Monday, December 11, 2023

Trí tuệ “Thiên nhân hợp nhất” trong Chu Dịch

 https://trithucvn.co/van-hoa/3-cau-noi-la-thien-co-trong-chu-dich.html

Chu Dịch hợp thành bởi Dịch Truyện và Kinh Dịch, được Nho gia tôn là bộ kinh đứng đầu trong Ngũ Kinh, là sự ghi chép tổng hợp về những thành quả trên phương diện thuật số tu luyện của các nền văn minh đi trước. Trong đó Bát Quái có từ thời Phục Hy, Tiên Thiên Bát Quái có từ thời Đại Vũ, Hậu Thiên Bát Quái có từ thời Chu Văn Vương, những điều này tạo nên Kinh Dịch, rồi sau đó thêm vào phần lý giải Dịch truyện, tất cả được Khổng Tử tổng hợp ghi chép.


Chu Dịch cũng là một trong “tam đại kỳ thư”, tức ba cuốn sách quý hiếm thời thượng cổ. Tư tưởng cốt lõi của Chu Dịch không ly khai khỏi ba chữ “Thiên, Địa, Nhân”.


Theo lý giải về tri thức Thiên văn của chúng ta hiện nay mà nói thì Thiên chính là bầu trời, các vì sao trong vũ trụ; Địa chính là chỉ địa cầu; Nhân chính là người sống trên địa cầu này. Mỗi một thời khắc, địa cầu đều mang theo nhân loại vận động. Thái dương hệ mang theo địa cầu vận động trong hệ ngân hà, hệ ngân hà lại vận động trong vũ trụ… Cổ nhân ý thức được rằng sự vận động của Trời Đất là có ảnh hưởng cảm ứng đối với nhân thể. Cho nên người cần phải thuận theo đạo của Trời Đất mà sinh tồn thì mới có thể thông thuận, phát triển. Điều này được thể hiện rõ nét ở 3 câu nói vừa là đạo lý, vừa là thiên cơ, vừa lại dễ dàng hiểu được trong Chu Dịch.


Câu thứ nhất

Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức. Địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật.


Tạm dịch:

Trời vận động mạnh mẽ, người quân tử nên cố gắng không ngừng. Đất có tính nhu hòa, người quân tử lấy đức dày để nâng đỡ vạn vật.


Câu nói này nói rõ nhất việc người ta cần phải sống thuận theo Trời Đất. Thiên Thể vận động vĩnh hằng không ngừng, cho nên người sống hạnh phúc ở chỗ khỏe mạnh, sinh sôi, phát triển. Trái đất giống như người mẹ của người, dưỡng dục nhân loại và động thực vật trên trái đất. Nhân loại cũng nên như vậy, cần phải có đức dày để nâng đỡ vạn vật.


Người quân tử xem việc chăm lo cho thiên hạ muôn dân là trách nhiệm của mình, dùng phẩm cách đứng đắn và nhân cách cao thượng mà cảm hóa người khác, cùng với người khác đi trên một con đường làm việc thiện, khiến cho tất cả đều hướng về chính đạo Luật Trời. Cho nên thời cổ đại, người ta kính Trời kính Thần, an phận và hiểu mệnh, tích đức làm việc thiện. Nho, Phật, Đạo đều nhắc nhở mọi người tin vào Thần linh, kính trọng Trời, theo Thiện tích Đức, biết cảm ơn và báo đáp, mới có được hạnh phúc chân chính, mới có thể được Thiên thượng che chở.


Đạo Trời là vĩnh hằng không thay đổi, hành vi của con loài người cần phải phù hợp với đạo Trời, cần phải “Quan thiên chi đạo, chấp thiên chi hành” (Nhìn xem Đạo Trời, hành động thuận theo Trời), mới có thể chung sống hòa hợp với tự nhiên đất trời, thiên hạ mới được thanh bình hạnh phúc và tồn tại dài lâu. Bậc thánh hiền quân tử đạo đức cao thượng, những người tu luyện am hiểu và thực hành chân lý, đều luôn thuận theo ý Trời mà hành động.


Câu thứ hai

Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương.


Tạm dịch:


Nhà tích chứa điều thiện tất có dư phúc; nhà tích chứa điều ác tất có dư họa.


Rất nhiều người ngày nay chỉ nhìn cái lợi trước mắt mà quên trách nhiệm mình cần đảm đương, chỉ vì lợi mà không điều ác nào không làm. Chu Dịch nói cho chúng ta biết rằng thế giới này là âm dương tương hỗ, âm dương thống nhất, âm dương biến hóa, bởi vậy phúc họa biến chuyển khó lường. Tuy vậy cái khó lường này là có quy luật, không phải là vô duyên vô cớ.


Lòng người hướng thiện chính là phù hợp với đạo vận hành của Trời Đất. Cái gọi là thiện ở đây chính là giúp đỡ, là bao dung với người khác, là sự hài hòa với hoàn cảnh với ngoại vật. Tích thiện chính là tích lũy sự thiện lương cho nhân tính. Người tích lũy lương thiện, tích lũy dương đức sẽ sống hài hòa, hạnh phúc, còn người vô đức tất sẽ bị Trời Đất Thần linh trừng phạt. Đây là đạo lý, không phải ý chí của người ta mong muốn mà được.


Câu thứ ba

Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu.


Tạm dịch:


Sự vật phát triển tới cực điểm, khi cùng tận thì tất phải biến hóa, sau khi biến hóa liền thông đạt, nhờ thông đạt mà được dài lâu.


Trời Đất vận động biến hóa không ngừng. Khi sự vật đi đến cực hạn thì tất sẽ sinh ra biến hóa. Cực thịnh tất suy, suy tận tất thịnh. Người sáng suốt sẽ biết được độ cực hạn của sự vật, sự việc mà có cách ứng biến và dừng lại đúng lúc. Các triều đại trong lịch sử đều là như vậy, nối tiếp nhau ra đời, hưng thịnh và suy tàn.


Bởi vì ý thức được những đạo lý này của Trời Đất mà người xưa làm việc đều tự nhiên hướng thiện. Rất nhiều người có năng lực thời xưa đều giảng “thấp điệu”, khiêm nhường làm người, có thể ứng biến linh hoạt với các loại nguy cơ.


No comments:

Post a Comment

lục ngôn - tứ ác

 https://www.facebook.com/huynhchuonghung/posts/pfbid0381D3bHDo4aiQyoCcNtMY1t6725kaZdvVAF1SgLVxucHARx1uFAzz59pbfzye7kKcl?__cft__[0]=AZVwouez...