Monday, November 28, 2022

hy vọng tốt hơn lạc quan

 https://vnexpress.net/tai-sao-hy-vong-tot-hon-lac-quan-4541654.html

Mọi người có xu hướng sử dụng hy vọng và lạc quan làm từ đồng nghĩa, nhưng điều đó không chính xác.

Trong một bài báo năm 2004 trên Tạp chí Tâm lý học Xã hội và Lâm sàng, các nhà tâm lý học đã sử dụng dữ liệu khảo sát để phân tích hai khái niệm này. Họ xác định "hy vọng tập trung trực tiếp hơn vào việc cá nhân đạt được các mục tiêu cụ thể, trong khi sự lạc quan tập trung nhiều hơn vào mong đợi kết quả trong tương lai".

Nói cách khác, lạc quan là niềm tin rằng mọi thứ sẽ ổn thỏa; hy vọng không tạo ra giả định như vậy mà tin một người có thể hành động để làm mọi thứ tốt hơn.

Không phải lúc nào hy vọng và lạc quan cũng đi đôi với nhau. Bạn có thể là một người lạc quan vô vọng, cảm thấy bản thân bất lực nhưng cho rằng mọi thứ sẽ ổn thỏa. Bạn có thể là một người bi quan đầy hy vọng, người đưa ra những dự đoán tiêu cực về tương lai nhưng tự tin mình thể cải thiện mọi thứ trong cuộc sống của mình và những người khác.

"Nói một cách đơn giản, người lạc quan tin bằng cách nào đó, như thông qua may mắn, hành động của người khác hoặc hành động của chính một người, họ sẽ có tương lai tốt đẹp. Còn người có hy vọng đặc biệt tin tưởng vào khả năng của bản thân để đảm bảo tương lai tốt đẹp cho mình", các nhà tâm lý học nhân cách Gene Alarcon, Nathan Bowling và Steven Khazon (Mỹ), so sánh.

Một nghiên cứu trên tạp san Báo cáo Tâm lý đã chỉ ra mặc dù cả lạc quan và hy vọng đều làm giảm khả năng mắc bệnh, hy vọng có nhiều sức mạnh hơn. Một báo cáo trên Tạp chí Tâm lý Tích cực năm 2013, các nhà nghiên cứu phát hiện những nhân viên có hy vọng cao có khả năng thành công trong công việc cao hơn 28% và khả năng có một sức khỏe tốt và hạnh phúc cao hơn 44% so với nhân viên lạc quan. Nghiên cứu kéo dài nhiều năm về sinh viên từ hai trường đại học ở Anh cũng cho thấy hy vọng dự đoán thành tích học tập tốt hơn trí thông minh, nhân cách hoặc thậm chí thành tích trước đó.

Các nhà nghiên cứu phát hiện hy vọng mang lại lợi ích hơn lạc quan. Ảnh: Patheos

Các nhà nghiên cứu phát hiện hy vọng mang lại lợi ích hơn lạc quan. Ảnh: Patheos

Vậy chúng ta có thể làm gì để gia tăng hy vọng?

1. Hãy tưởng tượng một tương lai tốt đẹp hơn và nêu chi tiết điều gì khiến nó trở nên như vậy

Khi bạn cảm thấy hơi tuyệt vọng, hãy bắt đầu thay đổi cách nhìn của mình. Ví dụ, giả sử thành phố bạn sống đang phải vật lộn với vấn đề vô gia cư và ngày càng có nhiều người hàng xóm không có nơi nương tựa. Bạn có thể kết luận rằng tình hình rất đáng báo động, nhưng cũng có thể làm được nhiều hơn cho những người hàng xóm và chính bạn, nếu tưởng tượng thành phố của mình ít có người vô gia cư và mọi người đều có chất lượng cuộc sống tốt.

Thay vì đắm mình trong sự lạc quan rồi thành phố sẽ tốt và bỏ mặc nó, hãy lập danh sách các yếu tố cụ thể cần được cải thiện. Ví dụ, giá nhà ở phải chăng, chính sách và quy định công tốt hơn, hoặc quan tâm nhiều hơn đến lạm dụng chất kích thích và các nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần.

2. Hình dung bản thân đang hành động

Nếu bạn để mọi thứ ở bước một và tự thuyết phục bản thân rằng thời điểm tốt hơn đang ở phía trước, bạn sẽ lạc quan nhưng chưa hy vọng. Vì vậy, bước thứ hai trong bài tập này là tưởng tượng bạn đang giúp đỡ để mang lại một tương lai tốt đẹp hơn.

Tiếp tục với ví dụ ở trên, hãy hình dung bạn làm tình nguyện viên tại một bếp ăn từ thiện, ủng hộ các chính sách của chính quyền thành phố hoặc tuyên truyền về hoàn cảnh của người vô gia cư để nhiều người biết hơn. Tránh ảo tưởng mình là vị cứu tinh, mà hãy tưởng tượng giúp đỡ một người thực sự, thuyết phục một nhà hoạch định chính sách hoặc nâng cao lòng trắc ẩn của những người dân.

Bây giờ, được trang bị đầy hy vọng, bạn có thể chuyển sang bước quan trọng nhất.

3. Hành động

Hãy có tầm nhìn rộng mở về tương lai của vấn đề, nhưng cần khiêm tốn trước những gì bạn đóng góp. Hãy thử vài sự giúp đỡ từ góc độ cá nhân bạn. Có thể hành động đầu tiên không khả quan. Lúc này tiếng nói của sự tuyệt vọng bên trong đầu bạn dễ dàng phát tác. Hãy chống lại điều này bằng suy nghĩ rằng việc mình làm không chỉ có tác động, mà mình còn làm nó với tình yêu, sự nhiệt thành thực sự. Cách của bạn sẽ thay đổi trái tim bạn và có thể tác động đến người khác, đặc biệt khi họ thấy động cơ sau những gì bạn đã làm.

Như mẹ Teresa nói: "Đừng tìm kiếm những điều lớn lao, hãy làm những điều nhỏ bé với tình yêu lớn".


THÁNH NHÂN VÀ CÁI NHÂN CỦA THÁNH

 https://www.facebook.com/binh.nguyen.thanh/posts/pfbid0pmPc2YT6d7KFQ27EmjDdVhAj9v3ncMP5JXgBs2dUk7cCtLMPNS5ZjWvsCuCtzk9Ll

(Toàn văn tham luận của tôi tại Hội thảo khoa học quốc tế tại Quy Nhơn, Việt Nam, chủ đề Di sản lịch sử văn hóa Việt Nam và cải biên điện ảnh)
Tôi luôn cảm thấy bối rối khi có ai đó hỏi mình: tại sao anh không làm phim về lịch sử?
1 - Bối rối vì nhiều lẽ. Lẽ đầu tiên là… tiền đâu. Phim về lịch sử, đặc biệt là vào thời phong kiến đòi hỏi một ngân sách khổng lồ cho nghiên cứu, trang phục, bối cảnh. Người xưa không lái xe Lead ra trận, không phóng Mercedes đi thương thảo. Họ đi ngựa. Thậm chí có những vị anh hùng cưỡi voi. Nhưng ngựa của Việt Nam thấp và lùn, lại không biết đóng phim. Chĩa máy quay và ánh sáng vào là nó sợ hãi, số cảnh quay được e sẽ ít hơn số lần diễn viên chính phải đi chấn thương chỉnh hình. Mỗi khi nghĩ về đại cảnh, những nhà làm phim đều cảm thấy tim đập chân run, vì một cảnh đại chiến thôi có khi bằng tổng ngân sách của ngành phim Việt Nam trong cả năm.
Thử hình dung về trận đại chiến Bình Lệ Nguyên trong cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất: đoàn thiết kỵ của Mông Cổ lao vào đoàn tượng binh của nhà Trần. Một con ngựa diễn viên đã khó, tìm đâu ra hàng ngàn con, rồi tìm đâu ra hàng trăm con voi, và phải làm cho chúng ra dáng voi chiến, chứ không phải voi lấy mía của du khách trong Sở Thú! Một bài toán khổng lồ về sản xuất.
Đấy là tôi chỉ mới nghĩ về Bình Lệ Nguyên, chứ chưa dám nghĩ đến trận Bạch Đằng Giang bất tử. Thật thèm thuồng khi nhìn các nước xung quanh tái hiện lại những trận thủy chiến oai hùng trong lịch sử nước họ. Trung Quốc làm cả thế giới sửng sốt khi làm Xích Bích. Thấy Xích Bích của Trung Quốc hoành tráng, Hàn Quốc làm Đại Thủy Chiến (The Admiral: Roaring Currents, nói về cuộc chiến chống xâm lược Nhật Bản). Xem Đại Thủy Chiến, người Hàn Quốc tự hào về tiền nhân, con người nước ngoài thì gật gù khâm phục. Trình độ làm phim của Hàn Quốc đã vượt lên với tốc độ tên lửa. Họ đã giải quyết xong vấn đề “đầu tiên”. Kinh phí làm Đại Thủy Chiến vào khoảng 18,6 triệu USD (tương đương 437 tỷ đồng Việt Nam. Để đối chiếu: bộ phim được xem là có kinh phí lớn nhất trong lịch sử điện ảnh thương mại ngắn ngủi của Việt Nam – phim Em và Trịnh - chỉ chạm mốc 2 triệu USD). Và dù đã trình làng từ năm 2014, đến nay Đại Thủy Chiến vẫn là phim ăn khách nhất qua mọi thời đại của Hàn Quốc (thu về 112 triệu USD toàn cầu). Những bộ phim lịch sử luôn chạm được vào những tầng rất sâu trong vô thức con người.
2 - Lẽ thứ hai là sự nhạy cảm về mặt chính trị. Lịch sử Việt Nam được viết nên bởi máu của tiền nhân. Nói đến Việt Nam, cảm thức đầu tiên bật lên là chiến tranh. Chúng ta đánh ngoại xâm và đánh… lẫn nhau. Những cuộc lật đổ triều đại, những cuộc chiến đấu giữ nước, những cuộc chiến để mở mang bờ cõi là kho tàng vô tận cho phim ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung. Trên thế giới, có lẽ hiếm có quốc gia nào có kinh nghiệm chiến tranh phong phú như Việt Nam. Ta đánh nhau từ khi có khái niệm về đất nước. Vua Hùng đánh tan giậc Ân, An Dương Vương cướp ngôi của Vua Hùng, Triệu Đà cướp ngôi của An Dương Vương rồi ta mất nước về tay nhà Hán, bước vào thời kỳ một ngàn năm bắc thuộc. Lửa chiến tranh đã thiêu đốt đất nước thương đau này trong suốt mấy ngàn năm. Việt Nam có lẽ là quốc gia có kinh nghiệm thực chiến nhất thế giới, ta đã đánh nhau với rất nhiều các quốc gia từ đông sang tây, Đồng Minh và Phát Xít đánh nhau trong chiến tranh thế giới thứ hai, ta lần lượt đánh nhau với… cả hai phe đó. Mảnh đất này có DNA của Trung Quốc, Lào, Thái, Campuchia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Mông Cổ…
Nhưng đây là thời bình, ta ngại khơi dậy những vết thương, từ những vết thương cũ cho tới những vết thương vừa mới liền da. Ta muốn làm bạn với thế giới, ta đánh nhau để giữ hòa bình, giờ hòa bình rồi, ta ngại động chạm Pháp, sợ làm Mỹ buồn, sợ Thái tủi thân, sợ Hàn nghỉ chơi và sợ Trung Quốc giận. Các nhà làm phim nói với nhau rằng để làm phim về lịch sử: cách dễ nhất là làm phim về thời nhà Trần, vì ngày ấy ta không đánh nhau với Trung Quốc mà đánh Mông Cổ, và nhà Tống thời gian đó là đồng minh của nước ta. Không động chạm đến Trung Quốc, ấy đã là một lợi thế trong… kiểm duyệt rồi. Nhưng thỉnh thoảng tôi tự hỏi: mình sợ tất cả bạn bè giận mình, sao mình lại chừa… Mông Cổ ra? Kiểm duyệt đóng vai trò gì ở đây?
3 – KIỂM DUYỆT thực sự là một vấn đề lớn trong hành trình làm phim lịch sử nói riêng và tiếp cận lịch sử nói chung ở nước ta. Cái kiểm duyệt làm tôi lo nhất không đến từ cấp độ quản lý nhà nước (đó là việc mà họ phải làm) mà từ chính ở mỗi người chúng ta. Từ góc độ những người làm phim, chúng tôi đã tự kiểm duyệt mình. Khi khởi đầu một dự án lịch sử, những người làm sáng tạo đã tự hạn chế mình bởi những câu hỏi lớn nêu trên, vấn đề “đầu tiên”, những nhạy cảm về chính trị và cuối cùng là hệ thống kiểm duyệt vẫn còn quá nhiều định tính và quá ít định lượng. Vậy thì làm sao mà… sáng tạo được.
Một hôm tôi ngồi xuống và tự hỏi: vậy có ai là không có cơ chế tự kiểm duyệt không? Hình như là không. Chúng ta đặt tiền nhân lên bệ thờ và từ ấy có luôn một định nghĩa, một khái niệm, một hình ảnh nhất thành bất biến trong đầu mình về tiền nhân ấy. Họ đều là những thánh nhân có công với dân tộc. Nhưng ta chỉ nhìn vào chữ “thánh” mà quên mất chữ “nhân”. Ta quên mất Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thiếp, Lê Lợi, Lê Thánh Tông, Lý Thường Kiệt, Ngô Quyền… cũng là một con người. Họ cũng là con của một ai đó, là chồng/cha/anh/em của một ai đó. Chúng ta quên họ từng là một đứa trẻ, chúng ta quên họ cũng có những sai lầm, những ấu trĩ, những nỗi sợ, những tổn thương tâm lý, những khao khát, dục vọng trên hành trình từ nhân thành thánh của mình.
Để hóa thánh, một nhân vật phải trải qua tất cả trầm luân của một kiếp người. Để khi biết buông bỏ, biết hy sinh, biết vị chúng sinh, biết hy sinh tự ngã họ mới trở thành vị Thánh. Hành trình ấy thật đẹp biết bao, hấp dẫn biết bao và ngập tràn cảm hứng biết bao. Tất cả những cuốn sách self-help và những cuốn tự truyện thực ra chỉ có một nội dung duy nhất mà thôi:
- Tôi đã tầm thường như thế nào và đã phấn đấu ra sao để có thành công hôm nay!
Đặng Lê Nguyên Vũ chẳng thể truyền cảm hứng cho ai nếu anh không kể câu chuyện người sinh viên y khoa chật vật khởi nghiệp. Steve Job truyền cảm hứng gì cho chúng ta nếu ông không trải qua quãng thời gian thất bại, bị mọi người hoài nghi, bị đối tác từ khước? Hay Đức Phật, triết lý thấu triệt của ngài sẽ chạm được vào ai nếu ngài vừa sinh ra đã lập tức giác ngộ. Sự giác ngộ ấy phải đến từ sự trầm luân, đau khổ. Nó phải đến từ sự mất đi. Ngài phải bỏ ngai vàng, bỏ địa vị, bỏ sự giàu sang, bỏ gia đình, bỏ tất cả để bước vào một hành trình anh hùng của riêng mình.
Vậy có bình yên nào không xót xa, có vị Thánh nào chưa từng là Nhân. Hành trình thành Thánh thực chất chính là hành trình thành Nhân đó thôi. Và phải làm cái hành trình ấy thật hay, khán giả mới khóc được, cười được, sợ hãi được, thán phục được, xót xa được. Vì họ phải thấy mình trong nhân vật. Hãy để ý mà xem: ta khóc cho một nhân vật thực ra là ta khóc cho ta đó chứ. Vậy muốn làm phim về một nhân vật càng vĩ đại, phải càng làm cho nhân vật ấy con người nhất có thể. Vậy ta có sẵn sàng chấp nhận chuyện này hay chưa?
4 – Ta có chấp nhận Trần Quốc Tuấn cũng có những lúc hành động rất con người như khi ngài “đập chậu cướp hoa” ngay trong lễ cưới của người khác. Ta có chấp nhận Trần Quang Khải cũng có những nghi kỵ rất con người với Trần Quốc Tuấn? Phải chấp nhận cái “nhân” này, ta mới thấy hành trình của Trần Quốc Tuấn trở thành Trần Hưng Đạo đẹp đẽ biết bao. Một người đàn ông vừa sinh ra đã phải gánh ngay một trách nhiệm nặng tày non từ cha mình: “Con không vì cha mà cướp lại ngai vàng, cha có chết cũng không nhắm mắt”. Một con người văn tài võ lược, trí tuệ hơn người luôn phải sống trong sự nghi kỵ rằng mình có mưu đồ soán ngôi. Một con người đi từ chỗ hành động bừa bãi trong đám cưới người khác (theo định nghĩa của đám đông) trở thành một nhân vật đặt xã tắc lên đầu, trở thành một bề tôi vĩ đại, đặt thù nhà xuống dưới nợ nước. Phải chấp nhận nỗi lòng dằn xé của hai anh em Trần Liễu và Trần Cảnh mới thấy hình ảnh Trần Hưng Đạo và Trần Quang Khải tắm chung thật đẹp. Mọi ân oán đời cha từ nay không cần tính tới nữa. Đời cha ăn mặn, đời con đâu nhất định phải khát nước. Hai con người ghét nhau một hôm thấu triệt lẽ đời, bỏ thù hằn xuống, vì chiến tranh rốt cục để hòa bình mà. Hãy đọc lại những lời Trần Quang Khải đã viết:
- Đoạt sóc Chương Dương Độ
Cầm hồ Hàm Tử Quan
Thái bình tu nỗ lực
Vạn cổ thử giang san
Thái bình và hạnh phúc muốn có cũng phải trải qua rất nhiều nỗ lực. Nếu như Lê Lợi một hôm lấy được thanh gươm của thần Kim Quy bỗng trở thành thiên hạ đệ nhất kiếm, đánh đâu thắng đấy, thanh gươm như một báu vật được trời gửi xuống, giúp ông đánh bại mọi kẻ thù rồi bèn lên làm Vua thì sao? Mọi người có muốn xem một bộ phim như vậy không? Một bộ phim mà ngay từ đầu nhân vật đã tới đích? Hay mọi người sẽ muốn xem một bộ phim mà Lê Lợi phải liên tục gặp thất bại, suýt chết mấy lần, người đầy thương tích. Rồi một hôm ông tìm thấy Nguyễn Trãi, bắt đầu có những thắng lợi đầu tiên. Nhưng con đường phía trước chưa bao giờ dễ dàng, họ vừa chiến đấu vừa kết thêm bằng hữu, rồi Lê Lai xuất hiện, rồi họ thân nhau như huynh đệ, tiếp tục trải qua nhiều trận sinh tử, cho đến một ngày Lê Lai quyết tâm chết thay cho Lê Lợi dù đó là điều Lê Lợi… không hề muốn! Nỗi giằng xé rất người sẽ tạo nên nhân vật hay và một bộ phim hay. Để cuối cùng, thanh gươm của thần Kim Quy không phải là thứ trên trời rơi xuống mà là phần thưởng cho tất cả những nỗ lực, là một ẩn dụ của thành công. Lê Lợi không được trao thanh gươm báu, ông đã chiến đấu để được tưởng thưởng gươm báu. Ta đã chấp nhận nhìn thấy một Lê Lợi tả tơi chưa?
Còn quá nhiều thứ ta chưa chấp nhận. Bởi vì ngay trong đầu ta đã tự vẽ nên những hình ảnh nhất thành bất biến cho các vị tiền nhân. Ai tả khác đi thì đều là vô minh, đều không hiểu biết, đều là kẻ thù lịch sử. Khi nhà nghiên cứu Trần Quang Đức đưa ra một hình ảnh được cho là rất gần với hình ảnh của vua Quang Trung trong lịch sử, đám đông lập tức phẫn nộ. Vì hình ảnh “rất gần với sự thật” ấy hóa ra rất xa với “sự thật theo định nghĩa của tôi”. Họ mạt sát nhà sử học, họ cãi nhau, họ giành thế độc quyền chân lý. Tôi thử làm một bài kiểm tra: Vậy theo mọi người, Vua Quang Trung sẽ có diện mạo ra sao? Câu trả lời tôi nhận được nhiều nhất là… Lý Hùng, bởi vì anh từng thủ vai Quang Trung trong phim “Tây Sơn Hào Kiệt”. Lúc đó tôi cười khổ, không biết nên buồn cho Nguyễn Huệ hay nên buồn cho Lý Hùng.
5 – Và cũng ngay lúc đó, tôi nhận ra sức mạnh của điện ảnh. Nó có thể ghim một ý niệm vào đầu người xem. Hãy nghĩ xem nếu như điện ảnh phát huy tối đa sức mạnh của nó thông qua những câu chuyện lịch sử. Hãy nghĩ về chuyện các học sinh hôm nay nghĩ Nguyễn Huệ và Quang Trung là hai người, hay họ có thể biết Võ Tắc Thiên nhưng hoàn toàn không biết Lý Chiêu Hoàng. Vì sao người Việt thuộc sử Mỹ sử Trung Quốc hơn sử Việt, vì phim lịch sử của Mỹ của Trung Quốc hay hơn phim Việt.
Vì sao hay hơn? Hãy trở lại với câu chuyện “đầu tiên”, hãy quay lại những lo ngại về chính trị và cuối cùng là kiểm duyêt. Những nhà làm phim Mỹ và Trung Quốc dám kể, dám kéo thánh nhân xứ họ xuống khỏi bệ thờ và trao cho họ những câu chuyện làm người. Không biết bao nhiêu góc nhìn được đưa vào nhân vật Tần Thủy Hoàng. Tam Quốc Chí cứ làm đi làm lại và mỗi lần xem ta lại thấy một Tào Tháo khác nhau, một Lưu Bị khác nhau, một Quan Vũ khác nhau. Mỹ cho Abraham Lincoln đánh nhau với ma cà rồng và bầm dập tơi tả.
Điện ảnh không mang sứ mệnh giáo dục, nhưng thông qua điện ảnh, người ta bắt đầu có một thôi thúc tự thân tìm hiểu về lịch sử. Cách duy nhất để đi tới tương lai là hiểu rõ quá khứ, vì hành trình anh hùng là hành trình trở về, với một góc nhìn khác, một cái tôi khác. Thánh Nhân thú vị vì chữ “nhân” chứ không phải chữ “Thánh”. Lịch sử loài người khởi đầu khi những con sapien biết kể chuyện. Chính những câu chuyện đã giúp sapien vươn lên đứng đầu chuỗi thức ăn và tạo ra văn minh. Lịch sử chính là kể chuyện, kể những câu chuyện đã qua, nhưng nói về hôm nay và dự báo về tương lai. Cả thế giới đã cùng nhau kể chuyện của nước họ rồi, bao giờ tới phiên chúng ta kể chuyện nước mình.
Một quốc gia đã đánh bại mọi cường quốc lớn nhất để bảo toàn lãnh thổ trong suốt mấy ngàn năm sở hữu một kho tàng vô giá những câu chuyện để kể cho thế giới. Nhưng những viên ngọc sáng chói ấy đang bị vùi rất sâu bởi quá nhiều những nỗi sợ. Nhưng rồi cũng phải tới lúc vượt qua những nỗi sợ ấy để mở một cánh cửa đối thoại với nhau. Những người làm công tác quản lý đối thoại với nhà làm phim, nhà làm phim đối thoại và lắng nghe khán giả. Bởi ai mà không muốn nghe những câu chuyện hay cơ chứ.
Chỉ đến lúc tất cả mọi người chịu đối thoại với nhau rồi thì tôi tin đó là lúc ta mở một cánh cửa lớn hơn: cánh cửa lịch sử để ta được đối thoại với tiền nhân. Để ta được nghe hành trình từ nhân thành thánh, để ta thấy bất kỳ ai trong chúng ta ở đây đều có thể thành thánh, miễn ta chịu buông bỏ những ích kỷ tầm thường.
Vì Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Yết Kiêu… đã chờ chúng ta trò chuyện từ rất lâu rồi!
May be an image of 1 person, standing and text that says "QUỐC N TRUNG KHOA HỌC VÀ GIÁO DỤC VĂN 0 QUỐC TẾ DI SẢN LỊCH SỬ, CHCHAA) ẢI BIÊN NGHỆ THUẬ IONAL CONVENTION ON HISTOR AND ARTISTIC ADAPTATIO! URAL HERITA NẤ ERTAINMENT iCisE 92THON CISEM -Vietnam"

Friday, November 25, 2022

Tam giác quỷ Bermuda

 https://tuoitre.vn/nhung-dieu-ky-la-van-xay-ra-o-tam-giac-quy-bermuda-20221122223313709.htm

"Cũng giống như bản chất con người, bất cứ khi nào không thể tìm ra câu trả lời cho một câu hỏi nhất định, chúng ta sẽ mở hộp pandora chứa các giả thuyết để xoa dịu cơn đói trí tuệ và sự tò mò của mình", ông O'Keefe nói.

Wednesday, November 23, 2022

Văn phi sơn thuỷ vô kỳ khí,

Văn phi sơn thuỷ vô kỳ khí,

Nhân bất phong sương vị lão tài.

Hưu đạo Tần quan chinh lộ hiểm,

Mã đầu hoa tận đới yên khai!

Văn không có sơn thuỷ thì không có khí lạ
Người chưa dãi dầu sương gió thì chưa thể già dặn
Thôi đừng nói đường qua ải Tần là hiểm trở
Nơi đầu ngựa, hoa đều đội mây mà nở

Sunday, November 20, 2022

Mỗi lần thử nghiệm là một cơ hội để học hỏi, bất kể kết quả cuối cùng là gì. Theo tôi, thất bại là một phần của quá trình

 Phó đô đốc Wolfe nói thử nghiệm thất bại không phải điều tồi tệ, bởi vũ khí siêu vượt âm là công nghệ tối tân. "Mỗi lần thử nghiệm là một cơ hội để học hỏi, bất kể kết quả cuối cùng là gì. Theo tôi, thất bại là một phần của quá trình", ông Wolfe nhận định", https://vnexpress.net/my-tang-toc-phat-trien-vu-khi-sieu-vuot-am-de-bat-kip-nga-trung-4538596.html

Thursday, November 17, 2022

Ngũ thường

 Ngũ thường (五常) với chữ "ngũ" là năm và chữ "thường" là hằng có hay là đức tính của con người. Ngũ thường là năm điều phải hằng có trong khi ở đời, gồm: Nhân (仁), Nghĩa (義), Lễ (禮), Trí (智), Tín (信) xuất phát từ Nho giáo của Trung Quốc. Thuật ngữ tam cương thường được nhắc liền mạch với ngũ thường thành cụm tam cương-ngũ thường.

Nhân (仁)

Nhân (trong "nhân hậu") là lòng yêu thương đối với vạn vật. Ứng với Mộc trong ngũ hành.

Nghĩa (義)

Nghĩa (trong "chính nghĩa") là phải cư xử với mọi người công bình theo lẽ phải. Ứng với Kim trong ngũ hành.

Lễ (禮)

Lễ (trong "lễ phép") mang tính tôn trọng, hòa nhã trong khi cư xử với mọi người. Ứng với Hỏa trong ngũ hành.

Trí (智)

Trí (trong "trí tuệ") là sự thông biết lý lẽ, phân biệt thiện ác, đúng sai. Ứng với Thủy trong ngũ hành.

Tín (信)

Tín (trong "uy tín") là phải giữ đúng lời hứa. Ứng với Thổ trong ngũ hành.

Wednesday, November 16, 2022

PHONG MÃ NGƯU BẤT TƯƠNG CẬP

 https://www.chuonghung.com/2022/11/dich-thuat-phong-ma-nguu-bat-tuong-cap.html

风马牛不相及

Không liên quan gì với nhau

Giải thích: Giữa hai hoặc mấy sự vật không có liên quan gì với nhau

Xuất xứ: Xuân Thu . Tả Khâu Minh 左丘明Tả truyện – Hi Công tứ niên 左左传 - 僖公四年

          Thời Xuân Thu, nước Tề có một dạo làm bá chủ, Tề Hoàn Công 齐桓桓公trở thành thủ lĩnh của chư hầu. Lỗ. Tống, Vệ, Trần, Tào đều quy phụ nước Tề, chỉ có Sở vì ở cách xa nước Tề, lại tự cho mình là đại quốc, nên không quan tâm đến. Tề Hoàn Công liền triệu tập quốc quân của chư hầu đến họp, quyết định cùng nhau chinh phạt nước Sở. Quốc quân nước Sở nghe tin Tề Hoàn Công đích thân đem quân thảo phạt, vô cùng lo sợ, vội phái sứ thần đến đàm phán với Tề Hoàn Công.

          Sứ thần nói với Tề Hoàn Công rằng:

          Nước Tề của ngài ở phương bắc, nước Sở của chúng tôi ở xa tận phương nam, khoảng cách giữa hai nước chúng ta quá xa, cho dù là ngựa đực, ngựa cái cùng trâu đực, trâu cái khi động dục đuổi nhau, có chạy thật nhanh, thật xa cũng không thể nào vượt qua được biên giới (Phong mã ngưu bất tương cập 风马牛不相及). Nhưng nay quân Tề lại vượt núi băng sông đến vùng đất của nước Sở, không biết là vì sao?

          Tướng quốc Quản Trọng 管仲nói rằng:

          Chúng tôi lấy danh nghĩa Chu thiên tử thảo phạt nước Sở. Trước đây Thiệu Khang Công 召康公1từng mệnh lệnh cho tiên quân Thái Công 太公 (2) chúng tôi rằng: ‘Để phò tá vương thất, ngũ hầu cửu bá đều có thể bị chinh phạt. Trước mắt, nước Sở các ông coi thường Chu thiên tử, ngay cả cỏ mao mà thiên tử dùng trong tế tự, các ông mấy năm rồi cũng không tiến cống. chúng tôi nhân đó hưng sư vấn tội.

          Sứ thần nước Sở vội giải thích rằng:

          Cống phẩm không đưa đến đùng kì, đó là tội của nước Sở, từ nay về sau há dám không tiến cống? Xin quân Tề thoái lui cho.

          Cuối cùng, hai bên vẫn giằng co. Tề Hoàn Công thấy quân Sở uy vũ bất khuất, mới đồng ý đính lập minh ước.

Chú của người dịch

1- Thiệu Khang Công 召康公: Tức Cơ Thích 姬奭, tính Cơ  danh Thích , không rõ năm sinh năm mất, cũng gọi là Thiệu Công 召公, Thiệu Bá 召伯, Thiệu Khang Công 召康公, Thiệu Công Thích 召公奭, là đại thần và là tông thất Tây Chu. Ông cùng hàng với Chu Vũ Vương 周武王, Chu Công Đán 周公旦. Cơ Thích sau khi phò tá Chu Vũ Vương diệt nhà Thương, thụ phong ở đất Kế  (nay là Bắc Kinh 北京), kiến lập chư hầu Yên quốc (Bắc Yên) thần thuộc Tây Chu. Ông phái con trưởng là Cơ Khắc 姬克quản lí Yên quốc, riêng ông vẫn ở lại Hạo kinh 镐京 phò tá triều đình. Nhân vì thái ấp ở đất Thiệu  (nay là phía tây nam Kì Sơn 岐山Thiểm Tây 陕西) cho nên xưng là Thiệu Công召公, hoặc Thiệu Bá召伯, Thiệu Công Thích召公奭. Sau khi Chu Vũ Vương qua đời, Thành Vương 成成王 kế vị, Cơ Thích đảm nhậm chức Thái Bảo 太保.

https://www.easyatm.com.tw/wiki/%E5%8F%AC%E5%BA%B7%E5%85%AC

2- Thái Công 太公: Tức Thái Công Vọng 太公望. Tính Khương , danh Thượng , tự Tử Nha 子牙, là quân sư của Chu Văn Vương 周文王, Chu Vũ Vương 周武王. Trong sử sách ghi tên của ông là Khương Thượng 姜尚, Khương Vọng 姜望, Khương Nha 姜牙, Khương Tử Nha 姜子牙, Lữ Thượng 吕尚, Lữ Vọng 吕吕望, Lữ Nha 吕牙, biệt xưng có Khương Thái Công 姜太公, Lữ Thái Công 吕太公, Tề Thái Công 齐太公, Thái Công 太公, Thái Công Vọng 太公望, Thượng Phủ 尚父, Sư Thượng Phủ 师尚父. Miếu hiệu là Văn Tổ Giáp Tề Công 文祖甲齐公, được truy phong là Vũ Thành Vương 武成王, Chiêu Liệt Vũ Thành Vương 昭烈武成王. Thái Công Vọng phò tá nhà Chu có công, được thụ phong ở nước Tề , ông là Thuỷ tổ của Khương Tề 姜齐.

Monday, November 7, 2022

Tạo ra một hệ thống pháp luật để cho phép họ ăn cướp

 Khi mà việc cướp bóc đã trở thành lối sống thường ngày của một nhóm người trong một xã hội. Với thời gian, nhóm người này sẽ tạo ra một hệ thống pháp luật để cho phép họ ăn cướp, và tạo ra một hệ luân lý để vinh danh việc cướp bóc của họ"


Trích từ "chủ nghĩa nguỵ biện kinh tế" chương 1 "tâm sinh lý kẻ cướp hợp pháp". Frederic Bastiat

Thursday, November 3, 2022

huyên thảo là loài hoa đại biểu cho mẹ

 https://www.chuonghung.com/2018/10/dich-thuat-vi-sao-o-trung-quoc-huyen.html

VÌ SAO Ở TRUNG QUỐC HUYÊN THẢO
LÀ LOÀI HOA ĐẠI BIỂU CHO MẸ

          Tháng 5 tết Mẹ (Mẫu thân tiết 母親節) nghinh đón hoa cẩm chướng, đa số các nước đều xem hoa cẩm chướng là loài hoa đại biểu cho tết Mẹ, dùng để biểu thị sự kính yêu và hoài niệm đối với mẹ. Kì thực, thời cổ ở Trung Quốc sớm đã có loài hoa đại biểu cho mẹ, đó là huyên thảo萱草 (hoa hiên). Huyên thảo tượng trưng cho tính ôn nhu, hàm súc, hiền lành, chất phác, kiên nhẫn và tinh thần dâng hiến hi sinh của nữ giới phương đông; trong sự điềm đạm đã phát tán ánh sáng về tình yêu thương của mẹ.
          Thế thì, tại sao “huyên thảo” ở Trung Quốc lại là loài hoa đại biểu cho mẹ? Huyên thảo, tục xưng là “hoàng hoa” 黄花, “hoàng hoa thái” 黄花菜, “kim châm” 金針, “kim châm hoa” 金針花, “kim châm thái” 金針菜, “nghi nam thảo” 宜男草. Hình dáng của hoa giống hoa bách hợp, màu vàng quýt hoặc vàng pha chút đỏ, không mùi, khi hoa chưa nở có thể hái làm món ăn, rễ của cây có thể dùng làm thuốc, nếu hoa đã nở thì dùng để thưởng thức.
          Theo Thuyết văn – Thảo bộ 說文 - 草部:
Huyên, linh nhân vong ưu thảo dã. Hoặc tùng tuyên.
令人忘憂草也或從宣.
(Huyên là loại cỏ có thể khiến người ta quên đi ưu phiền. Hoặc viết với chữ “tuyên”)
          Chữ thời cổ đồng với chữ . Người xưa cho rằng lấy chồi non của loại cỏ này làm rau, ăn vào có thể khiến người ta như bị say, làm cho quên đi ưu phiền, cho nên cũng gọi là “vong ưu thảo” 忘憂草, “vong ưu vật” 忘憂物. Và trong Thái Bình ngự lãm – quyển cửu cửu lục 太平禦覽 - 卷九九六 dẫn lời ở Thuật dị kí 述異記của Lương Nhậm 梁任thời Nam Triều:
          Huyên thảo, nhất danh tử huyên, hựu hô viết vong ưu thảo, Ngô trung thư sinh hô vi liệu sầu hoa.
          萱草一名紫萱又呼曰忘憂草吳中書生呼為療愁花.
          (Huyên thảo còn có tên là tử huyên, cũng gọi là vong ưu thảo, thư sinh đất Ngô gọi nó là liệu sầu hoa.)
          Thời cổ, “huyên thảo” 萱草được viết là có nghĩa là quên. Trong Thi kinh – Vệ phong – Bá hề 詩經 - 衛風 - 伯兮có ghi:
Yên đắc huyên thảo,
 Ngôn thụ chi bối.
焉得谖草,
言树之背.
(Làm sao có được cây cỏ huyên,
Trồng nó ở nhà phía bắc.)
     Trong Mao truyện 毛傳ghi rằng:
Huyên thảo linh nhân vong ưu; bối, bắc đường dã.
萱草令人忘憂北堂也.
(Huyên thảo làm cho người ta quên đi ưu phiền; bối là nhà phía bắc.)
          Theo Thích văn 釋文, chữ  vốn viết là , về sau “thụ huyên” 樹萱(trồng cỏ huyên) trở thành từ với nghĩa là quên ưu phiền. Như Lí Bạch 李白trong bài Tống Lỗ quận Lưu Trưởng sử thiên Hoằng Nông Trưởng sử 送魯郡劉長史遷弘農長史đã viết:
Thác âm đương thụ lí,
Vong ưu đương thụ huyên.
託陰當樹李,
忘憂當樹萱.
Muốn nhờ bóng mát nên trồng cây lí,
Muốn quên ưu phiền nên trồng cỏ huyên.
          Bắc đường 北堂 chỉ phía sau căn phòng phía đông, là nơi phụ nữ giặt rửa, như trong Nghi lễ - Sĩ hôn lễ 儀禮 - 士昏禮 có câu:
Phụ tẩy tại bắc đường.
婦洗在北堂
(Phụ nữ giặt rửa tại bắc đường)
Trịnh Huyền 鄭玄chú rằng:
Bắc đường, phòng trung bán dĩ bắc.
北堂房中半以北.
(Bắc đường là nửa gian phòng ở về phía bắc)
Cho nên mượn “bắc đường” để chỉ mẹ. Về sau dùng “huyên thảo” để chỉ nơi ở của mẹ, cũng mượn để ví mẹ. Bài thơ Bá hề trong Thi kinh thuật lại nỗi nhớ của người phụ nữ về người chồng viễn chinh, mong tìm được cỏ huyên để trồng ở bắc đường để quên đi nỗi ưu tư.
          Tương truyền vào cuối đời Tuỳ, Đường Thái Tông Lí Thế Dân 李世民cùng phụ thân là Lí Uyên 李淵 nam chinh bắc chiến, mẫu thân của Lí Thế Dân vì nhớ con mà sinh bệnh. Lúc bấy giờ, đại phu đã dùng huyên thảo có tác dụng sáng mắt an thần, nấu lên cho bà dùng, đồng thời đem trồng nơi bắc đường để giải trừ nỗi âu lo.
          Sau này, người con khi đi xa sẽ trồng cỏ huyên ở bắc đường, hi vọng mẹ sẽ giảm được nỗi nhớ con mà quên đi ưu phiền. Nhân đó “bắc đường thụ huyên” 北堂樹萱 (trồng cỏ huyên ở bắc đường) có thể làm cho người ta quên đi sầu muộn, dẫn đến ý nghĩa tình mẫu tử. Như Mạnh Giao 孟郊 - thi nhân thời Đường trong bài Du tử 遊子có viết:
Huyên thảo sinh đường giai,
Du tử hành thiên nhai.
Từ mẫu ỷ đường môn,
Bất kiến huyên thảo hoa.
萱草生堂階,
遊子行天涯.
慈母倚堂門,
不見萱草花.
(Cỏ huyên mọc nơi thềm nhà,
Con đi xa tận cuối chân trời.
Mẹ tựa cửa nhà trông ngóng,
Mà không thấy cỏ huyên trổ hoa)
          Bài thơ mượn cảnh ngụ tình, bộc lộ sâu sắc tình cảm hàm súc giữa mẹ với con, khiến người đọc cảm động. Và thế là ở Trung Quốc, huyên thảo trở thành loài hoa đại biểu cho mẹ.

                                                            Huỳnh Chương Hưng
                                                            Quy Nhơn 12/10/2018

Phân loại chủng ngọc

 https://www.facebook.com/reel/292106507291259