Monday, December 19, 2022

LÀM CON ỐC VÍT

 https://www.facebook.com/minhducgav/posts/pfbid02bmQxzDVXZCkP3xyGYp8F5qBKM8nkZout6pTNcj5ZEH146Mx5erhPudYCjJTyTeaAl

Từ chục năm nay, người ta hay dùng câu chuyện doanh nghiệp Việt Nam không làm được con ốc vít để nói về công nghiệp hoá đất nước.
Thực ra, nói cho đúng, doanh nghiệp Việt Nam thừa sức làm con ốc vít đạt tiêu chuẩn. Nhưng con ốc vít doanh nghiệp Việt Nam làm ra thì đắt hơn ốc vít nhập khẩu. Thế nên, người ta thà nhập khẩu ốc vít chứ không sản xuất trong nước.
Nói rộng ra, đó chính là vấn đề của các nước công nghiệp hoá muộn. Tức là chúng ta không phải sáng tạo gì nhiều, nhưng muốn cạnh tranh được thì chúng ta phải làm rẻ hơn đối thủ. Mà muốn hàng hoá rẻ hơn, thì cần hai yếu tố quan trọng nhất. Một là chi phí đầu vào rẻ hơn (1) và hai là quy trình quản trị sản xuất kinh doanh tốt (2).
(1) Về yếu tố thứ nhất, chi phí đầu vào, Việt Nam có ưu thế chi phí nhân công rẻ, chi phí môi trường vẫn rẻ. Nhưng chi phí vốn tại Việt Nam rất cao, do lãi suất tiền đồng cao. Trung bình dài hạn, lãi suất tiền đồng luôn cao hơn lãi suất các ngoại tệ mạnh khoảng 3% - 4%. Nguyên nhân của hiện tượng này là do rủi ro của việc đầu tư bằng tiền đồng luôn cao hơn rủi ro của việc đầu tư bằng ngoại tệ mạnh khác.
Muốn hạ lãi suất tiền đồng thì cần làm ba việc. Một là kinh tế vĩ mô phải ổn định, bao gồm cả lạm phát thấp, thâm hụt ngân sách thấp, tỷ giá ổn định (a). Hai là thị trường tài chính phải mạnh và sạch (b). Ba là rủi ro kinh doanh phải thấp (c).
(a) Kinh tế vĩ mô Việt Nam không thực sự ổn định. Chúng ta dính cuộc khủng hoảng chứng khoán năm 2008, dính quả lạm phát 2011, tiếp tục vướng vào rủi ro nợ công năm 2016 và bây giờ là những bất ổn vĩ mô 2022.
(b) Kỷ luật thị trường tài chính rất yếu. Hệ thống ngân hàng dính chưởng năm 2012 và được cải thiện khá tốt từ đó đến nay. Nhưng mảng chứng khoán thì tình trạng thao túng chứng khoán, mua chui bán chui, gian lận báo cáo tài chính và hồ sơ kiểm toán, giao dịch nội gián vẫn diễn ra khá phổ biến. Trái phiếu doanh nghiệp mới bắt đầu nở rộ từ 2018 thì đến nay đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ.
(c) Còn nói về môi trường kinh doanh thì rủi ro ở Việt Nam không phải là nhỏ. Quy định pháp luật thay đổi thường xuyên mà không được tham vấn trước là rủi ro. Quy định pháp luật không rõ ràng nên lúc thì hiểu thế này, sau lại hiểu thế khác cũng là rủi ro. Thay đổi điều chỉnh quy hoạch cũng là rủi ro. Đối tác vi phạm hợp đồng mà kiện ra toà không hiệu quả cũng là rủi ro. Thay đổi lãnh đạo mà quyền lực của lãnh đạo không bị nhốt trong lồng thể chế cũng là rủi ro.
(2) Về yếu tố thứ hai, quy trình quản trị doanh nghiệp tốt giúp các chi phí giá rẻ như trên được sử dụng hiệu quả, không bị lãng phí. Quy trình quản trị doanh nghiệp là cái cần phải làm nhiều rồi tích luỹ dần dần, chứ khó có thể học mót nước ngoài như đi học công nghệ.
Để doanh nghiệp có thể tích luỹ được kinh nghiệm quản trị kinh doanh, đòi hỏi Nhà nước phải vận dụng các công cụ chính sách cạnh tranh và bảo hộ khéo léo. Nếu để doanh nghiệp nội phải cạnh tranh với nước ngoài sớm quá, thì họ chết trước khi kịp tích luỹ. Nhưng nếu bảo hộ quá, tạo độc quyền thì lại chẳng ai có động lực cải tiến.
Vấn đề của chính sách cạnh tranh và bảo hộ là nó rất dễ bị thao túng. Bất kỳ một doanh nghiệp nào đang được Nhà nước bảo hộ cũng sẽ tìm cách tác động cán bộ nhà nước để tiếp tục được hưởng chính sách bảo hộ đó. Thế nên, muốn có chính sách cạnh tranh tốt thì điều kiện tiên quyết là phải có chính quyền sạch.
Có quá nhiều thứ phải làm để có thể sản xuất được con ốc vít, phải không?

No comments:

Post a Comment

Đạo Phục Cao Đài Song Linh

Đạo Phục Cao Đài Song Linh https://www.facebook.com/reel/1806203276455701