Sunday, July 24, 2022

HƯỚNG NỘI HAY GẮN BÓ LẢNG TRÁNH

 Nghiên cứu của Bowlby và Ainsworth cho thấy có người trưởng thành có 4 khuynh hướng tương tác với tha nhân như là kết quả của sự gắn bó [attachment] với cha mẹ thuở thiếu thời. Một trong các khuynh hướng đó là lảng tránh [avoidant/dismissive-avoidant], xuất phát từ việc gắn bó không an toàn với những người chăm sóc.

Khuynh hướng này thường do việc đã có những người chăm sóc nghiêm khắc, lạnh lùng, vắng mặt thường xuyên, hay xa cách về tình cảm. Mặc dù đôi khi người chăm sóc của trẻ có cách đối xử như vậy phát xuất từ ý định “tốt”; chẳng hạn, muốn trẻ độc lập, tự bảo vệ mình, không muốn trẻ lệ thuộc vào bố mẹ. Tuy nhiên qua đó chúng ta cũng thấy những ý định này phát xuất tự sự kém hiểu biết về nhu cầu của trẻ trong từng giai đoạn phát triển tâm lý. Điều này dẫn đến việc khi trẻ cần phụ thuộc để hình thành mối gắn bó lành mạnh thì lại muốn trẻ độc lập, và khi trẻ ở lứa tuổi vị thành niên cần độc lập thì lại muốn trẻ lệ thuộc mình. Trong một số trường hợp khác, khi người chăm sóc bản thân bị những tổn thương tâm lý khiến cho họ không thể dễ dàng tiếp nhận tình yêu thương, sự kết nối gắn bó, và cảm xúc nồng nhiệt của trẻ, họ cũng từ chối đáp ứng hay thậm chí hất hủi những biểu lộ thương yêu của trẻ. Điều này cũng ảnh hưởng tiêu cực dẫn đến mối gắn bó bất an lảng tránh kể trên.
Mặc dầu những đứa trẻ này khi lớn lên có thể hình thành một ý thức độc lập mạnh mẽ để không phải dựa vào tình cảm bất kỳ ai khác, sự thái quá trong sự độc lập này biểu hiện rõ một sự gắn bó bất an lảng tránh khi chúng có những nhận thức và hành vi sau. Về nhận thức, họ tự hào rằng mình là một người độc lập và cứng rắn, tin rằng không cần người khác trong cuộc sống của mình, nghĩ rằng mọi người đến với mình chỉ là một sự trao đổi, không tin tưởng người nào là hoàn toàn chân thật với mình, thậm chí cảm thấy đe dọa khi có người muốn kết thân với mình. Họ có thể cảm thấy dửng dưng khi người khác bày tỏ tình cảm cảm xúc với họ và thường tránh sự thân mật trong tình cảm và thậm chí thể xác. Các mối quan hệ tình cảm vì thế thường cạn cợt. Người kia có thể cảm thấy họ không bao giờ được phép tiến vào bên trong trong tâm hồn của người có mối quan hệ gắn bó lảng tránh, và có thể sẽ bị bỏ rơi khi mối quan hệ này trở nên nghiêm túc hay thân mật. Và vì thế ở đây chúng ta có thể có những người đàn ông và đàn bà tránh né sự “cam kết” trong tình yêu lẫn hôn nhân.
Có một vài dấu hiệu biểu hiện sự gắn bó bất an này chúng ta cần chú ý khi nhận định về tính cách. Ngoài việc người gắn bó lảng tránh thường cảm thấy mình có một ý chí độc lập mạnh mẽ, họ thường cảm thấy thoải mái khi ở một mình và không cảm thấy thoải mái hay bình an khi tương tác với người khác. Dĩ nhiên chúng ta không chỉ từ một hiện tượng này để kết luận một người “thích ở một mình” là có mối gắn bó lảng tránh. Thế nhưng bao nhiêu bạn tự hào mình là người hướng nội thật ra là đang trong trạng thái gắn bó bất an lảng tránh? Một người với lối gắn bó đó có thể trở thành một người hướng nội, không tin tưởng, né tránh người khác và vì thế chọn các hoạt động một mình để tìm được sự bình an.
Đây chỉ là vài gợi ý để các bạn tự chiêm nghiệm về ảnh hưởng của tuổi thơ đến tâm trạng và thái độ của mình đối với tha nhân hiện nay. Con đường tự tri – tự biết mình còn dài.

No comments:

Post a Comment

Đạo Phục Cao Đài Song Linh

Đạo Phục Cao Đài Song Linh https://www.facebook.com/reel/1806203276455701