Thursday, July 18, 2024

CÁCH ĐẶT TÊN VÀ BIỆT HIỆU CỦA RƯỢU

 https://www.chuonghung.com/2024/07/dich-thuat-cach-at-ten-va-biet-hieu-cua.html


Bát nhã thang, HOAN BÁ, VONG ƯU VẬT, TẢO SẦU TRỬU, ĐIẾU THI CÂU

欢伯   忘忧物   扫愁帚   钓诗钩 

Bát nhã thang

          Nhà Phật cấm chỉ tăng nhân uống rượu, nhưng có tăng nhân lại lén uống, cho nên “Bát nhã thang” 般若汤 là ẩn ngữ của hoà thượng đối với rượu. Đậu Cách 窦革 đời Tống trong “Tửu phổ - Dị vực cửu” 酒谱 - 异域九viết rằng:

          Thiên Trúc quốc vị tửu vi tô, kim bắc tăng đa vân Bát nhã thang. Cái sấu từ dĩ tị pháp cấm nhĩ, phi Thích điển sở xuất.

          天竺谓酒为酥今北僧多云般若汤盖瘦词以避法禁尔非释典所出.

          (Nước Thiên Trúc gọi rượu là tô, nay tăng nhân phương bắc đa phần gọi là Bát nhã thang, từ này dùng để tránh phép cấm, không phải xuất phát từ kinh sách nhà Phật.)

          Tô Thức 苏轼trong “Đông Pha chí lâm – Quyển nhị - Tăng văn huân thực danh” 东坡志林 - 卷二 - 僧文荤食名có viết:

          Tăng vị tửu vi ‘Bát nhã thang’ ngoại, hoàn xưng ngư vi ‘thuỷ thoa hoa’, kê vi ‘toản li thái’, đô thị ta yểm nhĩ đạo linh, tự khi khi nhân nhượng thế nhân trào tiếu đích bả hí bãi liễu.

          僧谓酒为 ‘般若汤’ 还称鱼为 ‘水梭花’, 鸡为 ‘钻篱菜’, 都是些掩耳盜铃自欺欺人让世人嘲笑的把戏罢了.

          (Tăng nhân ngoài gọi tửu là “Bát nhã thang” ra, còn gọi cá là ‘thuỷ thoa hoa’, ‘gọi gà là ‘toản li thái’, đều là “bịt tai trộm chuông”, dối mình dối người như vở kịch để người đời chê cười mà thôi).

          Về khởi nguyên của từ “Bát nhã thang”, trong “Thích thị hội yếu” 释氏会要có chép một truyền thuyết thú vị:

          Vào những năm niên hiệu Trường Khánh 长庆đời Đường, có vị tăng nhân du phương đến một tự viện “quải đơn” 挂单 (đơn  chỉ “danh đơn” 名单của tăng đường; vị tăng hành cước đem tăng y của mình treo dưới danh đơn, ý nói vị tăng hành cước muốn nghỉ lại qua đêm ở tự viện), bảo thị giả trong tự viện mua rượu về, tự tăng đại nộ trách người nọ không tuân thủ quy củ, bèn đoạt lấy bình rượu nhắm đến cây bách mà vất, trong phút chốc bình rượu bị vỡ còn rượu toàn bộ lại ngưng đọng trên cây, vị du tăng đó nói rằng: ‘Ta tụng ‘Bát nhã kinh’, cần uống một li rượu, thì âm thanh mới vang.’ Bèn đem bình rượu hợp lại thu hồi rượu đã đổ, một giọt cũng không mất, sau đó ung dung đem rượu đổ vào bụng. Kì thực, đem rượu gọi là “Bát nhã thang” còn có một tầng ý nghĩa nữa: Bát nhã là danh từ trọng yếu nhất trong Phật học, nó là dịch âm từ Phạm văn, ý nghĩa là trí tuệ. Người ham thích rượu tất cho rằng rượu xuống bụng, tuy trầm tuý dễ quên đi phiền não nhưng mà biểu hiện lại đắc ý vong hình, thường vào lúc đó đột nhiên đốn ngộ được chân đế nhân sinh mà thường ngày không phát giác ra, giống như được “điểm hoá” mà tâm trí tăng lên gấp bội.

Hoan bá 欢伯

          Rượu có thể mang hoan lạc đến cho con người, quên đi những phiền não, cho nên rượu cũng được xưng là “hoan bá” 欢伯. “Hoan bá” xuất hiện sớm nhất trong “Dịch lâm – Khảm chi đoài” 易林 - 坎之兌 của Tiêu Diên Thọ 焦延寿đời Hán:

Tửu vi hoan bá, trừ ưu lai lạc.

酒为欢伯除忧来乐

(Rượu là hoan bá, trừ bỏ những ưu phiền, mang đến niềm vui)

          Đây cũng là một trong những nguyên nhân trọng yếu vì sao mọi người luôn không quên rượu.

          Trong rất nhiều thơ từ cổ cũng từng dùng “hoan bá” 欢伯làm biệt hiệu của rượu, như Dương Vạn Lí 杨万里 đời Tống trong “Hoà Trọng Lương xuân vãn tức sự” 和仲良春晚即事bài thứ 4 có viết:

Bần nan sính hoan bá

Bệnh cảm khoá liên tiền

贫难聘欢伯

病敢跨连钱

(Lúc nghèo, khó mà mời được hoan bá đến vui

Khi bệnh, cũng không dám dùng tiền lãng phí)

          Trong bài thơ “Đề Tương Trung quán” 题湘中馆có câu:

Sầu biên chính vô nại

Hoan bá nhất tương khai

愁边正无奈

欢伯一相开

(Có nỗi sầu bên cạnh không biết phải làm thế nào

Chỉ biết vui cùng hoan bá)

          Tiền Khiêm Ích 钱谦益 đời Thanh trong “Thứ vận Từ tẩu Văn Hồng thất thập tự thọ” 次韵徐叟文虹七十自寿cũng viết rằng:

Phù sinh tác bạn giai hoan bá

Bạch nhãn khan nhân tức thuỵ hương

浮生作伴皆欢伯

白眼看人即睡乡

(Làm bạn chốn phù sinh này đều là hoan bá

Chẳng ai hợp ý, chỉ biết có ngủ say) 

Vong ưu vật 忘忧物

          Ý nghĩa cũng tương đồng với “hoan bá”, đều nêu tác dụng của rượu có thể khiến người ta hoan lạc. Thời Đông Tấn, Đào Tiềm 陶潜quy ẩn điền viên, vui thích rượu trong “Ẩm tửu” 饮酒bài thứ 7 viết rằng:

Phiếm thử vong ưu vật

Viễn ngã di thế tình

Nhất thương tuy độc tận (1)

Bôi tận hồ tự khuynh

泛此忘忧物

远我遗世情

一觞虽独尽 (1)

杯尽壶自傾

(Đem hoa cúc ngâm vào “vong ưu vật”

Uống vào khiến ta lánh xa được thế tình

Từng li tuy chỉ riêng mình uống hết

Li hết lại nghiêng bình rót thêm)

          Bạch Cư Dị 白居易 đời Đường trong “Tiền Hồ Châu dĩ Nhược hạ tửu Lí Tô Châu dĩ ngũ đầu tửu tương thứ kí đáo Vô Nhân đồng ẩm liêu vịnh sở hoài” 钱湖州以箬下酒李苏州以五酘酒相次寄到无因同饮聊咏所怀:

Lao tương Nhược hạ vong ưu vật

Kí dữ Giang Thành ái tửu ông

劳将箬下忘忧物

寄与江城爱酒翁

(Đem Nhược hạ tửu, loại “vong ưu vật này

Gửi tặng cho ông lão thích rượu ở Giang Thành) 

Tảo sầu trửu 扫愁帚, điếu thi câu 钓诗钩

          Đương lúc tâm tình không được vui, uống li rượu vào “mượn rượu tiêu sầu”, “nhất tuý giải thiên sầu” 一醉解千愁(khi say có thể tiêu trừ ngàn nỗi sầu). Rượu giống như cây chổi, có thể quét sạch ưu sầu phiền não giống như quét bụi, nhưng thường sau khi tỉnh rượu thì lại “Cử bôi tiêu sầu sầu cánh sầu” 举杯消愁愁更愁 (nâng li tiêu tiêu sầu mà lại càng sầu thêm).

          Rượu và văn nhân kết duyên với nhau. Lí Bạch 李白, Tô Đông Pha 苏东坡, Đào Uyên Minh 陶渊明, những người khổng lồ này trên văn đàn đều cực kì ham thích rượu. Văn nhân Trung Quốc lại nhân vì ngạo cốt, bản thân mình không chịu đồng lưu hợp ô, mà đa phần bất đắc chí, nhân đó mượn rượu giải sầu, rượu trở thành thứ không thể thiếu để họ ngâm thơ làm văn. Linh cảm lúc hơi say như dòng suối tuôn trào, ít nhiều những câu thơ hay ngàn xưa lưu truyền đến nay đều là thi nhân mượn rượu mà thành. Dựa vào đặc điểm này của rượu, đại văn hào Tô Đông Pha đời Tống ở lời tựa trong bài “Động Đình xuân sắc” 洞庭春色đã gọi rượu là “tảo sầu trửu” 扫愁帚 (chổi quét nỗi sầu), “điếu thi câu”  钓诗钩 (lưỡi câu câu thơ):

Yếu đương lập danh tự

Vị dụng vấn thăng đẩu

Ưng hô điếu thi câu

Diệc hiệu tảo sầu trửu

要当立名字

未用问升斗

应呼钓诗钩

亦号扫愁帚

(Muốn lập được danh tiếng

Chưa dùng đến tài thăng đẩu

Nên gọi đến điếu thi câu

Cũng có hiệu là tảo sầu trửu)

          Trong lời tựa, người mà Tô Đông Pha nói đến trong “Động Đình xuân sắc” là An Định Quận Vương 安定郡王 (Triệu Thế Chuẩn 赵世準), rượu do ông ta ủ thành có được “tam tuyệt”, sắc, hương, vị đều tuyệt.

Chú của người dịch

1-Trong nguyên tác ở câu này là:

Nhất thương tuy do tiến

一觞虽犹进

Các tài liệu trên mạng đều là “Nhất thương tuy độc tận 一觞虽独尽.

                                                                Huỳnh Chương Hưng

                                                               Quy Nhơn 18/7/2024

Nguồn

TỬU TỤC

酒俗

Tác giả: Từ Cẩn 徐谨

Thiên Tân: Thiên Tân nhân dân xuất bản xã, 2012.

Sunday, July 7, 2024

Quân tử tứ thủ: Thủ ngu, thủ tĩnh, thủ thời, thủ tín.

 https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0Hp63J38nxdgvDD5J9dddhcrqsCPuJiaqEx5bBFEHjTBrfXSzAgegAu2FfRVcewuFl&id=100089283792468&__cft__[0]=AZVyTBhjRSJInXV7p2TpD7WcT7XMgP8TI1XmKKRohX4J6fIc2ft_rc9vx0OlEHDz864zR5oxfTEUBBiOZk-f4hpyTA5ApjxSfz0fR4wnDv22cMwQZe6odtRs_FVlzP57ueyaVWlQvQfjH-XnCtZFXkK4QQ1lDFnWZ_JRShs-3KDOxs3TwFwM9JtktcI0GOm0uObo3glJqgd3NWw273fzO8yxxcHWTjnqt7jcX6znFdQnOA&__tn__=%2CO%2CP-R

Người trí tuệ có 4 điều cần gìn giữ – Quân tử tứ thủ: Thủ ngu, thủ tĩnh, thủ thời, thủ tín.
Thủ ngu: Người quân tử có đức lớn thì dung mạo như ngu ngốc
Sử Ký có ghi chép rằng, khi còn trẻ, Khổng Tử đã từng thỉnh giáo Lão Tử về đạo lý làm người. Lão Tử nói với Khổng Tử rằng: “Lương cổ thâm tàng nhược hư, quân tử thịnh đức dung mạo nhược ngu”.
Tạm dịch: “Thương nhân khôn ngoan thì giỏi cất giấu của cải, nhìn như là không có gì. Người quân tử có đức lớn thì dung mạo như ngu ngốc”.
Lão Tử khuyên Khổng Tử rằng, cần phải trừ bỏ cái khí cao ngạo và cái tâm tham dục, như thế mới có thể trở thành người quân tử, mới có thể trở thành bậc Thánh nhân. Đây cũng chính là cái gọi là “Đại trí nhược ngu” – người có trí huệ lớn thì trông như ngu ngốc.
Trong ‘Luận Ngữ – Công Dã Tràng’, Khổng Tử đánh giá Ninh Vũ Tử rằng: Con người của Ninh Vũ Tử, khi đất nước được cai trị tốt (có đạo lý), ông thể hiện sự thông minh. Tuy nhiên, khi đất nước rơi vào cảnh hỗn loạn (vô đạo), ông lại chọn cách giả vờ ngu ngốc. Kiểu thông minh đó của ông, người khác có thể bắt chước. Nhưng kiểu giả ngốc đó của ông, người khác muốn học cũng không học được.
Thủ tĩnh: Mỗi khi gặp đại sự đều tĩnh lặng
Tĩnh cũng là một đại trí huệ. Đạo Đức Kinh có giảng rằng, tĩnh là vua của âm thanh. Tĩnh có thể khắc phục tính khí nóng nảy ồn ào của con người. Sách Đại Học giảng rằng, tĩnh rồi sau đó mới có thể an, an rồi sau đó mới có thể suy nghĩ, suy nghĩ rồi sau đó mới có sở đắc. Có thể nói, tĩnh chính là nền móng của an định, suy nghĩ và sở đắc.
Có một câu chuyện như thế này: Khi một người thợ mộc đang làm việc, ông làm rơi chiếc đồng hồ của mình xuống mặt đất đầy vụn bào và tấm gỗ. Ông vô cùng sốt ruột, cuống cuồng tìm kiếm khắp nơi, nhưng càng vội lại càng không tìm được. Khi trời dần tối, mấy người học việc cùng nhau đến giúp ông tìm nhưng vẫn không thấy gì, người thợ mộc bèn bảo họ về nhà, mai lại tìm tiếp. Lúc này, người con trai út của ông lại tìm thấy chiếc đồng hồ.
Người thợ mộc kinh ngạc hỏi: “Chúng ta có nhiều người như vậy mà không tìm được, sao con lại tìm thấy?”.
Cậu con đáp: “Lúc đêm khuya tịch lặng, con nghe tiếng tích tắc của đồng hồ, lần theo tiếng mà tìm được nó”.
Thủ thời: Người quân tử chờ thời mà hành động
Thủ thời không phải là đúng giờ, mà là nắm bắt đúng thời cơ. Chu Dịch có giảng rằng: “Quân tử tàng khí ư thân, đãi thời nhi động”.
Tạm dịch: Người quân tử cất giấu tài năng trong người, chờ tời mà hành động.
Tức là người tân tử có tài năng, kỹ năng siêu quần trác việt, cũng không khoa khoang, hiển thị, mà đến thời khắc cần thiết thì mới đem tài nghệ ra thi triển. Lã Thượng (Lã Vọng) gặp Chu Văn Vương chính là như thế.
Câu nói này cũng nhắc nhở chúng ta rằng, khi chúng ta lặng lẽ không ai hay biết, thì phải tăng cường tu dưỡng bản thân, đợi đến khi có thời cơ, thì có thể thi triển đầy đủ tài hoa của mình.
Thời cơ, thời thế là khách quan, không phải con người tạo ra được. Thế nên, chúng ta chỉ có thể làm tốt những gì chúng ta có thể làm, và chờ đợi thời cơ, nắm bắt thời cơ. Đó chính là thủ thời. Một người biết thủ thời thì nhất định sẽ có sự chuẩn bị đầy đủ, sẽ không để thời cơ vuột mất.
Thủ tín: Con người mà không giữ chữ tín thì không biết có thể làm được gì
Sách Luận Ngữ có viết: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã. Đại xa vô nghê, tiểu xa vô ngột, kỳ hà dĩ hành chi tai?”.
Tạm dịch: “Con người mà không giữ chữ tín, thì không biết có thể làm được gì. Giống như xe lớn không có đòn ngang lớn, xe nhỏ không có đòn ngang nhỏ, sao có thể đi được?”.
Tăng Tử, người nước Lỗ, là học trò của Khổng Tử, đã kế thừa và hoằng dương Nho giáo. Một hôm, vợ của Tăng Tử đi chợ, con trai khóc lóc đòi đi cùng bà. Thế là bà nói với con trai: “Con về nhà đi, lát nữa mẹ đi chợ về sẽ giết lợn cho con ăn”.
Khi bà đi chợ về, Tăng Tử bắt lợn ra định giết lợn. Vợ ông ngăn lại và nói rằng, bà chỉ nói đùa với con trai thôi, không nên coi đó là thật. Tăng Tử nói: “Không thể đùa giỡn với trẻ con! Trẻ con không có khả năng suy nghĩ và phán đoán. Chúng đang chờ cha mẹ dạy dỗ và nghe theo lời dạy dỗ của cha mẹ. Hôm nay bà lừa dối con thì chính là bà đang dạy nó lừa dối người khác. Mẹ đã lừa dối con, thì con sẽ không tin mẹ. Đây không phải là cách dạy con trở thành bậc chính nhân quân tử”.
Vì vậy, Tăng Tử cuối cùng đã giết con lợn và nấu cho con ăn.
Người có trí tuệ lớn ắt sẽ gìn giữ 4 điều trên. Người bình thường, nếu luyện được, gìn giữ được 1 trong 4 điều này ắt cũng sẽ có trí tuệ và phước lành, còn người nào luyện được cả 4 điều này thì ắt sẽ phước huệ song toàn, là bậc đại trí tuệ.
Nguồn: ntdvn
Có thể là hình ảnh về 1 người và văn bản
Tất cả cảm xúc:
1,5K

Tam tài giả, Thiên Địa Nhân

 https://www.dkn.tv/van-hoa/tam-tu-kinh-chon-loc-bai-7-tam-tai-la-thien-dia-nhan.html (1) Vợ Hứa Doãn được xếp thứ tư trong bốn người phụ nữ...