Tuesday, January 4, 2022

Phước đức và công đức

 https://www.chuahoangphap.com.vn/tin-tuc/chi-tiet-phuoc-duc-va-cong-duc-2164/

https://phathocnguyenthuy.com/2017/12/14/cong-duc-va-phuoc-duc-sai-lam-nguy-hiem-khi-hieu-sai/

Hỏi: phước đức và công đức khác nhau như thế nào?

 

Phước đức và công đức

 

Đáp:

- Phước đức là những việc làm lành thiện được làm ở bên ngoài hình tướng như bố thí, cúng dường, từ thiện, giúp ích cho mọi người…

- Công đức là sự xoay nhìn lại nội tâm, dùng trí sáng suốt, thấu rõ sự thật, dứt trừ mê lầm phiền não.

Hiện có rất nhiều người tuy làm phước rất nhiều, nhưng vì chưa có sự tu tập trí huệ, cho nên vẫn còn bị khổ đau phiền não chi phối. Hoặc có khi bám chấp vào những việc phước thiện đã làm của mình và làm gia tăng phiền não.

Tuy tu tập phước báo ở bên ngoài là một điều tốt, nhưng chưa thể giúp mình thoát khỏi khổ đau sinh tử luân hồi. Chỉ có người biết tu tập công đức mới có thể vượt thoát sinh tử. Hơn nữa, tuy phước báo ở bên ngoài trợ giúp rất nhiều cho sự tu tập nội tâm, nhưng không thể vì đó mà có được công đức.

Khi xưa, tổ Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ vượt biển sang Trung Quốc nhằm vào thời vua Lương Võ Đế. Ông ta nổi tiếng là người rất sùng mộ đạo Phật. Ông đã đem rất nhiều tiền của để cất chùa, dựng tháp, in ấn kinh điển cũng như giúp đỡ Tăng Ni xuất gia tu hành và làm rất nhiều việc phước đức khác. Khi nghe tin Tổ từ phương xa đến, ông bèn cho thỉnh vào cung để đãi tiệc. Vì muốn Tổ biết rằng ông đã làm được nhiều việc có ích cho Tam Bảo, cho nên ông đã hỏi:

- Bạch Hòa thượng! Trẫm đây in kinh, tạo tượng, xây chùa, dựng tháp, độ cho Tăng Ni xuất gia rất nhiều. Như vậy có công đức chăng?

Tổ đáp:

- Không có công đức.

Nhà vua hỏi thêm:

- Thế nào là công đức?

Tổ chỉ đáp:

- Tự tánh thanh tịnh, lặng lẽ trong sáng, không thể đem những việc làm hữu vi, hữu lậu ở bên ngoài mà tìm cầu.

Như vậy, nhưng việc làm phụng sự Tam Bảo ở bên ngoài của vua Lương chỉ có phước đức, mà không có công đức. Bởi vì những việc làm ở bên ngoài làm sao có thể so sánh với cái tâm tỉnh sáng, thấy rõ sự thật kia. Khi nhìn thấy các pháp đều giả dối, không còn chạy đuổi thì tâm sẽ được tỉnh sáng, tỏ rạng. Cái trí sáng, nhìn thấy mạng sống này chỉ tồn tại trong một hơi thở, thì liệu ai có thể cho mình? Chỉ tự mình xoay lại, nghiền ngẫm, thực hành tu tập và tự mình nhận được.

Trong kinh A-hàm, đức Phật có ví dụ: “Có người chạy rất nhanh trên đường và vì chạy nhanh, cho nên cảm thấy mệt, cho nên nghĩ là phải chạy chậm lại. Khi anh ta đã chạy chậm, nhưng vẫn thấy mệt, anh ta nghĩ là nên đứng lại. Khi đã đứng lại, anh ta vẫn cảm thấy mệt, cho nên muốn ngồi xuống. Khi đã ngồi xuống rồi, anh ta vẫn còn mệt, cho nên quyết định nằm xuống. Sau khi đã nằm xuống, nhưng sự mệt vẫn còn, cho nên anh ta nhắm mắt ngủ. Khi anh ta ngủ được rồi thì có thể trở nên rất khỏe”.

Ví dụ này dùng chỉ cho sự phóng tâm chạy nhảy khắp nơi để đi tìm thêm sự nhọc nhằn, mệt mỏi và kiếm thêm nhiều sự khổ đau, buồn bực của con người. Cho nên, khi có thể dừng được cái tâm vọng tưởng lăng xăng thì ngay chỗ đó là cảnh giới thanh tịnh, an lạc của công đức.

Không có công đức nào bằng công đức của tâm thanh tịnh sáng suốt nhìn thấu sự thật. Công đức đó do chính đức Phật đã đạt được dưới cội Bồ Đề sau bốn mươi chín ngày đêm ngồi yên lặng quán xét. Về sau, chư Tổ cũng tiếp nối thành tựu được công đức trí huệ bất diệt này, chẳng những mãi mãi không bị suy hao, mà càng ngày càng sáng tỏ. Ngày nay, chúng ta cũng cần phải tu từ bên trong nội tâm và làm mọi việc thiện lành ở bên ngoài là để hỗ trợ cho sự tu tập đó.

Như con chim phải có đủ hai cánh mới có thể cất cánh tung bay giữa bầu trời vô tận của hư không hoặc xe phải có hai bánh mới có thể chạy vượt đường xa ngàn dặm. Giống như con người có đủ hai chân, thì dù ở đâu cũng có thể đi tới.

Một chân tượng trưng cho phước đức và một chân tượng trưng cho trí huệ. Tu hành cũng vậy, phước huệ song tu, đầy đủ được cả trong lẫn ngoài, thì sự tu hành càng ngày càng an lạc. Người thường biết xoay lại xét nét thấy rõ thân này là tạm bợ, mạng sống chỉ trong một hơi thở là người có công đức chân thật và là bậc đại trí huệ.


Chúng ta cần nên lưu ý tránh bị nhầm lẫn giữa Phước đức và Công đức, thậm chí mê lầm đến độ lạm phát từ những việc nhỏ nhặt, linh tinh như: góp tiền, cúng dường xây dựng, hối lộ tâm linh, cầu vọng, van lụy, nô dịch, xưng tán tướng tượng, tuyên truyền tà pháp… mà đem những điều đó hô hào là công đức, công quả… nhầm lẫn cơ bản về công đức và phước đức.

Như lời Tổ Đạt-ma: “Người đời nay không hiểu được những nghĩa lý ấy, do sự hiểu biết nông cạn của mình nên chỉ lấy những việc làm theo hình tướng mà cho là công đức, tốn kém biết bao nhiêu tiền của; đắp tượng, xây tháp uổng phí sức người; dốc lòng hết sức cũng chỉ tự làm tổn hại bản thân, mê hoặc người khác, chẳng biết là rất đáng hổ thẹn, biết bao giờ được giác ngộ? Thấy pháp hữu vi thì hết lòng đắm chấp, mê muội, nghe nói đến pháp vô vi thì ngớ ngẩn, lập lờ.”

Phân biệt được đâu là phước đức, đâu là công đức là điều kiện tiên quyết của người Phật Tử và người giảng Phật Pháp.

Screen Shot 2017-12-14 at 16.59.18

Tất cả chúng ta bất cứ ai giàu hay nghèo, dù đang trong điều kiện đầy đủ hay khó khăn vẫn luôn tiềm ẩn một tấm lòng nhân hậu, đó là luôn muốn giúp đỡ, chia sẻ với người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Điều đó được thể hiện thành truyền thống từ thời xa xưa, tục ngữ Việt Nam có câu “Lá lành đùm lá rách” trong dân gian thường gọi là “làm phước” – nghĩa là giúp đỡ người khác bằng lời động viên, an ủi, bằng lời khuyên để giải quyết vấn đề hiện thời, hay bằng hành động như phụ bằng công sức hay tiền của vật chất…trong Phật học nguyên thuỷ gọi là đó “PHƯỚC ĐỨC” (Thiện nghiệp hữu vi).

Ngoài chữ “PHƯỚC ĐỨC” chúng ta cũng thường nghe chữ “CÔNG ĐỨC”, vậy 2 chữ này nghĩa giống hay khác nhau?

“CÔNG ĐỨC” (Vô vi nghiệp) là công phu tu học, tự soi chiếu bên trong hay gọi là chỉnh sửa thân tâm.

Lục Tổ Huệ Năng dạy trong Pháp Bảo Đàn Kinh “Tự tu thân là công, tự tu tâm [tánh] là đức, công đức là do tự tâm mà ra…” hay “Kiến tánh là công, bình đẳng là đức…”

Nhớ lại tích xưa lúc Tổ Đạt Ma sang Trung Quốc đến tương kiến vua Lương Vũ Đế và vua hỏi: Lâu nay trẫm cho xây chùa, chép kinh, độ tăng rất nhiều không kể xiết, vậy có công đức gì không?

Tổ đáp: chẳng phải công đức, đó chỉ là phước đức thế gian tức nhân hữu lậu tạo quả nhỏ trong vòng nhân, thiên (vẫn còn luân hồi trong các cõi người, trời), tuy có nhưng không phải thật. Công đức thật sự là trí phải được trong sạch hoàn toàn và thể phải được trống không vắng lặng (phải công phu tu luyện công hạnh), hoàn toàn không thể lấy việc thế gian (như xây chùa, chép kinh, độ tăng, cúng dường) mà cầu được!…

Qua lời dạy trên đối chiếu và so sánh chúng ta đã hiểu.

“PHƯỚC ĐỨC”: Những việc làm bên ngoài bằng công sức (từ thiện giúp đỡ người tàn tật, già yếu, trẻ mồ côi, người nghèo khổ), giúp đỡ cộng đồng (kiến thức đúng, phương tiện sống, phương tiện học tập, tu tập), bảo vệ môi sinh, nhằm trợ duyên giúp giảm thiểu quả báo của bản thân, tránh bớt những oán nghiệp thế gian chứ hoàn toàn không giúp đắc đạo.

“CÔNG ĐỨC”: Thực hành công hạnh qua công phu tu luyện chánh trí và đức nhân, tự soi chiếu bên trong mình (tự soi chiếu chỉnh sửa lại hành thức bên trong mình) tu thành phẩm hạnh để dần trở về với ĐẠO (Giải thoát luân hồi sinh tử).

Do đó chúng ta cần nên lưu ý tránh bị nhầm lẫn giữa Phước đức và Công đức, thậm chí mê lầm đến độ lạm phát từ những việc nhỏ nhặt, linh tinh như: góp tiền, cúng dường xây dựng hình tướng, tuyên truyền tà pháp, hối lộ tâm linh, cầu vọng, van lụy, nô dịch, xưng tán tướng tượng, tuyên truyền tà pháp… mà đem những điều đó để tà kiến biện thông hô hào là công đức, công quả này nọ, nhầm lẫn cơ bản công sức việc thế gian.

Vào cuối TK V, khi Tổ Đạt ma sang Trung Quốc truyền giáo, lúc đó Lão giáo đã rất phát triển ở đây và Ngài đã thấy những sai lầm của những tín chúng thời điểm bấy giờ, nên đã khéo léo giảng giải sao cho phù hợp với nhận thức truyền thống của tín chúng bản địa. Vào thời điểm bấy giờ, Ngài giúp họ có thể dễ dàng đón nhận (khế cơ) giáo pháp mới, dung hòa Phật học và lão giáo một cách chuẩn xác, do đó chúng ta sẽ thấy những từ “Đạo”, “ Đức”, “Hữu vi”, “Vô vi”… của Lão giáo.

Đạo Phật là con đường của trí tuệ và sự thật, chúng ta hãy cùng nhau trạch chi (phân tích, lọc lựa) lý nghĩa để hiểu cho thấu đáo. Nếu chúng ta vì cả tin, lười tư duy thích nương tựa mà hiểu sai lời Phật dạy, Tổ dạy thì thật có lỗi với vị Bổn Sư, với Chư Tổ, và có lỗi với chính tâm thức Chân – Thiện – Mỹ của mình vì chắc chắn hiểu sai, hành sai thì nghiệp báo của chúng ta không bao giờ thoát khỏi luân hồi, sanh tử. Ví như Vua Lương Vũ Đế khi sinh thời hiểu sai, hành sai, dẫn đến nhân quả bị Hầu Cảnh giam cho chết đói trong ngục. Công sức tuyên truyền mê tính của ông (hoại đức) gây hệ lụy cho nhiều đời con cháu và cho cả thế hệ hiện tại chúng ta.

Chúng ta cùng nhau suy nghiệm lời dạy của Phật Cồ-Đàm trong kinh A-Hàm.

“Theo Như Lai, tin Như Lai, tôn kính Như Lai mà không hiểu, hiểu sai, hành sai giáo pháp Như Lai dạy, chẳng khác nào phỉ báng Như Lai”

“Lành thay! Lành thay! Ai thực sự mến mộ và tín tin Như Lai thì hãy cố gắng noi gương vị Tỳ-khưu chân chánh. Người tôn kính Như Lai nhất là người thực hành đúng giáo pháp mà Như Lai đã chỉ”

“Người nào thấy Chánh pháp là thấy Như Lai”.

Trong kinh Thiếu Thất Lục Môn Yếu Chỉ Tổ Đạt-ma dạy:

“Người đời nay không hiểu được những nghĩa lý ấy, do sự hiểu biết nông cạn của mình nên chỉ lấy những việc làm theo hình tướng mà cho là công đức, tốn kém biết bao nhiêu tiền của; đắp tượng, xây tháp uổng phí sức người; dốc lòng hết sức cũng chỉ tự làm tổn hại bản thân, mê hoặc người khác, chẳng biết là rất đáng hổ thẹn, biết bao giờ được giác ngộ? Thấy pháp hữu vi thì hết lòng đắm chấp, mê muội, nghe nói đến pháp vô vi thì ngớ ngẩn, lập lờ.”

Tóm tắt phân biệt công đức và phước đức:

Phước đức: tương đương với thiện nghiệp. Trong thiện nghiệp thì từ thiện chỉ là một phần rất nhỏ, thiện nghiệp gồm 10 điều thiện nằm ở: THÂN (cứu sanh, thiện thí, không tà dâm). KHẨU (nói lời chân thật, nói lời ngắn gọn, nói lời lịch sự, nói lời hòa đồng). Ý (ý ly tham, ý ly sân, ý ly si).

Công đức: là do ta tự soi chiếu bên trong mình, tự soi chiếu chỉnh sửa lại hành thức bên trong mình, công phu tu thành phẩm hạnh để dần trở về với ĐẠO. Tự tu thân là “công”, tự tu tâm là “đức”.

Công đức không tạo được bằng:

Những việc làm theo hình tướng như đắp tượng, xây tháp, đúc chuông;
Xây chùa, bố thí, cúng dường chỉ là tu phước, không thể lấy phước làm công đức được. Xem thêm Luận về Xây Chùa, Đúc Tượng, Lễ Lạy – Trích Thiếu Thất Lục Môn Yếu Chỉ/ Phẩm Phá Tướng Luận Đệ Nhị Môn;
Mê chấp cầu hình tướng bên ngoài, trong lòng buông thả những tham lam, ngu si, giả hiện vẻ uy nghi, không biết hổ thẹn với bậc thánh, dối gạt kẻ phàm tục.

Hãy cùng trạch tri, hiểu cho tường tận để không bị lầm lẫn 1 cách đáng tiếc về “Công Đức” và “Phước Đức”.

Nói về chữ “Đức” tức là nói đến chữ Đạo. Công đức và phước đức là khái niệm không có trong Phật học nguyên thủy, và xuất hiện khi Phật Học truyền qua Trung Quốc. Cho nên, để hiểu đúng chúng ta cần hiểu thêm về lịch sử có liên quan.

Chữ Đạo trên xuất phát từ triết lý về đạo giáo cổ xưa của người Trung Quốc do Lão Tử đề xướng vào khoảng TK VI TCN. Sau khi Phật học được truyền bá vào Trung Quốc, được triển khai phối hợp rộng rãi thì khái niệm về Đạo được hiểu theo hai nghĩa:

Nghĩa hẹp: là con đường. Cụ thể:

Đạo Phật: con đường dẫn đến sự giác ngộ giúp giải thoát luân hồi.
Lục đạo: 6 con đường mà chúng sanh trôi nổi trong vòng xoáy luân hồi (Trời, người, A-tu-là, ngạ quỉ, địa ngục, súc sanh)
Bát chánh đạo: là 8 con đường đúng đắn giúp thoát luân hồi
Nghĩa rộng: là hàm tính nguyên thủy của trời, đất, vạn vật hữu hình, vô hình

Cho nên trong “Đắc Đạo” thì nên hiểu chữ “đạo” theo nghĩa rộng, tức là thành tựu công đức (công hạnh) để giúp chuyển hóa hữu vi (cầu, tranh, đoạt, chấp) thành vô vi mà thể nhập vào Đạo. Trong một số tài liệu về Phật học được biên dịch từ Trung Quốc, thì khái niệm về Đạo (tĩnh lặng, tịch diệt, dung hợp, viên thông, vô cực) được hiểu tương nghĩa với Niết Bàn (Tĩnh-Tịnh-Không) trong phật học nguyên thủy.

Cũng tương tự như học thuyết giác ngộ nguyên thủy (Phật học nguyên thủy) mà Đức Phật đã thuyết giảng xưa kia (TK VI TCN) đều xoay quanh ý niệm trọng tâm “Khổ” (còn luân hồi) và Diệt Khổ”.

Và luôn nhớ rằng Phật học nguyên thủy hoàn toàn không phải là tôn giáo hay triết học trừu tượng hay tâm lý học (nhằm trấn an, kích hoạt an/vui/khỏe/nhàn/lạc…) hay triết lý dưỡng sinh (tô điểm sắc thân tươi nhuận, trường thọ) hay tu luyện công phu/pháp thuật hay nghệ thuật sống (khôn khéo, lèo lách trong đời sống để thành công tiền tài/danh vọng/hưởng thụ thanh nhàn)… mà là Khoa học Tâm Thức vì vận dụng trí tuệ để hiểu và hành đúng theo quy luật của chư pháp là vô thường, là sự thay đổi liên tục, là sự gán ghép của không gian, thời gian. Nội dung thiết yếu của triết lý Đạo giáo nguyên thủy cũng vậy, hoàn toàn không phải là tôn giáo giáo hay triết học trừu tượng, hay tâm lý học hay triết lý/nghệ thuật sống. Triết lý này đã được trình bày rất rõ ràng trong tài liệu “Đạo Đức Kinh”, chi tiết cụ thể bạn đọc có thể tham khảo thêm.

Tóm lược vài ý chính chứa đựng tính tương đồng giữa của Đạo so với giáo pháp giác ngộ – điều đã được Tổ Đạt Ma vận dụng và triển khai thành công trong việc truyền giáo sang Trung Quốc vào khoảng cuối TK V (xem bản kinh “Thiếu Thất Lục Môn”), ngài đã khéo léo giảng giải sao cho phù hợp với nhận thức truyền thống của tín chúng bản địa vào thời bấy giờ, để giúp họ có thể dễ dàng đón nhận (khế cơ) giáo pháp mới – dung hòa phật học và lão giáo – một cách chuẩn xác.

Trở lại nội dung đối chiếu tương đồng giữa Phật học và Đạo giáo, điều mà chúng ta cần nên lưu ý tránh bị hiểu nhầm tính tương đồng về một vài ý niệm căn bản giữa Đạo giáo và Phật học, điều này không có nghĩa qui đồng cho rằng Đạo giáo thay thế học thuyết Giác ngộ.

Những ý niệm tương đồng giữa Đạo giáo nguyên thủy và Giáo pháp Giác ngộ nguyên thủy như sau:

2-1. Đạo là thường hằng, bất biến, là nguồn gốc của vạn vật -> tương đồng với Niết Bàn là bản thể thường hằng của chư pháp.

2-2. Đạo thường (luôn luôn, như như) Vô Vi (không cầu vọng, không tranh giành, không chiếm đoạt và không chấp giữ), không giống như những gì mà chúng ta gọi là (Danh) hay thấy biết bằng 5 giác quan bình thường (Đạo khả đạo phi thường đạo, Danh khả danh phi thường danh) và không mang hình tướng, không phải là tên gọi của thế gian (Vô, danh thiên địa chi thủy). Tức là Đạo luôn tĩnh lặng, tịch diệt và Không (Vô Danh, Vô Vi, Vô Tướng). Tương đồng với 3 hàm tính: Tĩnh-Tịnh-Không của Niết Bàn. Vì vậy, những khái niệm như là: đắc đạo cũng được hiểu tương đồng với nhập niết bàn và pháp vô vi tương đồng với pháp tánh (vô duyên khởi, vô tướng) chính là ở chỗ này.

2-3. Đức là năng lực để chuyển luân vạn vật quay về hoặc cách xa Đạo. Công đức giúp quay về với Đạo, đạo đức giúp tiếp cận với Đạo, phước đức giúp không cách xa Đạo, thất đức làm rời xa Đạo Cho nên khái niệm Đức gần tương đồng với khái niệm Nghiệp trong Phật học:

* Công đức tương đồng với Chánh Định Nghiệp, dẫn đến Tuệ tri, Huệ năng.

* Đạo đức tương đồng với Chánh Nghiệp.

* Phước đức tương đồng với Thiện Nghiệp.

* Thất đức hay Ác đức tương đồng với Tà Nghiệp hay Ác Nghiệp.

Lưu ý là luôn: tự mình, tự tin, tự lực, tự tu, tự thành, tự tại.

Do đó, cũng cần phải phân biệt: Công sức, thứ bỏ ra hành việc thế gian, khác với Công đức, hành công hạnh qua công phu tu luyện chánh trí và đức nhân. Công sức hay phước đức chỉ là nhân đem lại quả là điều tốt lành nhưng vẫn chỉ quanh quẩn ở thế gian.

Còn Công Đức, công hạnh là nhân đem lại quả là nhập đạo, hay đoạt giải thoát. Lưu ý: công phu mà thiếu chánh trí quán sát chánh tâm giúp thành tựu công hạnh vô vi, sẽ là lạc vào ngoại Đạo.

Tóm lại, không phân biệt phước đức và công đức thì sẽ không phân biệt đâu là chánh, tà. Thì sao mà thấy đường vào Đạo. Căn bản của pháp giác ngộ là luôn vận dụng trí tuệ để thấy được Tánh. Siêng năng ưa thích nương tựa, cầu vọng, tán thán sắc tướng mà biếng lười tư duy là tu mê ngộ, tất sẽ thấy ma.

Không phân biệt giữa Công đức/Phước đức cũng như Công phu/Công sức thì không bao giờ thấy được ĐẠO. Nên nhớ rằng Công đức là do ta tự soi chiếu bên trong mình (tự soi chiếu chỉnh sửa lại hành thức bên trong mình) tu thành phẩm hạnh để dần trở về với ĐẠO. Phước đức là những việc làm bên ngoài (từ thiện người tàn tật, già yếu, trẻ mồ côi, người nghèo khổ), giúp đỡ cộng đồng (kiến thức đúng, phương tiện sống, phương tiện học tập, tu tập), bảo vệ môi sinh, nhằm trợ duyên giúp giảm thiểu quả báo của bản thân, tránh bớt những oán nghiệp thế gian chứ hoàn toàn không giúp đắc đạo. Một lần nữa chúng ta chớ bị lầm lẫn điều cơ bản này.

Cũng cần phân biệt giữa công sức (gắng sức làm những việc thế gian, gắng sức học/giảng dạy) và công phu (chuyên cần tu luyện theo định hướng). Tuy nhiên nếu việc định hướng hữu vi (cầu/tranh/đoạt/chấp) thì tất nhiên công phu ấy chỉ là ngoại Đạo hoặc công sức hành trì tu tập theo tà pháp, nô dịch (hộ pháp) cho tà sư, tuyên truyền cổ vũ tà pháp, dẫn tới gây mê hoặc cho tín chúng, đó sẽ là hành động thất đức (Tà/Ác nghiệp).

Đối chứng lời dạy của Tổ Đạt Ma:

“Nếu người cầu đạo không hiểu được ý nghĩa của việc đúc vẽ hình tượng (lấy thân làm lò đốt, lấy pháp làm lửa nóng, lấy trí huệ làm thợ khéo, lấy ba nhóm giới thanh tịnh cùng với sáu pháp ba-la-mật làm khuôn đúc để mà đúc luyện) chứ không phải là pháp hữu vi hoại nát, thì do đâu có thể nói là được công đức?… Lại nói về việc lễ lạy (Lễ tức là cung kính đối với chân tánh, lạy tức là khuất phục sự ngu si tăm tối), cần phải theo đúng như chánh pháp. Lý trong tâm phải luôn sáng rõ, sự bên ngoài phải biết tùy hoàn cảnh mà thay đổi thích hợp. Hiểu được ý nghĩa như thế mới gọi là theo đúng như chánh pháp… Bên ngoài rõ biết, bên trong sáng tỏ, tánh và tướng cùng tương hợp với nhau. Nếu không làm theo đúng pháp như thế, chỉ mê chấp cầu hình tướng bên ngoài, trong lòng buông thả những tham lam, ngu si, thường làm các nghiệp ác, thì ngoài chỉ nhọc nhằn thân xác vô ích, giả hiện vẻ uy nghi, không biết hổ thẹn với bậc thánh, dối gạt kẻ phàm tục, chẳng ra khỏi chốn luân hồi, làm sao lại thành công đức? Chỉ tham những điều lành nhỏ nhoi trước mắt, nào biết được nỗi khổ lớn mai sau? Tu học như thế chỉ tự mình nhọc công phí sức, bỏ chánh theo tà, ai bảo là được phước?”…

Xem thêm Luận về Xây Chùa, Đúc Tượng, Lễ Lạy – Thiết Thất Lục Môn Yếu Chỉ/ Phá tướng Luận đệ nhị môn.

Lời dạy Tổ Huệ Năng:

“Xây chùa, bố thí, cúng dường chỉ là tu phước, không thể lấy phước làm công đức được. Công đức ở tại Pháp thân, không phải ở phước điền. Tự trong pháp tánh đã có công đức. Kiến tánh là công, bình đẳng là đức. Bên trong thấy Phật tánh, bên ngoài tu hành cung kính. Nếu như khinh tất cả mọi người, không cắt đứt được sự chấp ngã, thì tự mình không thể có công đức được. Nếu như tự tánh mình hư vọng, Pháp thân không còn có đức nữa. Nếu trong niệm niệm liên tục có tu hành phước đức và bình đẳng chơn tâm, thì công đức sẽ không nhỏ và hành vi luôn luôn cung kính. Tự tu thân là công, tự tu tâm là đức. Công đức là do tự tâm mà ra, phước đức và công đức là khác nhau”.

Hãy cùng nhau thức tỉnh để mà nhận ra chân lý qua lời truyền dạy của Phật và chư Tổ chính quy, nếu không muốn làm dân ma thời mạt pháp.

No comments:

Post a Comment

Đạo Phục Cao Đài Song Linh

Đạo Phục Cao Đài Song Linh https://www.facebook.com/reel/1806203276455701