Thursday, January 13, 2022

CHẾT ĐUỐI TRÊN CẠN

 http://www.cgvdt.vn/xa-hoi/gia-dinh/goc-nha/chuyen-cu-ke-lai-chet-duoi-tren-can_a12686

Chuyện cũ kể lại: CHẾT ĐUỐI TRÊN CẠN

 

1.

 Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc (1890 - 1942) và Tĩnh Trai Trần Lê Nhân (1877 - 1975) cùng hợp soạn bộ sách Cổ Học Tinh Hoa (hai quyển). Quyển đầu do Vĩnh Hưng Long Thư Quán (49-51 Hàng Ðường, Hà Nội) in lần thứ nhất năm 1926.

Mở đầu “Tiểu Tự” viết tại Hà Nội ngày 21-10 Ất Sửu (Chủ Nhật 06-12-1925), để nêu rõ mục đích soạn sách nhắc chuyện đời xửa đời xưa giữa đời tân tiến, hai cụ viết:

“Có mới, nới cũ” thường tình vẫn thế. Tân học mỗi ngày một tiến, tất Cựu học phải lùi và có khi sợ rồi mai một đi mất.

 

 

Nhưng, Tân học mà hay, tất là Tân học có một nền tảng vững chắc. Nền tảng ấy tức là tinh hoa của Cựu học. Cựu học nước nhà là một thứ học trải qua bao nhiêu đời, đã làm cho ông cha ta phù thực được cương thường, chấn chỉnh được phong hóa, bảo tồn được quốc thể, duy trì được thế đạo nhân tâm, thật không phải là một cái Học không có giá trị đáng khinh rẻ hay quên bỏ được. Vả chăng: “Tri kim nhi bất tri cổ, vị chi manh cổ; tri cổ nhi bất tri kim, vị chi lục trầm” ta đã biết truyện đời nay, ta lại cần phải học truyện đời xưa, ta ôn lại việc đời xưa mà ta rõ được việc đời nay, có như thế, thì cái Học của ta mới không đến nỗi khiếm khuyết.”

Sau gần trăm năm kể từ bản in 1926, ngoài hai chữ phù thực 扶植 (chống đỡ), bạn đọc hôm nay đọc câu “Tri kim nhi bất tri cổ, vị chi manh cổ; tri cổ nhi bất tri kim, vị chi lục trầm”  (mà tôi tô đậm nét), ắt không dễ hiểu lời người xưa. Hai cụ giáo này dẫn lại câu sách cổ mà không ghi xuất xứ, lại đảo ngược thứ tự trước sau, cũng chẳng giảng nghĩa chi hết, dù hai cụ thừa biết đời sau rất ít người thông Nho như hai cụ.

Bộ sách rất giá trị của hai cụ trong suốt thế kỷ Hai Mươi được tái bản nhiều lần. Cũng vì không hiểu nghĩa chữ Nho, đã có bản in sai là vị tri lục trầm” thay vì vị chi lục trầm”Vị tri 未知 là “chưa biết”. Vị chi 謂之 có nghĩa “được gọi là”. Ý nghĩa của chúng khác nhau hẳn. Chả trách tục ngữ bảo: “Sai một ly, đi một dặm.”

 

2.

 Câu chữ Nho trong Cổ Học Tinh Hoa là lời Vương Sung 王充 (27 - 100) đời Ðông Hán, viết trong sách Luận Hành 論衡 (thiên Tạ Ðoản 謝短). Lược trích theo thứ tự trong nguyên bản, Vương Sung viết như sau:

a/ Phù tri cổ bất tri kim, vị chi lục trầm . . . 夫知古不知今, 謂 之陸沉 . . . (Biết xưa không biết nay, gọi là ngu muội . . .)

b/ Phù tri kim bất tri cổ, vị chi manh cổ. 夫知今不知古, 謂之盲瞽. (Biết nay không biết xưa, gọi là mù lòa.)

Như vậy, hai cụ Ôn Như và Tĩnh Trai đã đảo thứ tự a-b thành b-a; bỏ bớt trợ ngữ từ phù 夫 đặt đầu câu (hoặc dịch là “ôi”, hoặc không dịch); hai lần thêm liên từ nhi 而 (nghĩa là “nhưng mà”).

 

3.

 Trong câu văn của Vương Sung, hai chữ lục trầm dùng theo nghĩa bóng. Từ điển điện tử zdic.net của Tàu giảng “lục trầm” là 昏沉愚昧 (hôn trầm ngu muội). “Hôn trầm” là mụ mị, choáng váng, mơ mơ màng màng, không tỉnh táo. “Ngu muội” là dốt nát, tối tăm. Ðể làm ví dụ, zdic.net dẫn luôn câu “Phù tri cổ bất tri kim, vị chi lục trầm” của Vương Sung.

Nhưng “lục trầm” lại có nghĩa đen rất hay, và zdic.net giảng là 陸地沉沒 (lục địa trầm một), rồi cho luôn tiếng Anh tương đương là “land sinks”. Vậy “lục trầm” là chết chìm trên đất bằng. Chết chìm sông biển đã đành; trên cạn mà cũng chết chìm thì éo le, trớ trêu quá lắm. Chính cái nghĩa đen này giúp chúng ta thêm thấm thía câu thơ tài hoa của danh sĩ Nguyễn Gia Thiều (1741 - 1798).

Nguyễn Gia Thiều là con nhà gia thế ở Bắc Hà, thông minh, học giỏi, lúc bé con đã sớm vào học trong phủ Chúa Trịnh, mười tám tuổi tây đã có chức quan rồi thăng tiến mau, được ban tước hầu (Ôn Như Hầu 溫如侯), được truyền tụng là văn võ song toàn. Với thân thế như vậy, thì tác giả Cung Oán Ngâm Khúc dư sức hiểu hai chữ “lục trầm” theo nghĩa bóng là ngu muội. Thế nhưng Nguyễn Gia Thiều lại dùng nghĩa đen của “lục trầm” để hạ bút viết hai câu thơ bất hủ:

Trẻ Tạo Hóa đành hanh quá ngán,

Chết đuối người trên cạn mà chơi!

 

“Ðành hanh” là đáo để, cay nghiệt. “Trẻ Tạo Hóa” là một cách dịch Hóa Nhi 化兒 hay Tạo Hóa Tiểu Nhi 造化小兒 của Tàu, ví Ông Trời như trẻ con thích chơi đùa cắc cớ, nên chẳng ngại bày trò cho kẻ trần gian tuy ở trên cạn mà vẫn dễ dàng chết đuối.

Thời còn cắp sách, nhờ phần trích giảng Cung Oán Ngâm Khúc trong chương trình cổ văn bậc trung học, tôi có biết qua loa hai câu thơ trên. Bây giờ tuổi vào xế chiều, tình cờ giở lại sách cũ chữ xưa của những bậc tài hoa đã đi vào thiên cổ, có dịp suy gẫm cách Nguyễn Gia Thiều diễn giải “lục trầm” của Tàu thành “chết đuối người trên cạn” thì vừa bội phần khâm phục ông, vừa ngậm ngùi thấm thía chuyện đời, chuyện người giữa cõi ta bà bấp bênh, bất trắc.

 

Nhiêu Lộc, 22-3-2021

HUỆ KHẢI

No comments:

Post a Comment

Đạo Phục Cao Đài Song Linh

Đạo Phục Cao Đài Song Linh https://www.facebook.com/reel/1806203276455701