Wednesday, April 19, 2023

Hoa hạnh

 http://donga01.blogspot.com/2010/04/hoa-hanh.html

Photobucket


Cây hạnh chính là apricot trong tiếng Anh. Tên khoa học là Prunus armeniaca. Tiếng Việt vẫn thường được dịch tương đương là mơ. Nhưng cây mơ ở Việt Nam lại là thứ cây khác, có tên khoa học là Prunus mume, tức là một loại mai. Mai này là thứ mai chính tông chứ không phải thứ mai vàng ở miền Nam. Theo một ý nghĩa nào đó, mơ có thể coi là tiếng Nôm của mai. Ở Hà Nội có chợ Mơ nằm ở khu vực Bạch Mai, Hoàng Mai là như vậy. Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi là loại mơ mai, chứ không phải là loại  mơ hạnh. Quả mơ hạnh ăn rất ngon, và tôi thấy thích hơn quả mơ mai. Nhưng tôi không thấy có loại mơ hạnh trồng ở Việt Nam. Chi Prunus là chi mà tất cả danh hoa mai, mận, hạnh, lý, đào đều ở trong đấy.

Đầu xuân cây hạnh ra hoa. Ban đầu là nụ đỏ, nhưng khi nở lại thành hoa trắng, bởi vì đài hoa màu đỏ, còn cánh hoa lại màu trắng. Vì vậy mà người ta còn gọi là "hồng hạnh", tức là hoa hạnh đỏ hay hoa hạnh thắm. Một bài thơ cổ khuyết danh có câu thơ: Ở đây hạnh thắm nên mai nhạt / Về đấy sen tàn lỗi cỏ hương. Câu thơ này có cả hạnh lẫn mai, tức đều là mơ cả. Như vậy ở Việt Nam có cây hạnh mà tôi không biết, hay câu thơ trên chỉ mang tính ước lệ vốn phổ biến trong thi ca? Cây hạnh góp mặt rất nhiều trong văn chương, điển tích cổ điển. Từ hạnh lâm, hạnh đàn đến hạnh hoa thôn. Điểm rất đặc biệt là hoa hạnh thường nở vào lúc có mưa xuân, kiểu như mưa phùn. Lục Du từng có câu thơ "Thâm hạng minh triêu mại hạnh hoa", có nghĩa là ở ngõ sâu buỏi sáng bán hoa hạnh. Nhưng bây giờ tôi lại thấy khó hiểu sao lại bán hoa hạnh? Hoa hạnh đâu phải là thứ hoa để cắm trong bình, trong lọ? Có lẽ hoa hạnh không phải để bày trong nhà, hoa hạnh để cài đầu. Đỗ Mục có bài thơ Hạnh viên như sau:

Dạ lai vi vũ tẩy phương trần
Công tử hoa lưu bộ thiếp quân
Mạc quái hạnh viên tiều tụy khứ
Mãn thành đa thiểu sáp hoa nhân

và tôi dịch như sau:

Mưa phùn tẩy sạch phấn đêm qua
Công tử thong dong tuấn mã ra 
Đừng lạ hạnh viên tiều tụy bỏ
Đầy thành khôn xiết kẻ cài hoa

Bây giờ cũng không thấy có ai cài hoa hạnh vô tóc nữa. Cũng không thấy có ai bán hoa hạnh.

Photobucket

No comments:

Post a Comment

Đạo Phục Cao Đài Song Linh

Đạo Phục Cao Đài Song Linh https://www.facebook.com/reel/1806203276455701