối trướng khá phổ biến. Thông thường thì người ta mua những bức trướng có sẵn (Nhàn du tiên cảnh/ Sinh vinh tử ai/ Thiên dược trị mệnh…) chỉ đề thêm lạc khoản là đủ, tất nhiên chọn câu nào phù hợp với người được viếng là yêu cầu quan trọng nhất.
Với những người có tình thân thì thường tự làm, hoặc nhờ người làm, một đôi câu đối để bày tỏ tình cảm. Câu đối hay phải nói lên được nét đặc trưng của người được viếng, có dấu ấn riêng, không sáo mòn. Ta có vô số ví dụ về mảng câu đối đám tang này.
Cụ Nguyễn Công Trứ, sự nghiệp làm quan lẫy lừng, cũng một nhà Nho phong lưu, "Lênh đênh một chiếc thuyền nan/ Một cô thiếu nữ một quan đại thần", khi về già đi đâu cũng “đủng đỉnh một đôi dì”... Có câu đối viếng cụ rằng:
Sự nghiệp kinh nhân thiên hạ hữu
Phong lưu đáo lão thế gian vô
Trong thiên hạ có những người sự nghiệp kinh đời như Cụ/ Nhưng thế gian chưa có ai đến già vẫn phong lưu như thế.
Cụ Nguyễn Khuyến bậc thầy về câu đối Nôm, làm giúp người làng nhiều câu đối. Ví dụ, người thợ nhuộm chết, câu đối viết cho người vợ khóc chồng rằng:
Thiếp từ thủa lá thắm xe duyên, khi vận tía, lúc cơn đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ
Chàng ở dưới suối vàng nghĩ lại, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan, tím ruột với trời xanh.
Đôi câu đối có đủ màu xanh đỏ tím vàng mà chan chứa nỗi đau xót của người vợ trẻ, tiếc chồng, thương con, thương mình. Đôi câu đối này khó có thể dùng viếng người khác, có hoàn cảnh khác.
Ở nhà lưu niệm cụ Phan Châu Trinh (TPHCM) hiện còn treo một số bức trướng viếng cụ. Cụ Phan Bội Châu viết:
Thương hải vi điền, tinh vệ hàm thạch
Chung Kỳ ký một, Bá Nha đoạn huyền.
Nghĩa là: Biển thẳm lấp chưa bằng, tinh vệ còn đội đá/ Chung Kỳ đã mất, Bá Nha dứt dây đàn. "Chung Phan Châu Trinh qua đời thì tâm sự của "Bá Nha" Phan Bội Châu biết chia sẻ cùng ai… Sinh thời, hai cụ Phan tuy chọn hai phương thức khác nhau nhưng cùng chung một mục tiêu giành độc lập cho dân tộc.
Cụ Nguyễn Sinh Huy có bức trướng viết:
Nam quốc dân quyền tiên tổ chức
Tây phương tĩnh thổ hậu siêu sinh.
Cụ Nguyễn Sinh Huy đã khẳng định cụ Phan Châu Trinh là người đầu tiên khởi xướng dân quyền cho Việt Nam.
Sau này, ngày càng ít người biết chữ Nho thì thứ văn hóa đặc sắc này chỉ dành cho số ít người hoài cổ. Năm 1991, ông nội tôi tạ thế ở tuổi 92, cao tuổi nhất làng, trước 1945 cụ làm Lý trưởng. Cụ ông mất sau cụ bà 39 ngày, hai cụ cùng năm sinh, cùng năm mất. May nhà có ông bác hay chữ, làm cho anh em mấy đôi câu đối viếng. Có câu rằng:
Nhất hương lão, nhất hương quan, thúc phụ thăng trầm, thiên lý hà phương Hoàng hạc mộng
Đồng tuế sinh, đồng tuế tử, tôn từ túc nguyện, cửu nguyên do ước Bạch đầu ngâm
Tạm hiểu là: Đứng đầu làng về tuổi thọ, đứng đầu làng về hương chức, đời chú thăng trầm, bây giờ chú đi theo giấc mộng hoàng hạc tận phương nào/ Cùng năm sinh, cùng năm mất, thím đang chờ chú cùng ngâm khúc ca bạc đầu nơi cửu tuyền.
Nói thế để thấy một thứ văn hóa đó một đi không trở lại, người có đủ trình độ để làm ngày càng ít, người có đủ trình độ thưởng thức cũng không nhiều. Vì ít nên hiếm, mà hiếm thì quý, mong rằng nét văn hóa quý hiếm này không mai một.
(Câu đối viếng cụ Phan Châu Trinh, hai đôi được dẫn ở giữa ảnh)

No comments:

Post a Comment

lục ngôn - tứ ác

 https://www.facebook.com/huynhchuonghung/posts/pfbid0381D3bHDo4aiQyoCcNtMY1t6725kaZdvVAF1SgLVxucHARx1uFAzz59pbfzye7kKcl?__cft__[0]=AZVwouez...