https://langmai.org/cong-tam-quan/dong-tu-tiep-hien/dong-tu-tiep-hien-va-con-duong-phung-su/
Sư Ông Làng Mai
Dòng tu tiếp hiện
Dòng tu Tiếp Hiện ra đời năm 1966, và sự ra đời của nó rất có ý nghĩa. Khi đó chiến tranh đang leo thang ác liệt. Đó là một cuộc chiến tranh không chỉ giữa những ý thức hệ ngoại lai mà còn giữa vũ khí của nước ngoài. Là những Phật tử thực tập theo con đường hòa giải, hòa bình và tình huynh đệ, chúng tôi không chấp nhận một cuộc chiến như thế. Làm sao có thể chấp nhận được một cuộc chiến mà anh em một nhà dùng ý thức hệ và vũ khí của bên ngoài để tàn sát lẫn nhau.
Dòng tu Tiếp Hiện là một phong trào kháng chiến tâm linh. Các giới được lấy từ giáo lý đạo Bụt. Giới thứ nhất, Tự do nhận thức, là câu trả lời trực tiếp cho chiến tranh, vì khi đó ai cũng sẵn sàng chết hay chiến đấu để bảo vệ niềm tin của mình:
“Ý thức được những khổ đau do thái độ cuồng tín và thiếu bao dung gây ra, con xin nguyện thực tập để đừng bị vướng mắc vào bất cứ một chủ nghĩa nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo.”
Đây là tiếng gầm sư tử lớn!
“Những giáo nghĩa Bụt dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là những chân lý để thờ phụng và bảo vệ, nhất là bảo vệ bằng những phương tiện bạo động.”
Những lời Bụt dạy được ghi lại trong Kinh Tập (Sutta Nipata) về kiến chấp thật rõ ràng. Chúng ta không nên để bị vướng mắc vào bất kỳ quan điểm nào, chúng ta phải vượt thoát mọi quan điểm.
Chánh kiến trước tiên có nghĩa là sự vắng mặt của mọi quan điểm. Vướng vào quan điểm là nguồn gốc khổ đau. Ví như khi ta leo tới bậc thang thứ tư và nghĩ rằng đó là nấc thang cao nhất, vậy là ta sẽ chỉ dừng tại đó! Ta phải biết từ bỏ nấc thang thứ tư để có khả năng bước lên được nấc thang thứ năm. Trong lĩnh vực khoa học, để có thể tới gần với chân lý hơn, các nhà khoa học phải biết buông bỏ những kiến thức cũ. Không kẹt vào kiến chấp (phá chấp) là tinh thần của đạo Bụt. Quan điểm không phải là tuệ giác. Quan điểm không phải là trí tuệ. Chúng ta phải luôn trong tư thế sẵn sàng buông bỏ ý kiến, quan điểm của mình để đạt tới tuệ giác. Ta tự hào rằng ta đã hiểu về Tứ diệu đế, về Tương tức, về Duyên sinh, về Niệm, Định, Tuệ, nhưng những kiến thức đó chỉ là phương tiện để giúp ta đạt tới tuệ giác. Giáo lý không phải là tuệ giác.
Chiến tranh là hậu quả của thái độ cuồng tín, cố chấp. Nhìn sâu vào bản chất cuộc chiến tranh tại Iraq, ta có thể thấy đó cũng là một cuộc chiến tranh tôn giáo. Người ta lợi dụng niềm tin tôn giáo để phát động chiến tranh. Tổng thống Bush được các nhà truyền giáo cánh tả yểm trợ, trong khi đạo Hồi là điểm tựa cho lực lượng kháng chiến và khủng bố ở Iraq. Vậy nên ở mức độ nào đó, đây là cuộc chiến tranh tôn giáo. Hòa bình không thể tồn tại nếu chúng ta cứ khăng khăng giữ thái độ cuồng tín.
Hoa sen trong biển lửa
Năm 1966, tôi đã viết cuốn Hoa sen trong biển lửa, nhà xuất bản Hill and Wang xuất bản tại Hoa Kỳ. Cuộc chiến khi đó đang diễn ra rất dữ dội, chẳng khác gì một biển lửa. Con người giết hại lẫn nhau, máy bay Hoa Kỳ được phép đem bom thả trên những cánh rừng, lên đầu người dân. Vũ khí của Trung Quốc và Liên Xô cũng có mặt. Giới Phật tử đã cố gắng làm một điều gì đó để tìm lối thoát. Những ai không chấp nhận chiến tranh đã muốn làm gì đó để phản đối chiến tranh, nhưng giới Phật tử không có đài phát thanh hay truyền hình, họ không có phương tiện nào để bày tỏ hết.
Tôi đã viết những dòng thơ như thế.
Kẻ thù ta không phải là người
Kẻ thù của chúng ta là hận thù, cuồng tín và bạo động. Kẻ thù của chúng ta không phải là con người. Nếu giết hết con người, ta sẽ ở với ai? Phong trào hòa bình ở Việt Nam rất cần sự yểm trợ của cộng đồng quốc tế, nhưng bạn bè quốc tế không thể nghe thấy chúng tôi. Vậy nên thỉnh thoảng chúng tôi lại phải tự thiêu để báo cho thế giới biết rằng chúng tôi không muốn cuộc chiến tranh này, xin hãy giúp chúng tôi chấm dứt cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này! Đạo Bụt giống như một bông hoa sen thanh lương đang cố sức vươn lên trong biển lửa nóng bức ấy của cuộc chiến.
Tôi đã dịch cuốn sách sang tiếng Việt và một người bạn Mỹ trong phong trào hòa bình mang nó về Việt Nam. Cuốn sách được in chui và rất nhiều bạn trẻ đã âm thầm phổ biến cuốn sách, hành động đó cũng giống như hành động kháng chiến vậy.
Nhiều bạn trẻ yêu cầu tôi xuất bản tập thơ về hòa bình. Các bạn gọi đó là thơ phản chiến. Tôi chiều ý. Các bạn trẻ đã thu thập được 60 bài thơ về hòa bình của tôi và trình cho chính quyền miền Nam để xin phép xuất bản. Chỉ có vài bài được chấp nhận, 55 bài bị kiểm duyệt. Nhưng các bạn không nản chí, họ đã cho in chui tập thơ và tập thơ bán hết rất mau. Ngay cả một số mật vụ cũng thích tập thơ bởi vì chính họ cũng đang là nạn nhân của cuộc chiến, họ tới hiệu sách và nói: “Đừng nên bày tập thơ ra như thế, phải giấu đi”. Các đài phát thanh Sài Gòn, Hà Nội và Bắc Kinh bắt đầu lên tiếng công kích tập thơ vì chúng kêu gọi hòa bình. Không ai muốn hòa bình, bên nào cũng chỉ muốn đánh cho đến cùng.
Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội
Chùa Lá, trụ sở đầu tiên của trường TNPSXH
Năm 1964, chúng tôi thành lập trường Thanh niên Phụng sự Xã hội (TNPSXH). Trường đào tạo những thanh niên trong đó có cả các thầy và các sư cô trẻ, để đi về miền quê giúp những người nông dân tái thiết thôn làng. Chúng tôi hỗ trợ dân làng trong bốn lĩnh vực: giáo dục, y tế, kinh tế và tổ chức. Các tác viên về thôn làng, chơi với trẻ em, dạy các cháu đọc, dạy các cháu viết và múa hát. Đến khi dân làng bắt đầu quý mến các tác viên, chúng tôi mới đề nghị xây dựng trường học cho các cháu. Người góp tre, nhà góp lá dừa và thế là các cháu có một ngôi trường. Các tác viên đều làm việc không lương. Sau khi dựng trường, chúng tôi dựng trạm y tế để phát các loại thuốc chữa những căn bệnh thông thường cho dân làng. Chúng tôi cũng mời sinh viên y dược hay bác sĩ về làng trong một hay hai ngày để giúp. Chúng tôi tổ chức các hợp tác xã, cố gắng hướng dẫn người dân những nghề thủ công để họ có thể cải thiện thu nhập cho gia đình. Những người dân phải tự mình bắt đầu. Trường TNPSXH được tổ chức trên tinh thần không chờ đợi, không dựa dẫm vào sự trợ giúp của chính phủ.
Chúng tôi đã đào tạo rất nhiều bạn trẻ, các thầy, các sư cô trẻ. Cuối cùng chúng tôi có tới hơn mười ngàn tác viên hoạt động từ Quảng Trị trở vào. Trong suốt cuộc chiến tranh, chúng tôi đã bảo trợ cho hơn mười ngàn trẻ em mồ côi. Người trẻ là một phần không thể thiếu của phong trào đạo Bụt nhập thế.
Người Tiếp Hiện
Nghĩa đầu tiên của chữ Tiếp là tiếp nhận. Ta tiếp nhận từ tổ tiên huyết thống những cái hay, cái đẹp, những tuệ giác và đức độ. Ta tiếp nhận từ tổ tiên tâm linh giáo pháp nhiệm mầu, hạt giống tuệ giác. Đó là vốn liếng của ta. Vì vậy cho nên việc làm đầu tiên của người Tiếp Hiện là phải tiếp nhận cho được những cái hay, cái đẹp của tổ tiên trao lại.
Nghĩa thứ hai của chữ Tiếp là tiếp nối. Tiếp nối Bụt, tiếp nối Tổ, tiếp nối Thầy, tiếp nối tổ tiên. Một người con hiếu thảo là một người con tiếp nối được chí hướng của cha ông. Một người học trò có hiếu là một người học trò có thể tiếp nối được sự nghiệp của Thầy Tổ. Và muốn tiếp nối được thì ta phải tiếp nhận cho được chí nguyện và sự hành trì từ chư Bụt, từ chư Tổ và từ Thầy.
Nghĩa thứ ba của chữ Tiếp là tiếp xúc. Trước hết là tiếp xúc với hiện tại mầu nhiệm, với sự sống mầu nhiệm đang có mặt trong mình và quanh mình. Nhưng muốn tiếp xúc được với sự sống thì ta phải có mặt. Tiếp xúc như vậy để được nuôi dưỡng, để được chuyển hóa, để được lớn lên. Tiếp xúc đây cũng là tiếp xúc với những nỗi khổ niềm đau trong tự thân, trong hoàn cảnh, trong gia đình và xã hội của ta. Chỉ khi nào hiểu thấu được những nỗi khổ niềm đau của bản thân, của gia đình và của xã hội rồi thì ta mới biết cần phải làm gì và không nên làm gì để có thể chuyển hóa được những nỗi khổ niềm đau đó. Một mặt là tiếp xúc với những mầu nhiệm để được nuôi dưỡng, mặt khác là tiếp xúc với những khổ đau để hiểu, để thương và để chuyển hóa.
Chữ Hiện có bốn nghĩa:
Trước hết, chữ Hiện có nghĩa là hiện tại. Cái gì đang có mặt là sự sống, cái gì đang có mặt là tịnh độ. Chữ hiện có khi còn dịch là kiến, nghĩa là thấy những gì đang xảy ra xung quanh.
Nghĩa thứ hai của chữ Hiện là hiện pháp, là những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Hiện còn có thể dịch là kiến pháp, là những gì ta đang trông thấy trong giây phút hiện tại. Cái ta đang trông thấy là tăng thân, là cây thông, là những cơn mưa, là mặt trời v.v… Tất cả những cái đó ta phải tiếp xúc được. Những khổ đau hiện thực trong cuộc sống là những cái ta đang thấy và ta phải tiếp xúc. Ta không ở trong tháp ngà của tưởng tượng, của hý luận, của lý thuyết. Ta phải thực sự tiếp xúc với sự thật, với những mầu nhiệm của sự thật. Và nhờ có khả năng tiếp xúc với những gì đang thực sự xảy ra cho nên ta mới thực tập được cái gọi là Hiện Pháp Lạc Trú.
Nghĩa thứ ba của chữ Hiện là thực hiện, là làm cho mong muốn trở thành cụ thể. Sự tu chứng của ta cũng là thực hiện. Ước mơ, chí nguyện của ta là đạt tới tự do. Ta không muốn sống một cuộc đời hệ lụy, nô lệ. Ta muốn có tự do, tại vì chỉ có tự do mới đem lại hạnh phúc thực sự. Cho nên ta muốn xé toang những tấm lưới của đam mê, thù hận và ganh tị đang giam hãm ta. Những chiếc lưới ấy đang cuốn lấy ta nhưng ta không muốn kẹt vào những chiếc lưới ấy, ta muốn thoát ra.
Công phu thực tập hàng ngày là giá trị của vị hành giả. Nó giải phóng ta khỏi những chiếc lưới của địa vị, của danh lợi, của tham ái. Cái ta cần thực hiện là giải thoát, là tự do.
Nghĩa thứ tư của chữ Hiện là hiện đại hóa. Nghĩa là những pháp môn khế cơ, khế lý và thích hợp với thời đại.
Chữ Tiếp Hiện có nghĩa như vậy thì làm sao dịch ra tiếng Anh cho được. Thành ra phải tạm dịch sang tiếng Anh là Order of Inter-being. Hai chữ này cũng có gốc Hán-Việt, hiểu được ý nghĩa hai chữ đó thì sẽ hiểu được bản chất, hiểu được sự hành trì cũng như hướng đi của dòng tu Tiếp Hiện.
Với những ý niệm đó, ta có thể bắt đầu hiểu được thế nào là đạo Bụt đi vào cuộc đời, đạo Bụt nhập thế. Tu viện không nên là một thực tại bị cắt đứt khỏi cuộc đời. Tu viện phải được coi như là một vườn ươm để trồng những cây con. Và khi những cây con đã sống tốt, đã lớn đủ thì ta phải đem chúng trồng vào xã hội. Đạo Bụt có mặt là vì cuộc đời chứ không phải đạo Bụt có mặt chỉ vì đạo Bụt. Nếu không có cuộc đời thì không cần đạo Bụt. Sở dĩ có đạo Bụt là vì cuộc đời cần tới đạo Bụt. Cho nên các tu viện, các trung tâm tu học phải được coi như những vườn ươm. Trong tu viện, ta được che chở, ta có những điều kiện để lớn lên. Và khi ta đã lớn thì ta phải đi vào xã hội để phục vụ cho xã hội. Đó gọi là đạo Bụt đi vào cuộc đời.
Sáu vị Tiếp Hiện đầu tiên
Đoàn Thanh niên cho một xã hội lành mạnh và từ bi
Năm 2008, chúng tôi đã thành lập một tổ chức cho thanh niên Phật tử và không Phật tử ở châu Âu, gọi là “Đoàn thanh niên cho một xã hội lành mạnh và từ bi”, hay còn gọi là “Phong trào Wake Up”. Rất nhiều bạn trẻ đã tới với chúng tôi, và chúng tôi muốn tập hợp các bạn trẻ ấy lại, thành đoàn thể. Đoàn thanh niên này sẽ hành trì năm phép thực tập chánh niệm (Năm giới) và sẽ đi vào cuộc đời để giúp tạo dựng một xã hội lành mạnh hơn, từ bi hơn. Nếu các bạn có cảm hứng với ý tưởng này thì xin mời các bạn, sau khi trở về nhà, hãy mời những người bạn của mình lập thành một nhóm “Thanh niên cho một xã hội lành mạnh và từ bi.”
Các học viên trường TNPSXH
Viện Phật học Ứng dụng
Chúng tôi cũng đã thành lập Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB) tại Đức và Viện Phật học Ứng dụng châu Á (AIAB) tại Hồng Kông. Các viện Phật học Ứng dụng tổ chức rất nhiều khóa học lý thú. Các bạn cũng có thể tự tổ chức những khóa tu tại địa phương mình và chúng tôi sẽ gửi các vị giáo thọ Làng Mai tới hướng dẫn. Đó có thể là khóa tu 21 ngày dành cho các bạn đang chuẩn bị kết hôn. Các bạn sẽ được học cách để thành công trong cuộc sống lứa đôi. Cũng sẽ có khóa tu dành cho những người nhiễm AIDS hay mắc bệnh ung thư, để họ có thể sống chung an lạc với căn bệnh của mình. Cũng sẽ có những khóa học dành cho các doanh nhân, giáo viên, v.v… Cuối khóa học, các bạn sẽ được cấp một chứng chỉ. Một ngày nào đó bạn sẽ trở thành một vị giáo thọ để vào đời giúp người, để tiếp nối sự nghiệp của đức Thế Tôn.
Đạo Bụt ứng dụng cũng chỉ là một cách nói khác của đạo Bụt nhập thế.
Đạo Bụt ngày mai
Khoảng mười tuổi, tôi đã bắt đầu thích thú với đạo Bụt đi vào cuộc đời. Qua sách báo, ta biết rằng trong quá khứ đạo Bụt đã từng đóng một vai trò quan trọng trong việc đem lại hòa bình bền vững cho đất nước. Học lịch sử, ta thấy đời Lý, đời Trần đạo Bụt rất hưng thịnh. Từ trên xuống dưới, từ vua quan cho đến thứ dân đều hành trì đạo Bụt. Đó là sức sống tinh thần, là pháp thân của dân tộc, sự thực tập của cả một dân tộc.
Năm hai mươi tuổi, vua Trần Thái Tông đã có chí khí tu tập rất lớn. Vua có niềm đau trong lòng. Vượt thoát niềm đau, vua quyết tâm tu tập và đã thành công. Vua học Phật rất giỏi, thực tập thiền quán và đã sáng tác ra những tác phẩm Phật học giá trị còn lưu truyền cho tới ngày nay. Bốn mươi ba công án thiền và tác phẩm Lục thời sám hối khoa nghi của vua chứng tỏ rằng tuy làm chính trị nhưng vua vẫn dành thời gian để học Phật. Vua hành trì dâng hương, sám hối, ngồi thiền mỗi ngày sáu lần. Cứ sau hai giờ làm việc thì vua ngưng lại và thực tập hai mươi phút rồi tiếp tục làm công việc chính trị. Nếp sống tâm linh nuôi dưỡng ta, giúp ta vững mạnh để có thể làm một nhà chính trị giỏi. Đạo Bụt đi vào cuộc đời đã có từ lâu lắm rồi, trong truyền thống của đất nước ta. Đó không phải là một tư trào mới và chúng ta chỉ là sự tiếp nối truyền thống lâu đời ấy của tổ tiên mà thôi. Chúng ta đã có những tác phẩm như là Đạo Phật ngày nay, Đạo Phật hiện đại hóa, Đạo Phật đi vào cuộc đời… Và khi đã hiểu được ý nghĩa hai chữ Tiếp và Hiện thì câu chuyện của chúng ta thành ra rất đơn giản: Từ Phật giáo nhập thế ta phải đi tới Phật giáo ứng dụng. Chỉ có chừng đó thôi.
Chúng ta có thể giảng kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm rất hay, chúng ta có thể phân tích kinh Kim Cương rất giỏi nhưng những cái đó có thể chỉ để thỏa mãn trí năng. Chúng ta phải đặt câu hỏi: Áp dụng kinh Pháp Hoa như thế nào để giải quyết những vấn đề bức xúc, khổ đau, tuyệt vọng của ta? Áp dụng kinh Kim Cương như thế nào? Áp dụng giáo lý Tứ diệu đế, Bát chánh đạo như thế nào? Cái đó mới gọi là Phật học ứng dụng. Vì vậy đạo Bụt Ứng dụng đến để bổ túc cho đạo Bụt đi vào cuộc đời. Việc học Phật của chúng ta ở trong nước cũng như ở các trường đại học đều vẫn còn rất từ chương, rất lý thuyết. Đó không phải là cái học mà đức Thế Tôn gởi gắm. Là một vị giáo thọ thì thầy, sư cô phải cung cấp được Phật học ứng dụng cho những ai tới với mình và chỉ dạy cái mà mình đang làm. Là một vị cư sĩ, là một vị giáo thọ tập sự hay đã được truyền đăng thì ta cũng làm như vậy. Ta không học để khoa trương kiến thức Phật học của ta trong khi pháp đàm, trong khi pháp thoại. Ta chỉ nói và chỉ dạy những gì ta đang hành trì. Nếu dạy thiền hành thì ta phải thực tập thiền hành thành công tới một mức nào đó rồi mới nên dạy. Còn không thì đừng nên dạy, khoan dạy đã. Đó gọi là thân giáo. Dạy bằng sự sống của ta. Có những vị không thích nói pháp thoại nhưng họ có thể là những giáo thọ rất giỏi vì các vị ấy đi, đứng, nằm, ngồi, tiếp xúc, sống với đại chúng rất hài hòa, rất an lạc, rất cởi mở. Đó là những bài pháp thoại sinh động, là những viên ngọc quý của tăng thân. Những người đó không phải chỉ giới hạn trong những vị xuất gia. Trong giới tại gia cũng có nhiều vị tu tập rất giỏi, rất tĩnh lặng, rất bác học. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam có những người như vậy. Các vị ấy là cư sĩ, nhưng cách các vị sống và hành trì khiến cho các thầy, các sư cô cũng phải kính nể và xem như bậc thầy của họ. Cư sĩ Thiều Chửu, tác giả cuốn Hán-Việt từ điển; cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám… là những người cư sĩ như thế. Họ lên pháp tòa và dạy kinh cho các thầy, các sư cô, nhưng họ có đầy đủ sự khiêm cung. Cư sĩ Lê Đình Thám mỗi khi lên bục giảng đều mặc áo tràng và đảnh lễ các thầy, các sư cô trước rồi mới dạy. Các thầy, các sư cô cũng rất kính trọng cư sĩ Lê Đình Thám. Ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam đều có các vị cư sĩ như thế. Các vị ấy được cung kính không phải bởi vì các vị giàu hay có quyền lực mà vì các vị có sự hành trì rất vững chãi. Các vị nói cái mà các vị làm.
Năm uẩn là tăng
Theo nguyên tắc, không có chướng ngại nào, không có rào cản nào ngăn cách giới xuất gia và giới tại gia tu tập và làm việc chung với nhau. Vì chúng ta có sứ mạng đem đạo Bụt đi vào cuộc đời, làm cho đạo Bụt trở thành hiện thực, có thể ứng dụng được trong mọi trường hợp, cho nên chúng ta rất cần các vị giáo thọ. Dòng tu Tiếp Hiện là một cánh tay nối dài của tăng thân xuất gia để đi vào cuộc đời. Cố nhiên các thầy, các sư cô, là những người xuất gia, cũng đi vào cuộc đời nhưng số lượng các thầy, các sư cô không đủ.
Chúng ta cần thêm rất nhiều những người Tiếp Hiện cư sĩ. Những người Tiếp Hiện cư sĩ là cánh tay nối dài của tứ chúng để vươn ra xã hội. Cần có hàng ngàn vị cư sĩ Tiếp Hiện như vậy, để làm việc, để giáo hóa. Cố nhiên ta không làm công việc của các vị giáo sư Phật học, ta làm công việc tổ chức tu học và ta phải là mẫu mực của sự tu học. Ta phải nắm vững các pháp môn, nắm vững Phật học ứng dụng. Ta phải có hạnh phúc khi ngồi, phải có hạnh phúc khi đi, phải có hạnh phúc khi thở. Ta phải có khả năng tổ chức một tăng thân tại địa phương và các thành viên trong tăng thân địa phương đó phải sống với nhau cho có hạnh phúc. Tăng thân phải có tình huynh đệ, gây được niềm tin cho người trong tỉnh, trong nước. Là người Tiếp Hiện, ta phải làm cho được chuyện đó. Tại mỗi quốc gia, mỗi thành phố đều phải có những tăng thân như thế.
Phối hợp tinh cần
Mười bốn giới Tiếp Hiện cần phải tu chỉnh lại. Chúng ta phải có một ủy ban nghiên cứu và tu chỉnh Mười bốn giới Tiếp Hiện. Người ta khen Mười bốn giới Tiếp Hiện, nhưng giới tướng Mười bốn giới Tiếp Hiện có thể đầy đủ và hay hơn. Trong giới thứ tư, giáo lý Tứ diệu đế đã được đưa vào nhưng vẫn còn khiếm khuyết. Trong giới ấy nói: “Tiếp xúc và quán chiếu về bản chất của khổ đau có thể giúp con phát khởi tâm từ bi và thấy được con đường thoát khổ.” Cái thiếu sót ở đây là tuy có nói tới khổ đau nhưng không nói tới khổ đau của mình trước. Sự thật là khi ta hiểu được nỗi khổ niềm đau của mình rồi thì ta mới có thể thực sự hiểu được nỗi khổ niềm đau của người khác. Thiếu sót là ở chỗ đó.
“Con nguyện tìm tới với những kẻ khổ đau để hiểu biết được tình trạng của họ và để giúp đỡ họ. Bằng những phương tiện tiếp xúc, tường thuật, hình ảnh, âm thanh, con nguyện thường xuyên tự đánh thức mình và đánh thức những người xung quanh về sự có mặt của những khổ đau hiện thực khắp nơi trên thế giới.”
Ở đây chỉ nói tới việc tìm tới với những kẻ khổ đau. Những việc này trên thế giới đã làm cả rồi. Nhưng việc nhận diện những khổ đau trong bản thân ta và quán chiếu vì sao chúng có mặt thì chưa nói tới. Điểm yếu của con người hiện tại là trốn tránh khổ đau của chính mình. Ta có những nỗi khổ niềm đau nhưng ta không có can đảm để nhận diện, để trở về, để quán chiếu, mà ta lại khỏa lấp niềm đau bằng cách tiêu thụ, bằng cách sử dụng âm nhạc, báo chí, tiểu thuyết và internet. Ta sử dụng những thứ đó không phải vì ta thực sự cần, mà chỉ vì ta không muốn tiếp xúc với khổ đau trong tâm ta. Ta đã không thực tập chữ Tiếp. Ta muốn tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống nhưng ta cũng phải tiếp xúc với những khổ đau của bản thân. Ta phải tìm cho ra được gốc rễ của những nỗi khổ niềm đau trong chính ta. Và khi hiểu được nỗi khổ niềm đau của chính mình rồi thì ta mới thấy được phương pháp diệt trừ. Cũng như hiểu được những khổ đau của ta rồi thì ta sẽ không làm cho người khác khổ đau nữa. Đây là điểm thiếu sót của giới này mà ta phải tu chỉnh lại.
Hiện giờ vấn đề về cái nhìn lưỡng nguyên là một trở ngại lớn. Điều đó không những trong chính trị, trong xã hội, trong tâm lý mà ngay trong khoa học cũng bị kẹt. Cho nên trong giới thứ nhất, ta phải đưa vào tuệ giác bất nhị. Tuệ giác bất nhị đánh tan được sự kỳ thị, sự cố chấp, sự phân biệt. Trong Năm giới ta đã làm được chuyện này. Năm giới hiện nay giống như Bồ tát giới. Chỉ cần thực tập Năm giới thôi là đã có hạnh phúc rất nhiều rồi, đã có thể là một vị Bồ tát rồi. Giới Tiếp Hiện ban đầu được thành lập là một hình thức của giới Bồ tát. Trong truyền thống Việt Nam, khi các thầy, các sư cô nhận giới Ba la đề mộc xoa là phải nhận thêm giới Bồ tát. Nhưng nhận giới Tiếp Hiện thì không cần nhận giới Bồ Tát nữa bởi vì giới Tiếp hiện chính là giới Bồ tát hiện đại của chúng ta.
Trong bốn mươi lăm năm hành đạo và thuyết pháp, Bụt đã thay đổi rất nhiều phương pháp giảng dạy và hành trì. Chúng ta cũng phải vậy. Bánh xe pháp mỗi ngày một đi tới. Hơn ba mươi năm qua, cách hành đạo của Làng Mai chứng tỏ rằng chúng ta luôn đi tới, luôn phát kiến những pháp môn mới, những cách giảng dạy mới có ích lợi hơn, có hiệu quả hơn. Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, mỗi năm người ta đều chế tạo ra những máy tính mới, những software mới. Về phương diện giáo dục cũng vậy, mỗi năm có những sách giáo khoa mới. Đạo Bụt cũng thế, phải có những tiến bộ, phải đẩy bánh xe tiến hóa đi về phía trước thì đạo Bụt mới có thể đóng được vai trò lãnh đạo tâm linh. Những cái này dòng tu Tiếp Hiện phải biết, phải biết ta đang đi phía trước, ta phải đẩy bánh xe đi tới và chư Bụt, chư Tổ đang trông chờ ta làm chuyện đó.
Đi như một dòng sông
Chúng ta có rất nhiều Phật sự phải làm và chúng ta phải làm những Phật sự đó trong tinh thần tu tập, coi đó như là đối tượng của sự tu học của ta chứ không phải là công việc. Chúng ta phải có niềm vui khi làm những chuyện đó. Chúng ta phải có năng lượng, phải có sức sống của chánh pháp. Tới tuổi này mà tôi vẫn còn đầy năng lượng, vẫn tiếp tục dịch kinh và tôi nghĩ rằng càng ngày kinh tôi dịch càng dễ hiểu hơn. Tôi có rất nhiều niềm vui trong khi dịch kinh, trong khi giảng dạy, trong khi thực tập, trong khi đi thiền, trong khi hướng dẫn tu tập. Vấn đề ở đây là vấn đề năng lượng. Nếu ta cảm thấy không có năng lượng là vì ta thiếu nguyện lực. Muốn làm cái gì đó cho quê hương, cho đất nước, ta phải có lý tưởng, phải có một nguyện lực, phải có một niềm tin. Người nào trong chúng ta, xuất gia hay tại gia, mà không thấy hăng hái lắm trong sự tu học, không chịu học, không chịu tu là do người ấy thiếu sức sống của chánh pháp, thiếu nguyện lực, thiếu một khối lửa trong trái tim. Mỗi người Tiếp Hiện phải có một khối lửa trong trái tim, nó cung cấp sức sống, nó đẩy ta đi tới. Cái đó không phải là danh lợi, không phải là địa vị mà là tình thương lớn, là nguyện lực lớn để trở thành sự tiếp nối xứng đáng của Bụt, của Tổ, của Thầy. Và chúng ta không làm chuyện đó như một cá nhân, chúng ta đang thực hiện nguyện lực lớn ấy như một tăng thân, như một dòng sông.
Đạo Bụt mà chúng ta thực tập ở Làng Mai là sự tiếp nối của đạo Bụt đó, đạo Bụt dấn thân, đạo Bụt đi vào cuộc đời, đạo Bụt với tâm nguyện chữa trị những vết thương hiện có của con người thời đại, đạo Bụt với tâm nguyện tìm ra một lối thoát cho những khổ đau có thật của chúng ta chứ không phải là thứ đạo Bụt tìm sự trốn tránh những khó khăn và đau khổ của cuộc đời.
Các vị Tiếp Hiện sau lễ truyền giới tại Làng Mai Thái Lan
(Biên tập từ các bài pháp thoại ngày 06-07 tháng 05 năm 2008 tại Hà Nội, Việt Nam và pháp thoại ngày 11 tháng 06 năm 2010 tại Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu, Đức của Sư Ông Làng Mai.)
No comments:
Post a Comment