Thursday, March 14, 2024

Đặc điểm địa lý ảnh hưởng như thế nào đến tính cách địa phương, dân tộc?

 http://vpdf.org.vn/tin-tuc-su-kien/chinh-tri-xa-hoi/dac-diem-dia-ly-anh-huong-nhu-the-nao-den-tinh-cach-dia-phuong-dan-toc-.html

Đặc điểm địa lý ảnh hưởng như thế nào đến tính cách địa phương, dân tộc?

Người ở đâu thì tính cách đấy. Đó là nếp nghĩ truyền thống của dân Việt. Và đó cũng là ý nghĩa mà nhà khoa học Nga Aleksandr Fedorov, PTS Địa chất khoáng vật học, đã tìm ra trong nghiên cứu của mình về ảnh hưởng của đặc điểm địa chất tại các địa phương tới tính cách các cư dân sở tại. Nói theo một danh ngôn cổ, nếu tôi biết được bạn quê ở đâu, tôi sẽ đoán được bạn là người thế nào.

 

Đặc điểm địa lý ảnh hưởng như thế nào đến tính cách địa phương, dân tộc?

Theo thuyết của PTS Fedorov, yếu tố địa lợi đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành các đặc điểm dân tộc. Nói một cách hình ảnh, nếu người Nga ngay từ đầu đã được cư trú tại vùng đất đang là lãnh thổ của nước Đức hiện nay thì hẳn bây giờ họ cũng có tính kỷ luật thép và nghiêm ngắn trong mọi chuyện như dân Đức. Và nếu họ sống ở “hòn đảo sương mù” thì bây giờ họ cũng có được cái tính gọi là “phớt ănglê” như các thần dân của nữ hoàng Elizabeth II…

Khu vực xung đột

Theo tạp chí Nga Itogi, khu vực được nhà khoa học Nga lựa chọn để làm đối tượng nghiên cứu và đưa ra giả thuyết của mình là châu âu. PTS Fedorov đã lưu tâm tới việc, những hiện tượng hiếu chiến và lũng đoạn tâm lý quần chúng rõ nét nhất thường thấy xuất hiện ở những vùng có hoạt động mạnh về địa chất nhất. ở “lục địa cũ” tồn tại hai điểm như thế: đó là vùng Địa Trung Hải và khu vực lòng chảo Tây âu với những vết nứt và vết gãy sâu dài trong lớp vỏ địa chất của trái đất.

PTS Fedorov nhận xét: “Tại vùng Địa Trung Hải mức độ hoạt động về địa chất không đều nhau mà thay đổi tùy theo từng địa phương, tăng dần theo hướng phía những khu vực đứt gãy, tại những nơi lớp vỏ địa chất của trái đất và thạch quyển mỏng. Những địa điểm với mức độ hoạt động kiến tạo cao có Hy Lạp, Serbia, Macedonia, Albania, Montenegro, Croatia, Bosnia, Thổ Nhĩ Kỳ, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha”.

Chỉ cần nhìn vào lịch sử thời hiện đại, thì cũng có thể thấy rằng, chính những sự kiện xảy ra ở trên bán đảo Balkan đã dẫn tới bùng nổ cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất tháng 7/1914. Và nếu nhìn sâu hơn vào quá khứ, cũng chính ở khu vực này từng xuất hiện những đế quốc hùng hậu như La Mã và Byzantine từng tạo ra những ảnh hưởng khổng lồ tới lịch sử nhân loại, kể cả bởi những hành vi vô cùng tàn bạo.

Tại khu vực khác của châu Âu là vùng lòng chảo với các quốc gia như Đức, Pháp, Bỉ, Luxembourg, Đan Mạch, nam Na Uy. Từ khu vực lãnh thổ Đan Mạch, miền bắc nước Đức, miền nam Na Uy và miền nam Thụy Điển đã bắt đầu các cuộc hành binh cướp phá của người Varangian-Viking. Và cũng chính ở khu vực này ở châu âu trong lịch sử đã xảy ra không chỉ một vụ lũng đoạn tâm lý quần chúng. Thí dụ như những cuộc thập tự chinh. Cuộc thập tự chinh thứ nhất, khởi đầu vào tháng 9/1095, sau bài thuyết giảng tại Clermont (miền nam nước Pháp) của Giáo hoàng Urban Đệ nhị, kêu gọi giới quý tộc dấy binh vào Đất Thánh. Clemont nằm trong cái gọi là vùng trũng Limansk được hình thành do những đứt gẫy địa chất. Rồi cuộc hành binh của những người nghèo từ Cologne năm 1096 và cuộc thập tự chinh của trẻ em năm 1212. Theo nhà nghiên cứu Fedorov, hai sự kiện này nảy sinh ở khu vực thuộc cái gọi là vùng trung hạ sông Rhine…

Nhìn chung, chính ở những địa phương nằm trong vùng hoạt động địa chất cao này đã xuất hiện phong trào giành lại “quan tài của Chúa”, bành trướng đạo Thiên chúa, chiếm lĩnh phương Đông “Drang nach osten”, chủ nghĩa Bonaparte…

Đi sâu vào tìm hiểu theo hướng này, PTS Fedorov đã để ý đến “khu vực xung đột á – âu” mà các nhà chính trị học vẫn đề cập tới, trải dài từ Anh quốc tới Indonesia, trong khu vực tan rã mạnh giữa các mảng vỏ địa chất của trái đất và nguy cơ động đất cao, thuộc vùng gọi là áo choàng nóng. Các nhà khoa học xác định những điểm đã tăng nhiệt độ của áo choàng này theo tốc độ sóng địa chấn tràn qua chúng. Tốc độ đó càng cao thì có nghĩa là áo choàng càng nóng và các quá trình thay đổi địa chất càng diễn ra mạnh mẽ hơn. Tại các khu vực của áo choàng nóng là những địa danh đã hoặc đang gắn với chiến sự và xung đột như Afghanistan, Pakistan, Cápcadơ, Balkan, Palestine, Ethiopia, Sudan, Yemen, Somalia, Tây Tạng, Myanmar, Indonesia, Guatemala, Nicaragua, El Salvador…

Tuy nhiên, một khi tồn tại áo choàng nóng thì đối trọng với nó phải là một áo choàng mát nào đó, nơi các điều kiện địa chất yên ổn ơn và nhờ thế, diễn tiến lịch sử của các dân tộc sống tại đó cũng bình an hơn.

Đất lành chim lành

PTS Fedorov cho rằng, những dân tộc ở châu âu được sống tại các địa phương có điều kiện địa chất ngon lành thì thường là có tính cách nhu thuận hoặc có thiên hướng nhu thuận. Nhà nghiên cứu người Nga này đưa vào nhóm này các cư dân trên “hòn đảo sương mù”, các dân tộc sống ở vùng đồng bằng Trung Âu, Nam Mỹ và Bắc Mỹ, các vùng châu thổ châu Á… Để củng cố thêm luận điểm của mình, PTS Fedorov đã đưa ra so sánh hai dân tộc sống ở những vùng có điều kiện địa chất khác nhau. Đó là người Anh và người Đức.

Theo PTS Fedorov, người Anh thường là có chữ Nhẫn rất lớn, biết mỉm cười tiếp nhận ngay cả những chuyện buồn và thần kinh vững như thép. Không ngẫu nhiên mà biệt danh “bà đầm thép” lại được đặt cho trước hết là cựu nữ Thủ tướng Anh Margaret Thacher! Chính những người Anh điềm đạm, duy lý và “phớt ănglê” trong suốt lịch sử của mình chẳng mấy khi vùng lên làm những cuộc nổi dậy mạnh mẽ chống lại chính quyền.

PTS Fedorov nhận xét: “Tính cách người Anh đồng nhất với các đặc điểm địa chất của vùng lãnh thổ mà ở đó, nền văn hóa của họ đã hình thành. Nước Anh nằm ở khu vực áo choàng lạnh với vỏ địa chất của trái đất dày tới 32-38km”.

Người Đức khác với người Anh rất dễ bị kích động, có thiên hướng thích thú nương theo những tư tưởng huyền bí và “vĩ đại”, ưa chuộng sự trật tự và kỷ cương. Tất cả những nét tính cách này đã được bộc lộ cực rõ trong các cuộc thập tự chinh man rợ, trong giai đoạn Cải cách Kháng cách thế kỷ 16, cuộc chiến tranh nông dân 1524-1526 và trong hai cuộc chiến tranh thế giới ở thế kỷ 20. Nước Đức khác với nước Anh nằm ở khu vực có những hoạt động địa chất mạnh với độ dày của vỏ trái đất khoảng 24-30 km. Trên lãnh thổ nước Đức có hai núi lửa từ thế Helocen (thế Toàn Tân) và có nguy cơ động đất cao bất thường so với khu vực Bắc Âu và Trung Âu.

Những vụ lũng đoạn tâm lý quần chúng lớn nhất đã xảy ra tại các địa phương thuộc vùng vỏ trái đất mới kéo căng ra. Một trong những vụ như thế là cơn cuồng si của chủ nghĩa phát xít ở nửa đầu thế kỷ 20, dẫn tới bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ hai từ năm 1939 tới năm 1945.

PTS Fedorov cho rằng, kết cục đã có của Chiến tranh thế giới thứ hai với thắng lợi thuộc về phe Đồng minh chủ yếu là nhờ sự đóng góp của tính cách Nga, được hình thành chủ yếu cũng từ các yếu tố địa chất của nước Nga. Lãnh thổ Nga nằm ở khu vực không có những đứt gãy đương đại và nhiệt độ của áo choàng ở trong ranh giới tối ưu. Vì thế, tính cách Nga nhìn từ một góc độ có thiên hướng cẩn trọng trong các quyết định và nhìn từ góc độ khác, không quá giáo điều và chuẩn mực đối với kỷ cương và mệnh lệnh, ngược hẳn với người Đức. Chính tính cách đó, theo PTS Fedorov, đã giúp người Nga chiến thắng trong các cuộc chiến.

Nhà nghiên cứu Nga Fedorov cũng đã tìm ra được lý giải cho thế giới Hồi giáo mà hiện nay, không ít người cho rằng đang rất “nóng đầu” trong những xung đột với nền văn minh phương Tây. Tại các quốc gia Hồi giáo sống trong các khu vực có hoạt động địa chất mạnh hiện có tới gần 54% tín đồ đạo Hồi. Khu vực lãnh thổ này cũng chiếm tới 68% tổng lãnh thổ của các quốc gia Hồi giáo trên trái đất.

Theo PTS Fedorov, chính vì lý do đó nên đã xuất hiện định kiến không hẳn đúng cho rằng Hồi giáo có vẻ như là một tín ngưỡng “máu nóng”. Thực ra, không phải ở đâu các tín đồ Hồi giáo cũng hung hăng. Lấy thí dụ như các nước cộng hòa tự trị nằm trong lãnh thổ Nga như Tatarstan hay Bashkiria. Đây là hai khu vực được coi là yên ổn nhất nước Nga dù đại đa số các cư dân ở đó là tín đồ Hồi giáo. Lý do ở đây có thể là vì hai nước cộng hòa này nằm ở khu vực áo choàng lạnh, khác với Chesnia, Dagestan hay Ingushetia…

Yếu tố X

Trong nghiên cứu mới công bố của mình, PTS Fedorov mới chỉ đề cập tới một phần nhỏ trong giả thuyết về những nguyên nhân dẫn tới tính hiếu chiến ở con người nhìn từ góc độ địa chất học. Ông đã đưa ra một khái niệm mới là “yếu tố địa chất chưa rõ” (yếu tố X). Yếu tố này có thể liên quan tới những xung động của từ trường tại các khu vực đứt gãy và giao tiếp của các tầng địa chất, đặc biệt là trong thời gian diễn ra các cơn sóng từ. Không loại trừ là, con người cũng chịu ảnh hưởng của các xung động điện từ và cái gọi là các dòng địa điện xuất hiện trong các vụ động đất và núi lửa phun… Khoa học đã biết tới trường hợp các loài động vật cảm nhận được trước các dấu hiệu của thảm họa sắp xảy ra ở khoảng cách tới hơn 240 km.

Theo lời của PTS Fedorov, trong phòng thí nghiệm các nhà nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm phá hủy đá hoa cương, cẩm thạch, bazalt. Và máy đo đã ghi lại các xung động điện từ cũng như sóng âm thanh tỏa ra và cách phản ứng của những con vật tham gia thí nghiệm. Hóa ra là các con vật đó đã bắt đầu có những phản ứng tương thích trước khi nhận được trực tiếp các xung động khá lâu. Và trong huyết tương của các con vật đó đã giảm tỉ lệ adrenaline, chứng tỏ sự suy giảm cảm nhận mối nguy hiểm, và gia tăng tỉ lệ noradrelaline, chịu trách nhiệm về độ năng động và phản xạ của hệ thần kinh. Cơ thể sống coi sự xuất hiện của các nguồn năng lượng dưới lòng đất, những thay đổi cơ cấu vỏ trái đất và nhiều hiện tượng tự nhiên khác như một mối nguy hiểm và lập tức khởi động các hệ thống tự bảo vệ sinh tồn, kể cả tính hiếu chiến. Đó cũng chính là bản chất của con người

No comments:

Post a Comment

lục ngôn - tứ ác

 https://www.facebook.com/huynhchuonghung/posts/pfbid0381D3bHDo4aiQyoCcNtMY1t6725kaZdvVAF1SgLVxucHARx1uFAzz59pbfzye7kKcl?__cft__[0]=AZVwouez...