Monday, November 28, 2022

THÁNH NHÂN VÀ CÁI NHÂN CỦA THÁNH

 https://www.facebook.com/binh.nguyen.thanh/posts/pfbid0pmPc2YT6d7KFQ27EmjDdVhAj9v3ncMP5JXgBs2dUk7cCtLMPNS5ZjWvsCuCtzk9Ll

(Toàn văn tham luận của tôi tại Hội thảo khoa học quốc tế tại Quy Nhơn, Việt Nam, chủ đề Di sản lịch sử văn hóa Việt Nam và cải biên điện ảnh)
Tôi luôn cảm thấy bối rối khi có ai đó hỏi mình: tại sao anh không làm phim về lịch sử?
1 - Bối rối vì nhiều lẽ. Lẽ đầu tiên là… tiền đâu. Phim về lịch sử, đặc biệt là vào thời phong kiến đòi hỏi một ngân sách khổng lồ cho nghiên cứu, trang phục, bối cảnh. Người xưa không lái xe Lead ra trận, không phóng Mercedes đi thương thảo. Họ đi ngựa. Thậm chí có những vị anh hùng cưỡi voi. Nhưng ngựa của Việt Nam thấp và lùn, lại không biết đóng phim. Chĩa máy quay và ánh sáng vào là nó sợ hãi, số cảnh quay được e sẽ ít hơn số lần diễn viên chính phải đi chấn thương chỉnh hình. Mỗi khi nghĩ về đại cảnh, những nhà làm phim đều cảm thấy tim đập chân run, vì một cảnh đại chiến thôi có khi bằng tổng ngân sách của ngành phim Việt Nam trong cả năm.
Thử hình dung về trận đại chiến Bình Lệ Nguyên trong cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất: đoàn thiết kỵ của Mông Cổ lao vào đoàn tượng binh của nhà Trần. Một con ngựa diễn viên đã khó, tìm đâu ra hàng ngàn con, rồi tìm đâu ra hàng trăm con voi, và phải làm cho chúng ra dáng voi chiến, chứ không phải voi lấy mía của du khách trong Sở Thú! Một bài toán khổng lồ về sản xuất.
Đấy là tôi chỉ mới nghĩ về Bình Lệ Nguyên, chứ chưa dám nghĩ đến trận Bạch Đằng Giang bất tử. Thật thèm thuồng khi nhìn các nước xung quanh tái hiện lại những trận thủy chiến oai hùng trong lịch sử nước họ. Trung Quốc làm cả thế giới sửng sốt khi làm Xích Bích. Thấy Xích Bích của Trung Quốc hoành tráng, Hàn Quốc làm Đại Thủy Chiến (The Admiral: Roaring Currents, nói về cuộc chiến chống xâm lược Nhật Bản). Xem Đại Thủy Chiến, người Hàn Quốc tự hào về tiền nhân, con người nước ngoài thì gật gù khâm phục. Trình độ làm phim của Hàn Quốc đã vượt lên với tốc độ tên lửa. Họ đã giải quyết xong vấn đề “đầu tiên”. Kinh phí làm Đại Thủy Chiến vào khoảng 18,6 triệu USD (tương đương 437 tỷ đồng Việt Nam. Để đối chiếu: bộ phim được xem là có kinh phí lớn nhất trong lịch sử điện ảnh thương mại ngắn ngủi của Việt Nam – phim Em và Trịnh - chỉ chạm mốc 2 triệu USD). Và dù đã trình làng từ năm 2014, đến nay Đại Thủy Chiến vẫn là phim ăn khách nhất qua mọi thời đại của Hàn Quốc (thu về 112 triệu USD toàn cầu). Những bộ phim lịch sử luôn chạm được vào những tầng rất sâu trong vô thức con người.
2 - Lẽ thứ hai là sự nhạy cảm về mặt chính trị. Lịch sử Việt Nam được viết nên bởi máu của tiền nhân. Nói đến Việt Nam, cảm thức đầu tiên bật lên là chiến tranh. Chúng ta đánh ngoại xâm và đánh… lẫn nhau. Những cuộc lật đổ triều đại, những cuộc chiến đấu giữ nước, những cuộc chiến để mở mang bờ cõi là kho tàng vô tận cho phim ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung. Trên thế giới, có lẽ hiếm có quốc gia nào có kinh nghiệm chiến tranh phong phú như Việt Nam. Ta đánh nhau từ khi có khái niệm về đất nước. Vua Hùng đánh tan giậc Ân, An Dương Vương cướp ngôi của Vua Hùng, Triệu Đà cướp ngôi của An Dương Vương rồi ta mất nước về tay nhà Hán, bước vào thời kỳ một ngàn năm bắc thuộc. Lửa chiến tranh đã thiêu đốt đất nước thương đau này trong suốt mấy ngàn năm. Việt Nam có lẽ là quốc gia có kinh nghiệm thực chiến nhất thế giới, ta đã đánh nhau với rất nhiều các quốc gia từ đông sang tây, Đồng Minh và Phát Xít đánh nhau trong chiến tranh thế giới thứ hai, ta lần lượt đánh nhau với… cả hai phe đó. Mảnh đất này có DNA của Trung Quốc, Lào, Thái, Campuchia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Mông Cổ…
Nhưng đây là thời bình, ta ngại khơi dậy những vết thương, từ những vết thương cũ cho tới những vết thương vừa mới liền da. Ta muốn làm bạn với thế giới, ta đánh nhau để giữ hòa bình, giờ hòa bình rồi, ta ngại động chạm Pháp, sợ làm Mỹ buồn, sợ Thái tủi thân, sợ Hàn nghỉ chơi và sợ Trung Quốc giận. Các nhà làm phim nói với nhau rằng để làm phim về lịch sử: cách dễ nhất là làm phim về thời nhà Trần, vì ngày ấy ta không đánh nhau với Trung Quốc mà đánh Mông Cổ, và nhà Tống thời gian đó là đồng minh của nước ta. Không động chạm đến Trung Quốc, ấy đã là một lợi thế trong… kiểm duyệt rồi. Nhưng thỉnh thoảng tôi tự hỏi: mình sợ tất cả bạn bè giận mình, sao mình lại chừa… Mông Cổ ra? Kiểm duyệt đóng vai trò gì ở đây?
3 – KIỂM DUYỆT thực sự là một vấn đề lớn trong hành trình làm phim lịch sử nói riêng và tiếp cận lịch sử nói chung ở nước ta. Cái kiểm duyệt làm tôi lo nhất không đến từ cấp độ quản lý nhà nước (đó là việc mà họ phải làm) mà từ chính ở mỗi người chúng ta. Từ góc độ những người làm phim, chúng tôi đã tự kiểm duyệt mình. Khi khởi đầu một dự án lịch sử, những người làm sáng tạo đã tự hạn chế mình bởi những câu hỏi lớn nêu trên, vấn đề “đầu tiên”, những nhạy cảm về chính trị và cuối cùng là hệ thống kiểm duyệt vẫn còn quá nhiều định tính và quá ít định lượng. Vậy thì làm sao mà… sáng tạo được.
Một hôm tôi ngồi xuống và tự hỏi: vậy có ai là không có cơ chế tự kiểm duyệt không? Hình như là không. Chúng ta đặt tiền nhân lên bệ thờ và từ ấy có luôn một định nghĩa, một khái niệm, một hình ảnh nhất thành bất biến trong đầu mình về tiền nhân ấy. Họ đều là những thánh nhân có công với dân tộc. Nhưng ta chỉ nhìn vào chữ “thánh” mà quên mất chữ “nhân”. Ta quên mất Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thiếp, Lê Lợi, Lê Thánh Tông, Lý Thường Kiệt, Ngô Quyền… cũng là một con người. Họ cũng là con của một ai đó, là chồng/cha/anh/em của một ai đó. Chúng ta quên họ từng là một đứa trẻ, chúng ta quên họ cũng có những sai lầm, những ấu trĩ, những nỗi sợ, những tổn thương tâm lý, những khao khát, dục vọng trên hành trình từ nhân thành thánh của mình.
Để hóa thánh, một nhân vật phải trải qua tất cả trầm luân của một kiếp người. Để khi biết buông bỏ, biết hy sinh, biết vị chúng sinh, biết hy sinh tự ngã họ mới trở thành vị Thánh. Hành trình ấy thật đẹp biết bao, hấp dẫn biết bao và ngập tràn cảm hứng biết bao. Tất cả những cuốn sách self-help và những cuốn tự truyện thực ra chỉ có một nội dung duy nhất mà thôi:
- Tôi đã tầm thường như thế nào và đã phấn đấu ra sao để có thành công hôm nay!
Đặng Lê Nguyên Vũ chẳng thể truyền cảm hứng cho ai nếu anh không kể câu chuyện người sinh viên y khoa chật vật khởi nghiệp. Steve Job truyền cảm hứng gì cho chúng ta nếu ông không trải qua quãng thời gian thất bại, bị mọi người hoài nghi, bị đối tác từ khước? Hay Đức Phật, triết lý thấu triệt của ngài sẽ chạm được vào ai nếu ngài vừa sinh ra đã lập tức giác ngộ. Sự giác ngộ ấy phải đến từ sự trầm luân, đau khổ. Nó phải đến từ sự mất đi. Ngài phải bỏ ngai vàng, bỏ địa vị, bỏ sự giàu sang, bỏ gia đình, bỏ tất cả để bước vào một hành trình anh hùng của riêng mình.
Vậy có bình yên nào không xót xa, có vị Thánh nào chưa từng là Nhân. Hành trình thành Thánh thực chất chính là hành trình thành Nhân đó thôi. Và phải làm cái hành trình ấy thật hay, khán giả mới khóc được, cười được, sợ hãi được, thán phục được, xót xa được. Vì họ phải thấy mình trong nhân vật. Hãy để ý mà xem: ta khóc cho một nhân vật thực ra là ta khóc cho ta đó chứ. Vậy muốn làm phim về một nhân vật càng vĩ đại, phải càng làm cho nhân vật ấy con người nhất có thể. Vậy ta có sẵn sàng chấp nhận chuyện này hay chưa?
4 – Ta có chấp nhận Trần Quốc Tuấn cũng có những lúc hành động rất con người như khi ngài “đập chậu cướp hoa” ngay trong lễ cưới của người khác. Ta có chấp nhận Trần Quang Khải cũng có những nghi kỵ rất con người với Trần Quốc Tuấn? Phải chấp nhận cái “nhân” này, ta mới thấy hành trình của Trần Quốc Tuấn trở thành Trần Hưng Đạo đẹp đẽ biết bao. Một người đàn ông vừa sinh ra đã phải gánh ngay một trách nhiệm nặng tày non từ cha mình: “Con không vì cha mà cướp lại ngai vàng, cha có chết cũng không nhắm mắt”. Một con người văn tài võ lược, trí tuệ hơn người luôn phải sống trong sự nghi kỵ rằng mình có mưu đồ soán ngôi. Một con người đi từ chỗ hành động bừa bãi trong đám cưới người khác (theo định nghĩa của đám đông) trở thành một nhân vật đặt xã tắc lên đầu, trở thành một bề tôi vĩ đại, đặt thù nhà xuống dưới nợ nước. Phải chấp nhận nỗi lòng dằn xé của hai anh em Trần Liễu và Trần Cảnh mới thấy hình ảnh Trần Hưng Đạo và Trần Quang Khải tắm chung thật đẹp. Mọi ân oán đời cha từ nay không cần tính tới nữa. Đời cha ăn mặn, đời con đâu nhất định phải khát nước. Hai con người ghét nhau một hôm thấu triệt lẽ đời, bỏ thù hằn xuống, vì chiến tranh rốt cục để hòa bình mà. Hãy đọc lại những lời Trần Quang Khải đã viết:
- Đoạt sóc Chương Dương Độ
Cầm hồ Hàm Tử Quan
Thái bình tu nỗ lực
Vạn cổ thử giang san
Thái bình và hạnh phúc muốn có cũng phải trải qua rất nhiều nỗ lực. Nếu như Lê Lợi một hôm lấy được thanh gươm của thần Kim Quy bỗng trở thành thiên hạ đệ nhất kiếm, đánh đâu thắng đấy, thanh gươm như một báu vật được trời gửi xuống, giúp ông đánh bại mọi kẻ thù rồi bèn lên làm Vua thì sao? Mọi người có muốn xem một bộ phim như vậy không? Một bộ phim mà ngay từ đầu nhân vật đã tới đích? Hay mọi người sẽ muốn xem một bộ phim mà Lê Lợi phải liên tục gặp thất bại, suýt chết mấy lần, người đầy thương tích. Rồi một hôm ông tìm thấy Nguyễn Trãi, bắt đầu có những thắng lợi đầu tiên. Nhưng con đường phía trước chưa bao giờ dễ dàng, họ vừa chiến đấu vừa kết thêm bằng hữu, rồi Lê Lai xuất hiện, rồi họ thân nhau như huynh đệ, tiếp tục trải qua nhiều trận sinh tử, cho đến một ngày Lê Lai quyết tâm chết thay cho Lê Lợi dù đó là điều Lê Lợi… không hề muốn! Nỗi giằng xé rất người sẽ tạo nên nhân vật hay và một bộ phim hay. Để cuối cùng, thanh gươm của thần Kim Quy không phải là thứ trên trời rơi xuống mà là phần thưởng cho tất cả những nỗ lực, là một ẩn dụ của thành công. Lê Lợi không được trao thanh gươm báu, ông đã chiến đấu để được tưởng thưởng gươm báu. Ta đã chấp nhận nhìn thấy một Lê Lợi tả tơi chưa?
Còn quá nhiều thứ ta chưa chấp nhận. Bởi vì ngay trong đầu ta đã tự vẽ nên những hình ảnh nhất thành bất biến cho các vị tiền nhân. Ai tả khác đi thì đều là vô minh, đều không hiểu biết, đều là kẻ thù lịch sử. Khi nhà nghiên cứu Trần Quang Đức đưa ra một hình ảnh được cho là rất gần với hình ảnh của vua Quang Trung trong lịch sử, đám đông lập tức phẫn nộ. Vì hình ảnh “rất gần với sự thật” ấy hóa ra rất xa với “sự thật theo định nghĩa của tôi”. Họ mạt sát nhà sử học, họ cãi nhau, họ giành thế độc quyền chân lý. Tôi thử làm một bài kiểm tra: Vậy theo mọi người, Vua Quang Trung sẽ có diện mạo ra sao? Câu trả lời tôi nhận được nhiều nhất là… Lý Hùng, bởi vì anh từng thủ vai Quang Trung trong phim “Tây Sơn Hào Kiệt”. Lúc đó tôi cười khổ, không biết nên buồn cho Nguyễn Huệ hay nên buồn cho Lý Hùng.
5 – Và cũng ngay lúc đó, tôi nhận ra sức mạnh của điện ảnh. Nó có thể ghim một ý niệm vào đầu người xem. Hãy nghĩ xem nếu như điện ảnh phát huy tối đa sức mạnh của nó thông qua những câu chuyện lịch sử. Hãy nghĩ về chuyện các học sinh hôm nay nghĩ Nguyễn Huệ và Quang Trung là hai người, hay họ có thể biết Võ Tắc Thiên nhưng hoàn toàn không biết Lý Chiêu Hoàng. Vì sao người Việt thuộc sử Mỹ sử Trung Quốc hơn sử Việt, vì phim lịch sử của Mỹ của Trung Quốc hay hơn phim Việt.
Vì sao hay hơn? Hãy trở lại với câu chuyện “đầu tiên”, hãy quay lại những lo ngại về chính trị và cuối cùng là kiểm duyêt. Những nhà làm phim Mỹ và Trung Quốc dám kể, dám kéo thánh nhân xứ họ xuống khỏi bệ thờ và trao cho họ những câu chuyện làm người. Không biết bao nhiêu góc nhìn được đưa vào nhân vật Tần Thủy Hoàng. Tam Quốc Chí cứ làm đi làm lại và mỗi lần xem ta lại thấy một Tào Tháo khác nhau, một Lưu Bị khác nhau, một Quan Vũ khác nhau. Mỹ cho Abraham Lincoln đánh nhau với ma cà rồng và bầm dập tơi tả.
Điện ảnh không mang sứ mệnh giáo dục, nhưng thông qua điện ảnh, người ta bắt đầu có một thôi thúc tự thân tìm hiểu về lịch sử. Cách duy nhất để đi tới tương lai là hiểu rõ quá khứ, vì hành trình anh hùng là hành trình trở về, với một góc nhìn khác, một cái tôi khác. Thánh Nhân thú vị vì chữ “nhân” chứ không phải chữ “Thánh”. Lịch sử loài người khởi đầu khi những con sapien biết kể chuyện. Chính những câu chuyện đã giúp sapien vươn lên đứng đầu chuỗi thức ăn và tạo ra văn minh. Lịch sử chính là kể chuyện, kể những câu chuyện đã qua, nhưng nói về hôm nay và dự báo về tương lai. Cả thế giới đã cùng nhau kể chuyện của nước họ rồi, bao giờ tới phiên chúng ta kể chuyện nước mình.
Một quốc gia đã đánh bại mọi cường quốc lớn nhất để bảo toàn lãnh thổ trong suốt mấy ngàn năm sở hữu một kho tàng vô giá những câu chuyện để kể cho thế giới. Nhưng những viên ngọc sáng chói ấy đang bị vùi rất sâu bởi quá nhiều những nỗi sợ. Nhưng rồi cũng phải tới lúc vượt qua những nỗi sợ ấy để mở một cánh cửa đối thoại với nhau. Những người làm công tác quản lý đối thoại với nhà làm phim, nhà làm phim đối thoại và lắng nghe khán giả. Bởi ai mà không muốn nghe những câu chuyện hay cơ chứ.
Chỉ đến lúc tất cả mọi người chịu đối thoại với nhau rồi thì tôi tin đó là lúc ta mở một cánh cửa lớn hơn: cánh cửa lịch sử để ta được đối thoại với tiền nhân. Để ta được nghe hành trình từ nhân thành thánh, để ta thấy bất kỳ ai trong chúng ta ở đây đều có thể thành thánh, miễn ta chịu buông bỏ những ích kỷ tầm thường.
Vì Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Yết Kiêu… đã chờ chúng ta trò chuyện từ rất lâu rồi!
May be an image of 1 person, standing and text that says "QUỐC N TRUNG KHOA HỌC VÀ GIÁO DỤC VĂN 0 QUỐC TẾ DI SẢN LỊCH SỬ, CHCHAA) ẢI BIÊN NGHỆ THUẬ IONAL CONVENTION ON HISTOR AND ARTISTIC ADAPTATIO! URAL HERITA NẤ ERTAINMENT iCisE 92THON CISEM -Vietnam"

No comments:

Post a Comment

Tam tài giả, Thiên Địa Nhân

 https://www.dkn.tv/van-hoa/tam-tu-kinh-chon-loc-bai-7-tam-tai-la-thien-dia-nhan.html (1) Vợ Hứa Doãn được xếp thứ tư trong bốn người phụ nữ...